hết tiềm năng nguồn nguyên liệu sẵn có.
Sự phát triển và mở rộng ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phụ thuộc trực tiếp vào tính sẵn có của nguồn nguyên liệu thô trong nước. Là một nước nông nghiệp với đặc điểm khí hậu và vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nguyên liệu. Song ngoài sắn và tấm cám, hầu hết các nguyên liệu khác đều thiếu hụt trầm trọng, thậm chí một số nguyên liệu chính như đậu tương, bột cá, premix mới chỉ đảm bảo khoảng 50% nhu cầu sử dụng thực tế. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi như hiện nay, dự báo trong tương lai nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ thiếu hụt trầm trọng, thậm chí dẫn đến tình trạng khan hiếm tại một số thời điểm là điều rất dễ xảy ra. Chính vì thế, đi đôi với việc phát triển và đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, cần thiết phải đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu trong nước vừa đảm bảo cung ứng cho nhu cầu sản xuất về số lượng lẫn chất lượng và giá cả cạnh tranh, cụ thể:
Qui hoạch và khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cung cấp đạm, protein và khoáng chất phục vụ cho nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi:
o Với khả năng khai thác từ 2,5 đến 3 triệu tấn thủy hải sản mỗi năm, chúng ta có thể khẳng định rằng, nguyên nhân thiếu hụt bột cá là do Nhà nước chưa qui hoạch và phát triển một cách đồng bộ các vùng sản xuất bột cá chứ không phải là do khan hiếm nguồn thuỷ hải sản đầu vào. Một thực tế cho
thấy, công tác sản xuất bột cá phục vụ cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đang phát triển một cách tính tự phát, manh mún và chủ yếu do các cơ sở tư nhân thực hiện. Nhiều địa phương còn dùng nguồn hải sản để làm phân bón do khả năng công suất của các nhà máy sản xuất bột cá là rất hạn chế. Chính vì thế mà ở các tỉnh có sản lượng sản xuất thuỷ hải sản cao như Kiên Giang (120 ngàn tấn), Cà Mau (65 ngàn tấn) Quảng Nam, Đà Nẵng (30 ngàn tấn), Bến Tre (33 ngàn tấn)… cần phải xây dựng và đầu tư vào các nhà máy sản xuất bột cá. Đi đôi với chính sách đẩy mạnh phát triển ngành đánh bắt hải sản, Nhà nước cần hỗ trợ vốn bằng những chính sách ưu đãi tín dụng cho việc đầu tư và xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng một phần nguyên liệu bột cá cho chế biến thức ăn chăn nuôi.
o Hiện nay một số nguyên liệu như khô dầu, bột cá, khoáng vô cơ, khoáng hữu cơ có thể sản xuất trong nước nhưng không được ưa chuộng vì nhiễm nấm mốc, độc tố cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do bảo quản, công nghệ trừ khử nấm mốc, độc tố còn yếu. Cho nên, cần thiết phải có chính sách phát triển nhằm phối hợp các ngành công nghiệp, hóa dược, hóa công nghiệp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất khoáng vô cơ, khoáng hữu cơ, khoáng vi lượng bằng nguyên liệu sẵn có trong nước. Về lâu dài phải thực hiện các biện pháp dài hạn để có thể chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt là các nguyên liệu chính quyết định giá thành sản phẩm như bắp, dầu cá, và các chất khoáng.
