QUẢN LÝ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM
5.3.1.2. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững
Trong những năm qua, kinh ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2012, Việt Nam đã xếp vào hàng thứ 45 nước đứng đầu trong thương mại quốc tế [123].Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng của nhóm ngành hàng công nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước đang phát triển có mức độ nợ tương tự Việt Nam thì tỷ trọng giá trị xuất khẩu của nhóm ngành hàng này vẫn chưa thực sự cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặc dù đã rất nỗ lực mở rộng được thị trường, đa dạng hóa sản phẩm nhưng vẫn chưa xây dựng được kế hoạch xuất khẩu dài hạn và chưa thực sự quan tâm đúng mức đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu và bền vững, cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng chiến lược cơ cấu ngành hợp lý, chú trọng các ngành dịch vụ, hỗ trợ các ngành, các doanh nghiệp có sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như xét giảm thuế, miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất. Riêng đối với xuất khẩu lao động, cần kiên quyết ngăn chặn tình trạng lao động bỏ trốn ra ngoài làm bằng cách ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với những bên có liên quan như gia đình lao động, công ty môi giới, địa phương, ngân hàng cho vay vốn...;
Hai là, tập trung giải quyết các vấn đề về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đáp ứng vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản
140
trong thời gian tới trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng. Mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê và nghiên cứu xây dựng chính sách tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu [72].
Ba là, cần tăng cường vai trò kiểm soát chất chất lượng hàng hóa xuất khẩu của các cơ quan nhà nước để nâng cao uy tín các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, tránh tình trạng cảnh báo về việc không đáp ứng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại [72].
Bốn là, tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong giai đoạn tới theo hướng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế có thị trường và có khả năng cạnh tranh. Phối hợp các Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới đồng thời tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các FTA, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã kí FTA…
Năm là, tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lí nhập khẩu kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lí nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội tạo điều kiện chủ động, phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.