Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch 3
Trước những khó khăn từ nền kinh tế toàn cầu, những khó khăn từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, trước áp lực cạnh tranh của các ngân hàng, tổ chức tài chính trên địa bản, thực hiện tốt mục tiêu kinh doanh trong thời gian tới là vô cùng khó khăn. Khó khăn không đồng nghĩa với không thực hiện được. Điều cần nhất là cần có chiến lược kinh doanh phù hợp và linh hoạt với từng thời kỳ.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh gắn liền với tăng cường huy động vốn. Đó là phương châm kinh doanh có thể áp dụng trong mọi thời kỳ. Nhưng để có thể tăng cường huy động vốn đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau.
Trước những diễn biến không thể dự báo trước của thị trường tài chính - tiền tệ, các biện pháp điều hành nền kinh tế của chính phủ, tình hình kinh doanh trong thời gian tới sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn huy động sẽ ngày càng khó khăn, hoạt động cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng đều chú trọng thu hút nguồn vốn qua các kênh phụ trợ. Hiệu quả huy động vốn của chi nhánh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Khắc phục những khó khăn trước mắt, phát huy lợi thế sẵn có của mình, BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 3 đã đưa ra phương hướng nhằm tăng cường huy động vốn trong năm tới như sau:
Thứ nhất, tăng quy mô nguồn vốn huy động để phục vụ cho các nhu cầu đầu tư, cho vay nền kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt chú trọng tăng nguồn vốn huy động ngoại tệ thông qua việc tiếp xúc và phục vụ các dự án ngoại tệ. Có như vậy chi nhánh mới có thể tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn.
Thứ hai, giảm chi phí huy động vốn gồm chi phí trả lãi tiền gửi và chi phí quản lý. Để giảm chi phí lãi tiền gửi, chi nhánh cần tiếp cận với các nguồn vốn có lãi suất thấp như nguồn tiền gửi của tập đoàn, tổng công ty, nguồn không kỳ hạn từ cá nhân qua việc đa dạng hóa dịch vụ, tiện ích kết hợp với chính sách chăm sóc khách hàng. Thực hiện chống lãng phí trong các hoạt động khác phục vụ kinh doanh của chi nhánh để giảm chi phí quản lý.
Thứ ba, tăng thu từ hoạt động cho vay, đầu tư. Thông qua việc lựa chọn khách hàng, thẩm định kỹ lưỡng khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng, kiểm tra việc sử dụng vốn, đốc thúc thu nợ - lãi đúng thời hạn để tăng nguồn thu từ hoạt động cho vay. Mặt khác làm tốt công tác quản trị rủi ro hoạt động tín dụng, tránh thất thoát nguồn vốn.
Thứ tư, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu cho vay để đảm bảo hiệu quả vốn huy động. Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn, nguồn vốn ngắn hạn, nguồn vốn ngoại tệ. Cơ cấu dư nợ điều chỉnh theo hướng giảm dư nợ, tỷ trọng cho vay ngoại tệ cân xứng với nguồn huy động.
Thứ năm, chú trọng đến công tác dịch vụ marketing, xây dựng thương hiệu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ... như một công cụ phụ trợ giúp tăng quy mô nguồn vốn, giảm chi phí huy động vốn.
Tăng cường huy động vốn là mục tiêu mà bất cứ ngân hàng nào cũng hướng tới. Bởi kinh doanh ngân hàng là kinh doanh tiền, tức đồng tiền huy động được phải đẻ ra tiền, phải mang lại hiệu quả. Tăng thu từ hoạt động cho vay, giảm chi phí huy động vốn, thực hành chống lãng phí, điều chỉnh cơ cấu huy động - cho vay theo hướng hợp lý, thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro, ... là những vấn đề trọng tâm có liên quan trực tiếp và cần được quán triệt trong phương hướng tăng cường huy động vốn của BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 3. Tuy nhiên chi nhánh cũng không thể bỏ qua các hoạt động gián tiếp khác làm tăng hiệu quả huy động.