QUẢN LÝ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM
5.3.2.2. Hoàn thiện công cụ quản lý nợ
Mặc dù Việt Nam cũng đã phê duyệt các chính sách, chiến lược vay và trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các chiến lược mới chỉ thể hiện tổng mức dư nợ cuối kỳ, thực hiện nghĩa vụ trả nợ... mà chưa tính đến nhu cầu vay nợ nước ngoài, chưa thực sự xây dựng được bộ chỉ tiêu nợ để đánh giá mức độ nợ quốc gia. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý nợ nước ngoài, Việt Nam cần xây dựng các chiến lược vay và trả nợ trên cơ sở việc tính toán nhu cầu vay nợ cần thiết. Việc tính toán nhu cầu vay nợ nước ngoài cần dựa trên các thông tin về nhu cầu đầu tư, khả năng tiết kiệm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng thanh toán nợ, tình trạng của cán cân thanh toán và ngân sách nhà nước; Kiểm soát chặt chẽ các tỷ lệ nợ nước ngoài, đặc biệt là các tỷ lệ Nợ nước ngoài/GDP, Nợ nước ngoài/Xuất khẩu; Quản trị chặt chẽ các loại rủi ro phát sinh trong quá trình vay và trả nợ như rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, tối thiểu các loại chi phí, giảm thiệt hai do các loại rủi ro gây ra, dự trữ ngoại tệ phù hợp để hạn chế rủi ro tỷ giá, hay những biến động của dòng vốn; Ngoài ra, chiến lược quản lý nợ nước ngoài cũng cần được xây dựng trong các chiến lược kinh tế tổng thể của quốc gia và cân đối với các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tư 21/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 21/03/2007 về việc hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài, nhưng các chỉ tiêu này thực sự vẫn chưa đánh giá hết tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt nam cần hoàn thiện lại bộ chỉ tiêu nợ nước ngoài. Hệ thống chỉ tiêu nợ không những góp phần đảm bảo mức nợ bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, mà còn giúp các cơ quan quản lý nợ hoạch định chiến lược vay nợ, giúp các nhà đầu tư nước ngoài, các chủ nợ và công chúng dễ dàng đánh giá mức độ nợ. Do vậy, hệ thống chỉ tiêu nợ cần bám sát vào các chỉ tiêu đánh giá mức độ nợ nước ngoài của World Bank.
5.3.2.3. Hoàn thiện phương thức quản lý nợ
146
Nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế của cơ sở pháp lý về quản lý nợ nước ngoài, Việt Nam cần thực hiện một số công việc sau:
Thứ nhất, đảm bảo tính nhất quán, tính hệ thống trong khuôn khổ pháp lý. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nợ cần thống nhất quan điểm trong các văn bản giữa các cơ quan ban hành hoặc chủ trì; cần đảm bảo tính phù hợp theo chiều dọc giữa các văn bản. Nếu như các quy định trước không còn phù hợp thì các văn bản sau phải có đề nghị chỉnh sửa các văn bản trước.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Cụ thể:
Một là, chỉnh sửa các khái niệm phù hợp với thông lệ quốc tế, khái niệm về nợ nước ngoài cần được mở rộng đối tượng vay; mở rộng các hình thức vay nợ như các công cụ của thị trường tiền tệ, các công cụ tài chính ngắn hạn khác.
Hai là, bổ sung luật quản lý nợ nước ngoài bên cạnh luật quản lý nợ công, trong đó quy định một cách có hệ thống quy trình quản lý nợ từ khi đi vay đến khi thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi; quy định vai trò của Chính phủ và Quốc hội trong quá trình vay và trả nợ; quy định mức nợ tối đa... Bởi trong xu hướng hội nhập kinh tế như hiện nay, việc phê chuẩn vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng với cộng đồng quốc tế về quan hệ đối ngoại, khẳng định ý chí vay và trả nợ của Việt Nam. Thêm vào đó, việc bổ sung Luật quản lý nợ nước ngoài là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi nghiên cứu kinh nghiệp quản lý nợ nước ngoài của các nước trên thế giới cho thấy, ở Hàn Quốc có Luận thu hút nguồn vốn nước ngoài; ở Thái Lan có Luật vay nợ nước ngoài.
Ba là, bổ sung các văn bản điều chỉnh và giám sát, xử lý các sai phạm trong quản lý nợ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc theo dõi, kiểm tra, giám sát phải thực hiện trong suốt quá trình vay và trả nợ.
Bốn là, xây dựng các quy định hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ vay và trả nợ, các quy định phê chuẩn thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước một cách có
147
hệ thống nhằm đảm bảo tính khách quan trong xử lý các tranh chấp giữa các bên có liên quan đến các nghiệp vụ mua bán, chuyển đổi các khoản nợ nước ngoài.
• Nâng cao hiệu quả giám sát và duy trì thông tin nợ nước ngoài
Hiện nay, Việt Nam chưa có bộ số liệu chính xác, nhất quán và toàn diện về nợ nước ngoài, chưa có quy chế quy định về công bố dữ liệu về nợ nước ngoài. Tình trạng này có thể dẫn tới sụt giảm niềm tin của công chúng và các nhà đầu tư cũng như các chủ nợ nước ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp nhằm công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến nợ nước ngoài, tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nợ.
Thứ nhất, Việt Nam cần biên soạn hoặc ước tính các số liệu về nợ nước ngoài cũng như các số liệu kinh tế vĩ mô một khác cách cập nhật, nhất quán, chính xác và dễ kiểm chứng. Đây cũng chính là cam kết của Việt Nam khi đã là thành viên của Hệ thống phổ biến số liệu tổng hợp (GDDS).
Thứ hai, Việt Nam cần xây dựng quy chế về việc công bố cơ sở dữ liệu về nợ nước ngoài. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nợ bắt buộc phải cung cấp thông tin về nợ nước ngoài theo biểu mẫu thống nhất và chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan lưu trữ thông tin. Đảm bảo cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật về nợ nước ngoài theo chủ thể đi vay, thời hạn vay, cơ cấu tiền vay… Các dữ liệu phải được kết hợp đầy đủ và thống nhất để đưa ra một bảng tổng hợp và phân tích nợ
Thứ ba, định kỳ (hàng năm, 6 tháng hoặc hàng quý) công bố dữ liệu về nợ nước ngoài và các chỉ số nợ nước ngoài nhằm cung cấp thông tin kịp thời về giải ngân khoản vay phải khớp với dự tính và tính toán của các nước cho vay.