Phân loại căn cứ theo đối tượng huy động

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý và tăng cường huy động vốn tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở giao dịch 3. (Trang 29 - 30)

Thông thường vốn huy động được chia theo các đối tượng như các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức tín dụng, khách hàng dân cư thông thường và các nhóm khách hàng khác.

-Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế - xã hội: Với tư cách là trung tâm thanh toán, các ngân hàng thương mại thực hiện việc mở tài khoản tiền gửi thanh toán cho các khách hàng. Từ đó một khối lượng tiền khổng lồ được chuyển qua các ngân hàng thương mại để thực hiện chức năng thanh toán của nó theo yêu cầu của chủ tài khoản. Do đó sự đan xen giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả, cho nên hệ thống tài khoản thanh toán của ngân hàng luôn hình thành một số dư tiền gửi nhất định và nó đã trở thành nguồn vốn huy động có chi phí thấp, nếu biết khai thác sử dụng thì nguồn vốn này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Để khai thác tốt nguồn vốn này các ngân hàng thương mại cần phải thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng công nghệ, phương tiện thanh toán nhằm thu hút được khách hàng gửi tiền và bán chéo thêm các sản phẩm dịch vụ. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế - xã hội được thực hiện thông qua tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn.

-Huy động từ các tầng lớp dân cư: Hình thức huy động này chính là thu hút được nguồn tiền gửi tiết kiệm. Mỗi một gia đình và cá nhân trong xã hội đều có những khoản tiền tiết kiệm để dự phòng cho những nhu cầu chi dùng cho tương lai. Khi xã hội càng phát triển thì khoản dự phòng này càng lớn. Nắm được tình hình đó, các ngân hàng thương mại đã tìm mọi hình thức nhằm huy động tối đa các khoản tiết kiệm này, từ đó tạo ra một nguồn vốn không nhỏ để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và thu được lợi nhuận cho bản thân ngân hàng. Huy động vốn từ các tầng lớp dân cư được thực hiện thông qua các hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, tiền gửi thu nhập hoặc phát hành các chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá.

-Vốn vay từ ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng khác: Đây là nguồn vốn mà ngân hàng có được nhờ quan hệ vay mượn giữa ngân hàng thương mại với ngân hàng nhà nước, giữa các ngân hàng thương mại với nhau và với các tổ chức tín dụng khác. Huy động vốn thông qua việc đi vay được thực hiện thông qua việc phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, vay ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng khác. Nguồn vốn này ngân hàng phải chịu với chi phí cao hơn, vì vậy chỉ trong trường hợp ngân hàng thiếu vốn khả dụng trong thời gian ngắn thì ngân hàng mới đi vay.

Huy động vốn theo đối tượng phản ánh tỷ trọng vốn huy động của từng đối tượng chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng nguồn vốn huy động. Giúp ngân hàng xác định được đối tượng nào đem lại nguồn vốn huy động cao nhất, có lợi thế nhất, từ đó giúp ngân hàng xác định được mục tiêu và phương hướng và đưa ra những phương pháp để thu hút và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý và tăng cường huy động vốn tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở giao dịch 3. (Trang 29 - 30)