Phân loại theo bản chất các nghiệp vụ huy động vốn

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý và tăng cường huy động vốn tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở giao dịch 3. (Trang 30 - 34)

Huy động vốn theo loại tiền:

Vốn huy động theo loại tiền được chia thành hai loại là vốn huy động bằng nội tệ và vốn huy động bằng ngoại tệ. Trong đó vốn huy động bằng nội tệ là những khoản vốn bằng đồng Việt Nam và vốn huy động bằng ngoại tệ là những khoản vốn bằng ngoại tệ mà ngân hàng huy động được.

-Vốn huy động bằng nội tệ: là loại vốn chủ yếu của tất cả các ngân hàng. Ngân hàng huy động vốn nội tệ thông qua tất cả các hình thức huy động vốn khác nhau với nhiều mục đích sử dụng cũng khác nhau nhưng chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm. Và loại vốn này luôn chiếm tỷ trọng rất cao để đáp ứng mọi nhu cầu về việc sử dụng vốn của ngân hàng.

-Vốn huy động bằng ngoại tệ: là một trong những loại vốn không thể thiếu trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Loại vốn này chủ yếu được dùng trong thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, cũng như trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng.

Huy động vốn qua nghiệp vụ đi vay:

Hình thức này ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện nay. Các ngân hàng thương mại có thể vay từ nhiều nguồn:

Vay từ các tổ chức tín dụng: Đó là các khoản vay thông thường mà các ngân hàng vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng hay thị trường tiền tệ. Các ngân hàng thường xây dựng các mối quan hệ tốt để khi thiếu hụt vốn có thể vay lẫn nhau chứ không vay ngân hàng trung ương.

Vay từ ngân hàng trung ương: Khi ngân hàng thương mại xảy ra tình trạng thiếu hụt dự trữ bắt buộc hay mất khả năng thanh toán thì người cuối cùng mà các ngân hàng có thể cầu cứu là ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương cho vay dưới hình thức tái chiết khấu thương phiếu. Các ngân hàng thương mại có thể mang các thương phiếu lên ngân hàng trung ương để vay. Tuy nhiên việc vay này cũng có một số khó khăn do ngân hàng trung ương chỉ cho ngân hàng thương mại một hạn mức tái chiết khấu và việc cho vay này lại nằm trong định hướng của chính sách tài chính quốc gia. Dẫu sao đây cũng là một hình thức bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại cực kỳ quan trọng trong những thời điểm nhất định.

Huy động vốn theo cơ cấu tiền gửi:

Theo Luật các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì tiền gửi nói chung được hiểu là số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền.

-Tiền gửi tiết kiệm: Là một hình thức gửi tiền mà người gửi lựa chọn để gửi một số tiền vào một ngân hàng bất kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. Qua đó, cá nhân này sẽ được hưởng một lãi suất tiết kiệm tương ứng với kỳ hạn gửi. Ngân hàng sẽ phát hành sổ tiết kiệm với các thông tin cơ bản như số tiền gửi, kỳ hạn, lãi suất, …Tiền gửi tiết kiệm có hai hình thức chủ yếu là tiết kiệm có kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn.

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn là loại hình tiết kiệm mà người gửi chỉ có thể rút tiền sau một kỳ hạn gửi nhất định theo thỏa thuận với ngân hàng nhận số tiền gửi. Lãi suất sẽ được tính theo các kỳ hạn mà ngân hàng đặt ra như 1 tháng, 2 tháng đến 36 tháng.

Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là loại hình tiết kiệm mà người gửi có thể rút tiền theo nhu cầu mà không cần phải báo trước với ngân hàng. Lãi suất của loại hình này thấp hơn nhiều so với hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

-Tiền gửi thanh toán: Là loại hình tiền gửi không kỳ hạn được sử dụng với mục đích chủ yếu là thực hiện các giao dịch thanh toán qua ngân hàng bằng các phương tiện thanh toán như séc lĩnh tiền mặt, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, chuyển tiền điện tử,... nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh nhất của khách hàng. Ngoài ra, đối với khách hàng là tổ chức có thể sử dụng kèm dịch vụ thấu chi trên tài khoản tiền gửi thanh toán.

Tóm lại, nguồn vốn huy động từ tiền gửi có vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của NHTM. Thông thường nguồn vốn này phụ thuộc vào ba thông số chính: Lãi suất do các NHTM trả cao hay thấp; Lãi suất của các loại hình đầu tư khác như trái phiếu, cổ phiếu; Thu nhập của khách hàng. Trong đó thông số đầu tiên được coi là quan trọng nhất. Vì thế việc đưa ra chiến lược lãi

suất như thế nào, hình thức huy động ra sao để thu hút được vốn nhiều và kinh doanh có lãi là điều quan trọng hàng đầu của các NHTM.

Huy động vốn qua công cụ phát hành công cụ nợ của ngân hàng:

Đây là nguồn vốn ngân hàng huy động một cách chủ động trên thị trường tài chính gồm: Thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Là trung gian tài chính, phải luôn đáp ứng nhu cầu về vốn, do vậy việc ngân hàng thiếu vốn là không thể tránh khỏi. Trong những trường hợp này, ngân hàng có thể sử dụng nghiệp vụ huy động vốn trên thị trường tài chính: Phát hành các giấy tờ có giá trị như các giấy tờ vay nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Việc chuyển nhượng các giấy tờ trên từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Ngân hàng có thể phát hành kỳ phiếu hoặc phát hành trái phiếu.

- Trái phiếu là một giấy tờ có giá, xác nhận khoản nợ của khách hàng đối với chủ ngân hàng với cam kết như thanh toán một số tiền xác định vào một ngày xác định trong tương lại với thời hạn cho trước. Việc phát hành trái phiếu được tiến hành trong toàn hệ thống ngân hàng chủ yếu là để huy động vốn trung và dài hạn phục vụ cho những kế hoạch kinh doanh có quy mô lớn và dài hạn. Do tính chủ động trong việc huy động vốn nên lãi suất trái phiếu hấp dẫn, cao hơn lãi suất của các công cụ nợ khác và tỷ lệ thuận với kỳ hạn của khoản nợ.

- Kỳ phiếu ngân hàng là một loại giấy nhận nợ ngắn hạn do ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn trong dân cư, chủ yếu là để phục vụ cho những kế hoạch kinh doanh xác định của ngân hàng như một dự án, một chương trình kinh tế. Kỳ phiếu ngân hàng được phát hành theo từng đợt hay còn gọi là kỳ phiếu có mục đích, phát hành dựa trên cơ sở tình hình nguồn vốn và nhu cầu sử dụng vốn trong thời kỳ trước mắt của ngân hàng. Lãi suất của kỳ phiếu thường ổn định và hấp dẫn (mức độ tùy thuộc vào mức độ cần thiết về vốn của ngân hàng).

Huy động vốn qua các hình thức khác:

Để tăng cường huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại còn sử dụng các hình thức khác về dịch vụ xã hội: làm dịch vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, trung gian thanh toán,

đầu mối trong hợp đồng đồng tài trợ... Nền kinh tế càng phát triển, các dịch vụ trên càng mang lại cho ngân hàng những nguồn huy động lớn giúp cho ngân hàng có thể kinh doanh một cách an toàn và hiệu quả.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý và tăng cường huy động vốn tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sở giao dịch 3. (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)