Yêu cầu, nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trang 27 - 31)

cán bộ quản lý trường THPT

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL trường THPT là nhằm làm cho đội ngũ này đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến.

Mục tiêu trên được cụ thể hoá thành các điểm sau đây:

i) Chăm lo xây dựng đội ngũ để có đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu loại hình, vững vàng về trình độ, có thái độ nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, đảm bảo chất lượng về mọi mặt để đội ngũ CBQL thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất chương trình, kế hoạch đào tạo và những mục tiêu giáo dục chung của nhà trường.

ii) Phải làm cho đội ngũ CBQL luôn có đủ điều kiện, có khả năng sáng tạo trong việc thực hiện tốt nhất những mục tiêu của nhà trường đồng thời tìm thấy lợi ích cá nhân trong mục tiêu phát triển của tổ chức, phát triển đội ngũ CBQL phải tạo ra sự gắn bó kết hợp mật thiết giữa công tác quy hoạch, kế hoạch tuyển chọn, sử dụng, đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ phát triển.

iii) Phát triển đội ngũ CBQL là bao gồm sự phát triển toàn diện của người giáo viên - nhà quản lý; với tư cách là thành viên trong cộng đồng nhà trường, là nhà chuyên môn, nhà quản lý trong hoạt động sư phạm về giáo dục.

iv) Xây dựng phát triển đội ngũ là phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng được kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ thường xuyên liên tục.

v) Kết quả của công tác xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL không những chỉ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp cho các nhà giáo mà còn cần phải quan tâm đến những nhu cầu thăng tiến, những quyền lợi thiết thực để thực sự làm cho người CBQL gắn bó trung thành và tận tụy với “Sự nghiệp trồng người”.

Nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL bao gồm các vấn đề sau đây:

+ Xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ CBQL, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

+ Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng CBQL.

+ Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ công tác quản lý, tầm nhìn chiến lược, năng lực sáng tạo và tính chuyên nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phương pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL cũng được dựa trên những phương pháp quản lý nói chung.

+ Đó là các phương pháp quản lý được vận dụng trong một nội dung cụ thể của quản lý - quản lý nhân sự trong tổ chức. Phương pháp quản lý nhân sự là hệ thống những cách thức, con đường mà chủ thể quản lý sử dụng để tác động đến con người trong tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

+ Các phương pháp quản lý con người trong tổ chức rất phong phú. Chúng được hình thành chủ yếu từ ba cực tương ứng với ba trạng thái của quản lý.

* Trạng thái thứ nhất, nhà quản lý sử dụng các phương pháp dựa trên sự cam kết mang tính mệnh lệnh, cưỡng bức do quyền lực của mình mang lại.

* Trạng thái thứ hai, nhà quản lý sử dụng phương pháp dựa trên sự đồng thuận, hợp tác của con người trong hệ thống. Trong trường hợp này, mỗi người đều cảm thấy cần phải gắn bó với nhau để cùng làm việc trong tổ chức thì mới đem lại kết quả chung và kết quả riêng như mong đợi.

* Trạng thái thứ ba, nhà quản lý sử dụng các phương pháp dựa trên thành tựu của khoa học kỹ thuật trong quản lý.

Trong khoa học quản lý và quản lý nhân sự, các phương pháp quản lý được sử dụng để phát triển đội ngũ bao gồm:

i) Các phương pháp giáo dục, vận động tuyên truyền

Những phương pháp này bao gồm các cách thức tác động của chủ thể quản lý vào tư tưởng, tình cảm của con người trong tổ chức, nhằm nâng cao trách nhiệm, nhiệt tình của học trong công việc, qua đó giúp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ. Trong phát triển đội ngũ, phương pháp này cũng được sử dụng để thuyết phục, động viên các cá nhân khi cần thiết phải có sự thay đổi trong vị trí hoặc công việc. Các phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật tâm lý. Đặc trưng của phương pháp là tính thuyết phục, tức là làm cho con người phân biệt được phải - trái, đúng - sai... từ đó nâng cao tính tự giác trong công việc và sự gắn bó trong tổ chức.

