Vị trí lựa chọn và xây dựng công trình nuôi

Một phần của tài liệu các nhân tô ảnh hưởng đến năng suât tôm thẻ chân trắng nuôi tại tỉnh khánh hòa (Trang 33 - 34)

a) Vị trí lựa chọn

Chọn địa hình nuôi tôm thâm canh phù hợp là một khâu quan trọng và cần xác định một cách cẩn thận trước khi xây dựng ao nuôi. Địa điểm nuôi phải được nghiên cứu kỹ về môi trường tự nhiên và xã hội. Khi lựa chọn cần chú ý tới các yếu tố có liên quan sau:

Về mặt địa hình: vùng nuôi phù hợp nhất nằm ở các trung triều hoặc cao triều, có thể phơi khô đáy ao khi cải tạo và thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tránh vùng có bão lụt, mưa nhiều, nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Đất xây dựng ao phải là đất thịt hoặc đất thịt pha cát, ít mùn bã hữu cơ, kết cấu chặt, giữ được nước. Nguồn nước chủ động (thay nước theo thủy triều hay dùng máy bơm), không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, PH nước thích hợp 7,5 – 8,5, độ mặn phù hợp nhất từ 5 – 30 S‰, độ Kiềm từ 80 mg CaCO3/lít trở lên. Ao nuôi phải có nguồn nước ngọt để bổ sung khi cần thiết. Nên chọn địa điểm giao thông thuận lợi, gần nguồn điện, gần nơi cung cấp các dịch vụ cho nghề nuôi tôm, an ninh trật tự tốt và trình độ học vấn đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển nuôi tôm …

b) Xây dựng công trình nuôi

Công trình nuôi thiết kế đúng sẽ giúp ích nhiều cho việc quản lý chất lượng nước, cho ăn, thu hoạch, thu gom và tẩy dọn chất thải.

- Ao nuôi

Có diện tích từ 3000 – 5000m2. Hình dạng ao thường là hình vuông, nếu là hình chữ nhật thì tỉ lệ chiều dài/ chiều rộng không quá lớn, ao càng ít góc cạnh càng tốt. Đáy ao bằng phẳng, đầm nén chặt, độ dốc nghiêng có cống tháo. Cao trình đáy không nên thấp hơn các ao lân cận, xung quanh ao có hệ thống lưới ngăn cua, còng, địch hại từ ngoài xâm nhập vào trong ao.

+ Ao chứa (ao lắng)

Ao lắng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát môi trường ao nuôi và dự trữ nước để cung cấp cho ao nuôi khi chất lượng nước trong ao nuôi không ổn định hoặc những nơi có nguồn nước mang tính thời vụ cao. Diện tích ao chứa khoảng 25-30% diện tích ao nuôi.

+ Ao xử lý nước thải

Ao xử lý nước thải dùng để xử lý nước và bùn của đáy ao trước khi đưa ra bên ngoài. Ao này có diện tích từ 10-20% diện tích ao nuôi.

Dưới đây là sơ đồ bố trí ao nuôi tôm tại một trang trại hoặc nông hộ:

Hình 1.2: Sơ đồ bố trí ao nuôi tôm tại một trang trại hoặc nông hộ.

(Nguồn: Nguyễn Trọng Nho và ctv, 2006)

- Các hệ thống khác (bờ, đê, cống, mương cấp và thoát nước)

Bờ ao phải đủ cao để ngăn chặn lũ lụt trong mùa mưa hoặc khi nước triều lên cao nhất. Tốt nhất mỗi ao nên có 2 cống, cống cấp và thoát nước đặt ở 2 bờ đối diện. Mương cấp thoát nước riêng biệt.

- Các dụng cụ cần thiết cho nuôi tôm

Bao gồm máy quạt nước, máy sục khí, máy bơm nước, các dụng cụ đo môi trường như máy đo pH, máy đo độ mặn (salinity refractometer), nên có kính hiển vi nhằm chẩn đoán những bệnh thông thường của tôm thẻ chân trắng.

Một phần của tài liệu các nhân tô ảnh hưởng đến năng suât tôm thẻ chân trắng nuôi tại tỉnh khánh hòa (Trang 33 - 34)