Qui hoạch và khuyến khích phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp năng lượng o Sắn và tấm cám là hai nguyên liệu có thể đảm bảo nhu cầu nguyên liệu chế
biến thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt trong những năm gần đây, với chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, có nhiều chính sách kinh tế hỗ trợ cho nông dân tăng gia sản xuất nên sản lượng đã không ngừng gia tăng. Như vậy xét về lâu về dài, nguồn tấm cám có thể đảm bảo
cung ứng cho nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước nếu biết khai thác và sử dụng một cách hợp lý. Tuy nhiên đối với sự thiếu hụt trầm trọng bắp và đậu tương là điều cần quan tâm. Với diện tích canh tác khoảng 9,5 triệu ha sử dụng cho cây nông nghiệp hàng năm, trong đó phân bổ cho cây bắp là 990 ngàn ha, cây đậu tương là 182 ngàn ha, vì vậy không thể nói nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng là do thiếu diện tích đất canh tác mà là do Nhà nước chưa qui hoạch một cách hợp lý, năng suất cây trồng đang còn ở mức thấp, và một nguyên nhân hết sức quan trọng là hiệu quả kinh tế đối với các loại cây trồng này chưa cao.
o Xuất phát từ những nguyên nhân trên, trong chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp, Nhà nước nên qui hoạch lại diện tích đất canh tác cho từng loại cây trồng một cách hợp lý hơn. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ bản từ nay đến năm 2010 đã có bước điều chỉnh diện tích đất canh tác theo xu hướng giảm diện tích đất trồng lúa gạo (từ 7.5 triệu ha xuống còn 6.8 triệu ha), tăng diện tích canh tác bắp (từ 890 ngàn ha lên 1 triệu ha) và tăng điện tích canh tác cây đậu tương (từ 182 ngàn ha lên 360 ngàn ha). Để thực hiện được mục tiêu trên, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ người nông dân trong quá trình chuyển đối cơ cấu cây trồng. Bởi một thực tế cho thấy, không thể ép người nông dân phải trồng cây này, bỏ cây kia khi mà hiệu quả kinh tế thiết thực của nó chưa cao. Thiết nghĩ, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách trợ giá hợp lý đối với nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
o Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, trong môi trường hội nhập kinh tế thì tốt hơn hết là cần tập trung phát triển những cây trồng gì mà chúng ta có lợi thế. Chắc chắn sắn, bắp là những cây trồng cần được ưu tiên. Cần phải có các cơ sở chế biến và bảo quản nguyên liệu này khi vào vụ.
o Đi đôi với quá trình qui hoạch, hợp lý hoá diện tích canh tác cây nông nghiệp hàng năm, Nhà nước nên đầu tư hơn nữa vào công tác nghiên cứu, tìm kiếm giống mới nhằm tăng năng suất cây trồng hoặc tăng vụ đối với những địa phương, những khu vực có điều kiện tư nhiên phù hợp. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và đang được Nhà nước đặt lên hàng đầu, bởi suy cho cùng diện tích đất canh tác là có hạn. Việc tăng diện tích từng loại cây trồng cũng chỉ là mang tính tạm thời và tương đối bởi không thể phát triển một cách mất cân đối đối với một loại cây trồng trong khi nhu cầu xã hội đối với từng loại cây trông là đều cần thiết như nhau.
o Theo số liệu phân tích của hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu tăng diện tích canh tác bắp hiện nay lên 1 triệu ha, diện tích trồng sắn lên 300- 400 ngàn ha và sử dụng 10- 15% cám và gạo gãy từ nguồn xay xát lúa gạo cũng mới chỉ có 4,5 đến 5 triệu tấn nguyên liệu giàu năng lượng. Vì vậy ngoài việc mở rộng diện tích canh tác bắp, sắn phải đồng thời nâng năng suất bắp từ 2,8 tấn/ha lên khoảng 3,5 tấn/ha. Đưa năng suất trồng sắn lên 6- 7 tấn/ha. Việc đó có thể thực hiện được bởi vì năng suất bắp, sắn của Việt Nam thấp là vì giống chưa tốt, đầu tư cho thuỷ lợi, phân bón chưa nhiều. Hiện nay, năng suất bắp của Mỹ tới 7 tấn/ha, sắn từ 9-10 tấn/ha điều này cho thấy khả năng tăng năng suất bắp và sắn là hoàn toàn có thể thực hiện được.