Hệ thống nhân vật được xây dựng trong mối quan hệ bổ sung

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 nhìn từ góc độ thi pháp (Trang 69 - 72)

Quan hệ bổ sung là quan hệ của các nhân vật cùng loại, nhằm mở rộng phạm vi của một hiện tượng. Nhân vật bổ sung thường là nhân vật phụ làm cho nhân vật chính thêm rõ nét, có bề dày. Các nhân vật này mang tính chất phụ thuộc, nhưng lại có tác dụng mở rộng đề tài.

Cách tổ chức kết cấu hình tượng nhân vật trong mối quan hệ bổ sung khá phổ biến trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975.

Nếu như ở các sáng tác trước năm 1975 các nhân vật đều hiện lên bổ sung cho nhau để tập trung hoàn thiện những phẩm chất chung của dân tộc, của thời đại. Đó là lòng yêu nước, niềm say mê lý tưởng, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh từ tính mạng đến của cải, từ lợi ích cá nhân đến tình cảm riêng tư cho lợi ích chung cao quý của cộng đồng. Họ đều là những nhân vật lý tưởng. Sau năm 1975 với các truyện ngắn: Bến quê, Bên đường chiến tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa, Sống mãi với cây xanh, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát…lại có những đóng góp

65

Châu đã miêu tả con người đầy đặn và trung thực hơn, không chỉ với những phẩm chất lý tưởng, những vẻ đẹp sử thi hào hùng, mà với cả sự trả giá, những góc tối âm thầm trong số phận, những cảnh ngộ, những đau đớn riêng tư. Tuy vẫn sử dụng lối kết cấu hình tượng nhân vật trong mối quan hệ bổ sung, song trong các truyện ngắn, hệ thống nhân vật được chú ý xây dựng bổ sung cho nhau ở nhiều góc độ, nhiều phương diện: số phận, tính cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, cảnh ngộ, tâm trạng... Trong Cỏ lau, có thể hình dung thế giới nhân vật giống như một nhóm tượng đài về số phận con người: Lực, Thai, Quảng, Phi Phi ... tất cả đều là những nạn nhân của chiến tranh với cuộc đời éo le, ngang trái.Chiến tranh thật ác độc với Lực. Cưới vợ được mấy ngày, anh lên đường đến chiến trường; sau chiến tranh trở về, anh phải chịu mất mát quá to lớn, đó là những bi kịch không thể giải toả. Cuộc chiến đã lấy mất của anh hơn hai mươi năm tuổi trẻ giống " như một nhát dao phạt ngang cuộc đời thành hai nửa " vừa không thể gắn lại như cũ, vừa không thể cắt lìa hẳn, do vậy mà vết thương đến cuối đời anh vẫn thấy chảy máu đau đớn. Em trai hy sinh, người cha già sống gửi trong ngôi nhà xa lạ, người vợ dịu dàng chung thuỷ đã có một cuộc sống riêng - đó là những gì chiến tranh đã để lại sau khi đã đi qua. Giờ đây, tưong lai chờ dợi anh phía trước là tuổi già cô đơn với những hoài niệm, day dứt. Hình ảnh hai người già cô độc sống giữa những người đàn bà bằng đá câm lặng cuối truyện có nét gì đó thật buồn thảm khiến người đọc xúc động và đau đớn.

Thai vợ Lực lại mang một bi kịch khác của số phận. Người phụ nữ chỉ có thể yêu được một lần trong đời, nên sau khi tự tay mang xác và chôn người mà chị tưởng là chồng mình, đến ngày hoà bình, chị phải sống trong sự phân thân đau đớn khi lập gia đình với người khác.Cái bóng bên ngoài vẫn phải làm lụng vất vả và lo toan, sinh con đẻ cái... nhưng trọn vẹn linh hồn bên trong vẫn sống với người chồng cũ trong từng phút, từng giây, ròng rã hơn hai mươi bốn năm trời. Đến khi chồng về, dù tình cảm vẫn còn rất sâu nặng, nhưng chị không thể rời bỏ được gia đình hiện tại. Chiến tranh đã ghép lẫn

66

lộn những nửa đời khác nhau lại với nhau để tạo nên những bi kịch nặng nề, đau đớn.

