Lãi suất là yếu tố chính tạo nên thu nhập và chi phí cho ngân hàng. Mọi biến động về lãi suất đều có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Vì vậy, việc xây dựng chính sách lãi suất là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, lãi suất là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các NHTM, giúp các ngân hàng có thể hấp dẫn được khách hàng đến gửi tiền. Nếu ngân hàng trả lãi cao sẽ khuyến khích khách hàng đến gửi tiền nhưng lại làm gia tăng chi phí. Do vậy, việc xây dựng chính sách lãi suất hợp lý sẽ giúp ngân hàng huy động được một lượng vốn theo kế hoạch, đảm bảo tính cạnh tranh so với các ngân hàng khác, đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng.
Trong những năm qua, BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 3 đã áp dụng chính sách lãi suất khá hợp lý và đã thu hút được một lượng vốn đáng kể. Tuy nhiên, lãi suất Chi nhánh đưa ra vẫn kém cạnh tranh hơn một số ngân hàng khác trong cùng địa bàn ở một số loại sản phẩm tiền gửi (TGTK) dẫn đến lượng vốn này tuy có tăng nhưng không đáng kể và chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong tổng Nguồn vốn huy động. Do vậy, trong thời gian tới để tăng cường Nguồn vốn huy động, Chi nhánh cần phải thường xuyên duy trì một chính sách lãi suất linh hoạt và hợp lý theo hướng:
Trong từng thời điểm khác nhau có chính sách lãi suất khác nhau. Trong thời điểm tình hình kinh tế xã hội ổn định, lạm phát thấp,... thì lãi suất tuân theo nguyên tắc lãi ngắn hạn thấp hơn lãi dài hạn. Nhưng vào những thời điểm nền kinh tế bất ổn, thị trường tài chính diễn biến không định trước, ngân hàng phải chú ý ưu tiên lãi suất tiền gửi ngắn hạn cao hơn lãi suất tiền gửi dài hạn. Vì chỉ có làm như vậy chi nhánh mới có thể giảm thiểu rủi ro lãi suất trong hoạt động ngân hàng.
Lãi suất huy động khác nhau với các đối tượng khách hàng khác nhau. Lãi suất tiền gửi tổ chức kinh tế thấp hơn tiền gửi dân cư và thấp hơn lãi suất chứng
chỉ tiền gửi chi nhánh phát hành. Lãi suất áp dụng với từng khác hàng khác nhau trong một nhóm khách hàng là khác nhau. Dựa trên lợi nhuận ngân hàng đã nhận được từ khách hàng, lợi nhuận tiềm năng sẽ nhận được từ khách hàng, chi nhánh xây dựng cơ chế lãi suất riêng. Có thể cùng sản phẩm đầu tư tự động áp dụng với nhiều khách hàng tổ chức kinh tế, nhưng có khách hàng số dư tiền gửi không kỳ hạn lớn sẽ dược áp dụng lãi suất cao hơn.
Lãi huy động và cho vay phải phù hợp nhau, và phù hợp với thị trường. Quy chế trả lãi tiền gửi phải thống nhất, xuyên suốt và tiện lợi cho phép khách hàng lựa chọn. Ví dụ: Chi nhánh trả lãi tiền gửi lĩnh lãi hàng tháng thấp hơn lĩnh lãi cuối kỳ, các khách hàng gửi tiền với số lượng lớn và thời hạn dài sẽ được ưu đãi về lãi suất,… Chi nhánh phải xây dựng chính sách lãi suất riêng, vừa hấp dẫn khách hàng, vừa tạo được lợi thế trong cạnh tranh.
Với tiền gửi tiết kiệm: ngoài lãi suất, người gửi thường bị chi phối bởi mối quan hệ đã có với ngân hàng, chất lượng dịch vụ ngân hàng cung cấp, thái độ, phong cách phục vụ của ngân hàng. Do vậy, với loại tiền gửi này Chi nhánh cần đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn, hoặc không tăng lãi suất thì đi kèm khuyến mại: tặng quà, quay sổ số trúng thưởng,...
Đối với tài khoản tiền gửi thanh toán: sự thuận tiện, nhanh chóng, đa dạng và độ an toàn được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tiền gửi không kỳ hạn tại Chi nhánh tăng mạnh cả về quy mô và chất lượng, cho thấy Chi nhánh đã đẩy mạnh khai thác tiền gửi của tổ chức kinh tế, giúp giảm chi phí đầu vào. Để tăng cường nguồn vốn này hơn nữa, ngoài việc thực hiện tốt các giao dịch, chi nhánh có thể chủ động áp dụng hình thức miễn, giảm phí dịch vụ.
Đối với các sản phẩm hiện đại: tốt nhất Chi nhánh nên miễn phí phát hành thẻ, miễn phí giao dịch, không yêu cầu số dư tối thiểu,... tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng sử dụng thẻ. Ngược lại Chi nhánh trả lãi thấp cho số dư trên tài khoản thẻ.
Đối với các giấy tờ có giá: cần đưa ra nhiều mức lãi suất với nhiều kỳ hạn khác nhau, cho phép lĩnh lãi trước hoặc lĩnh lãi sau.