Các phương pháp giáo dục có ý nghĩa to lớn trong quản lý nhân sự và phát triển đội ngũ và đối tượng của quản lý nhân sự là con người - một thực thể năng động, là tổng hòa của nhiều mối quan hệ. Vì lẽ đó tác động vào con

người không thể chỉ có các tác động hành chính, kinh tế mà trước hết phải là tác động vào tinh thần, vào tình cảm của họ.

ii) Các phương pháp hành chính

Các phương pháp hành chính là các phương pháp tác động dựa vào những mối quan hệ tổ chức, kỷ luật của tổ chức

Mối quan hệ tổ chức trong hệ thống quản lý là một đặc trưng của tất cả các hệ thống quản lý. Về phương diện quản lý, quan hệ tổ chức được biểu hiện thành mối quan hệ giữa quyền uy và phục tùng . Vì thế các phương pháp hành chính là cách thức tác động trực tiếp của chủ thể quản lý lên tập thể những con người bằng các quyết định dứt khoát, mang tính bắt buộc, đòi hỏi mọi người trong hệ thống phải chấp nhận nghiêm ngặt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời, thích đáng.

Các phương pháp hành chính có vai trò quan trọng trong quản lý nhân sự, xây dựng đội ngũ của tổ chức. Phương pháp này xác lập trật tự kỷ cương làm việc và hoạt động trong tổ chức, kết nối các phương pháp quản lý khác nhằm phát huy đồng bộ sức mạnh của chúng. Các phương pháp hành chính cho hiệu lực tức thời ngay từ khi ban hành quyết định. Hơn nữa, các phương pháp hành chính buộc đối tượng bị tác động phải thực hiện một cách bắt buộc, không có sự lựa chọn. Điều này khiến cho phương pháp có ưu thế trong việc giải quyết những tình huống nảy sinh trong tổ chức một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này đòi hỏi chủ thể quản lý phải có quyết định dứt khoát, rõ ràng, dễ hiểu, có địa chỉ thực hiện và loại trừ khả năng có thể giải thích khác nhau đối với cùng một nhiệm vụ.

Các phương pháp kinh tế là các phương pháp tác động gián tiếp đến đối tượng quản lý thông qua các lợi ích kinh tế, để cho đối tượng quản lý tự lựa chọn phương án hoạt động hiệu quả nhất trong phạm vi hoạt động của họ.

Bản chất của các phương pháp này là đặt mỗi cá nhân vào những điều kiện kinh tế để họ có khả năng kết hợp đúng đắn lợi ích của bản thân với lợi ích chung của tổ chức. Các phương pháp kinh tế tác động lên con người trong tổ chức không phải bằng cưỡng bức hành chính mà bằng lợi ích, tức là nhờ mục tiêu nhiệm vụ phải đạt được, đưa ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế. Do đó, các phương pháp kinh tế chấp nhận có thể có những giải pháp kinh tế khác nhau cho cùng một vấn đề. Đồng thời khi sử dụng các phương pháp này, chủ thể quản lý phải biết tạo ra những tình huống, những điều kiện để lợi ích cá nhân và từng nhóm phù hợp với lợi ích của cả tổ chức.

Khi sử dụng phương pháp kinh tế, cần chú ý một số điểm sau đây:

+ Việc áp dụng phương pháp kinh tế luôn gắn với việc sử dụng các đòn bẩy kinh tế như giá cả, lợi nhuận, tiền lương, tiền thưởng...

+ Nhìn chung, việc sử dụng các phương pháp kinh tế có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các phương pháp kinh tế phải hoàn thiện các đoàn bẩy kinh tế, nâng cao năng lực vận dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thị trường.

+ Sử dụng các phương pháp kinh tế, đòi hỏi cán bộ quản lý phải có đủ trình độ và năng lực về nhiều mặt. Bởi vì sử dụng các phương pháp kinh tế đòi hỏi cán bộ quản lý phải biết và thành thạo về các vấn đề kinh tế, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức vững vàng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trang 27 - 31)