Bổ sung cho những nhân vật có số phận bi kịch như Thai là những số phận không kém phần bi kịch, dù biết thực tế nỗi đau của chiến tranh là không thể đong đếm nặng nhẹ cho riêng ai. Đó là cuộc đời của ông Quảng, Phi Phi... Với ông Quảng, chiến tranh đã cướp đi sự chung thuỷ của người vợ thứ nhất, đem đến cho ông người vợ thứ hai thuỷ chung son sắt nhưng không bao giờ ông được bà dành cho ông tình cảm đó, khiến ông vừa yêu thương kính trọng, vừa hờn giận khổ sở vì ghen tuông, và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ một sự tan vỡ, lúc nào cũng mặc cảm vì vị thế của mình. Còn Phi Phi, cũng là kiểu nhân vật chỉ yêu một lần trong đời, đã trả thù đời bằng những phá phách điên khùng sau khi đã bị chiến tranh cướp mất người yêu, bị hất ra lề đường lẫn trong đám con gái " ăn sương " phe phẩy hư hỏng. Hình ảnh của cô - một người con gái hai mươi tuổi trong những ngày đi tìm hài cốt người yêu vừa ngang bướng xấc xược vừa đau khổ - đã gieo vào trái tim người đọc nỗi xót xa và cả niềm căn giận sự tàn bạo của chiến tranh.

Một loạt các nhân vật như Thai, Lực, ông Quảng, Phi Phi ... được Nguyễn Minh Châu xây dựng trong mối quan hệ bổ sung, đã làm nên một tượng đài mở rộng phạm vi của đề tài tác phẩm. Đó là số phận con người sau chiến tranh, những số phận bi kịch và mất mát, đau đớn được khéo léo đặt trong không gian gắn liền với nhiều biểu tượng giàu ý nghĩa ( cỏ lau, người đá ) tạo sức mạnh ám ảnh, dư ba.

Không giống trong Cỏ lau, mối quan hệ bổ sung giữa các nhân vật

trong Mùa trái cóc ở miền Nam diễn ra trên phương diện đạo đức cách mạng. Toàn, nhân vật chính của câu chuyện, trong chiến tranh là kẻ hèn nhát, sợ chết, khi chiến tranh kết thúc, trở thành cán bộ chỉ huy, đã biến doanh trại thành nhà tù, đối xử với mẹ không còn tình người, xu nịnh cấp trên, nạt cấp dưới, thực sự là một cỗ máy khát thèm quyền lực, vô cảm lạnh lùng và tàn nhẫn. Bổ sung cho nhân vật Toàn là Đĩnh - kẻ bợ đỡ để kiếm chức quyền,

67

kiếm miếng ăn, là nhân vật Thái - vị cán bộ cấp trên, từng là người có tư tưởng tự do, sau khi đi cải tạo tư tưởng ở trại Z8 về bị nhào nặn thành một con người máy móc, thấy " cuộc sống bao giờ cũng suôn sẻ, thuận lợi và tốt đẹp, cuộc sống bao giờ cũng tốt quá, tốt quá, cách mạng bao giờ cũng như một cỗ máy tuyệt đối chuẩn xác, hoàn hảo, chẳng có chi tiết nào cần phải điều chỉnh, sữa chữa dù chỉ là một chi tiết nhỏ "

Toàn, Thái là hai nhân vật bổ sung, soi chiếu cho nhau, làm rõ bức chân dung của một kiểu mẫu con người cơ hội, kiểu người " cỗ máy " duy ý chí. Đó là những con người không phải không có trong hàng ngũ cán bộ cách mạng cả trong thời chiến lẫn thời bình. Khi xây dựng các nhân vật trong mối quan hệ bổ sung Nguyễn Minh Châu đã chú ý khắc họa quá trình vận động của tính cách, ông đã làm thành một cuộc đối chứng lại những quan điểm về con người tĩnh tại, quan niệm hoàn cảnh sinh ra tính cách, quan niệm con người có thể làm chủ hoàn cảnh, từ đó khẳng định quan niệm con người đa chiều và luôn vận động. Đây là một trong những đổi mới có tính chất mở đường của Nguyễn Minh Châu trong văn học đương đại.

Có thể thấy, tổ chức hình tượng nhân vật trong mối quan hệ bổ sung là kết cấu hình tượng khá phổ biến trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, trong sự vận động của quá trình sáng tác sau năm 1975 lối kết cấu hình tượng đã có nhiều đổi mới, thể hiện nét đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực con người cũng như phương thức thể hiện của nhà văn. Đó là sự mở rộng hiện thực phản ánh, mở rộng phạm vi đề tài, khắc hoạ hình ảnh con người ở nhiều chiều, đặc biệt đi sâu khám phá thế giới bên trong của con người, thông qua những cảnh ngộ, những số phận khác nhau, với những góc khuất, những tầng sâu trong tâm hồn con người, để từ đó khái quát nên những quy luật của cuộc sống.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 nhìn từ góc độ thi pháp (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)