Trách nhiệm giải quyết khiếu nại của công dân trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Một phần của tài liệu Khiếu nại hành chính và việc giải quyết khiếu nại hành chính trong việc thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Trang 33 - 37)

vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Hiến pháp và pháp luật về khiếu nại không chỉ quy định về quyền khiếu nại của công dân mà còn xác định trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng như trách nhiệm phối hợp của các cơ quan hữu quan khác trong hoạt động giải quyết khiếu nại của công dân.

Điều 74, Hiến pháp năm 1992 quy định: "Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định" [23].

Luật Khiếu nại quy định về trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình; nếu trái pháp luật phải kịp thời sửa chữa, khắc phục, tránh phát sinh khiếu nại. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải

tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.

Theo quy định của pháp luật khiếu nại và pháp luật đất đai thì trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính của công dân, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc về Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, mà cụ thể là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người bị thu hồi đất được quy định tại Điều 138 của Luật Đất đai 2003 và Điều 162, 163, 164 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp

xã): Điều 19 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình trực tiếp quản lý" [26]. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định hướng dẫn thi hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, vì vậy trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính đối với quyết định hành chính không được đặt ra. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 65 Nghị định 84/NĐ- CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp này có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính của mình và của cán bộ, công chức do mình trực tiếp quản lý bị khiếu nại khi giải quyết công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng liên quan trong quá trình xác minh, thẩm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp người khiếu nại có đất bị thu hồi trên địa bàn mình quản lý.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện): Theo quy định tại Điều 44 Luật Đất đai thì Ủy

ban nhân dân huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với sử dụng đất ở tại Việt Nam. Đồng thời, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như ra quyết định chi trả bồi thường, quyết định hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây cũng là cấp chủ yếu triển khai thực hiện hoạt động bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Việc khiếu nại hành chính trên lĩnh vực này cũng xảy ra chủ yếu ở cấp huyện. Vì vậy, Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Đất đai năm 2003 đều xác định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của mình trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bị khiếu nại. Đồng thời, giải quyết quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã giải quyết lần đầu nhưng người khiếu nại không đồng ý, tiếp tục khiếu nại; giải trình, cung cấp thông tin, chứng cứ và phối hợp với cơ quan nhà nước cấp trên giải quyết khiếu nại đối với quyết định mà mình đã giải quyết lần đầu nhưng người khiếu nại không đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.

Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính của mình hoặc của cán bộ thuộc quyền và tham mưu giải quyết khiếu nại hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giao nhiệm vụ.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của mình trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bị khiếu nại; đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định giải quyết mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, giám đốc Sở

hoặc cấp tương đương đã giải quyết lần đầu trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng người khiếu nại không đồng ý, tiếp tục khiếu nại.

Giám đốc Sở và cấp tương đương giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính của mình và giải quyết khiếu nại mà Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc sở hoặc cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng người khiếu nại không đồng ý, tiếp tục khiếu nại. Đồng thời tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi được giao trách nhiệm.

Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì Thủ tướng Chính phủ không phải là một cấp giải quyết khiếu nại nhưng với tư cách là người đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương và Chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo cho các quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật. Thanh tra Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ trong công việc này.

Bên cạnh đó, trách nhiệm phối hợp trong hoạt động giải quyết khiếu nại của công dân là hết sức quan trọng, góp phần quyết định chất lượng giải quyết khiếu nại. Đặc biệt, khiếu nại hành chính trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là rất phức tạp, cần phải có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng như cơ quan Thanh tra, cơ quan Tài nguyên - Môi trường, cơ quan Bồi thường giải phóng mặt bằng; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng như vai trò của các cấp ủy Đảng.

Hoạt động giám sát việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và khiếu nại hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nói riêng của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kết quả giải quyết khiếu nại hành chính của công dân. Trên thực tiễn, các cơ quan được pháp luật trao cho thẩm quyền

giám sát hoạt động này đã phát huy vai trò, trách nhiệm, tham gia tích cực vào hoạt động giải quyết khiếu nại và đã tạo được những kết quả nhất định.

Qua phân tích trên, có thể khẳng định trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nói riêng trước hết và chủ yếu là của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quyền lực nhà nước, các cá nhân có thẩm quyền (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân); Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác đều có trách nhiệm tham gia, phối hợp trong hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính của công dân và giám sát hoạt động này nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại tuân thủ một cách nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết.

Một phần của tài liệu Khiếu nại hành chính và việc giải quyết khiếu nại hành chính trong việc thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)