0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (148 trang)

Hệ thống nhân vật xây dựng trong mối quan hệ với biểu tượng

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU 1975 NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THI PHÁP (Trang 86 -94 )

Trong hành trình văn học của mình, Nguyễn Minh Châu đã không ngừng tìm kiếm và thử nghiệm những cách thể hiện mới để tự mở rộng bản sắc của chính mình. Hình ảnh biểu tượng là một phương tiện cách tân nghệ

82

thuật độc đáo trong sáng tác của ông, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn sau năm 1975.

Nguyễn Tri Nguyên đã từng nói: Sử dụng ẩn dụ, biểu tượng là " thủ pháp nghệ thuật... ổn định trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, trước và sau 1975 "[ 38 ]. Đặc biệt với những truyện ngắn viết sau 1975, hình ảnh biểu tượng xuất hiện với tần số rất cao, tham gia vào nhiều yếu tố cấu trúc truyện ngắn như hình tượng nhân vật, chất triết lí, chất trữ tình, phong cách nghệ thuật... Trong đó, việc tổ chức hình tượng nhân vật trong quan hệ với những biểu tượng đã trở thành phổ biến trong một loạt truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu: Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cơn giông, Bến quê, Khách ở quê ra, Sống mãi với cây xanh, Cỏ lau, Phiên chợ Giát... Cùng với cách xây dựng hình tượng nhân vật trong các mối quan

hệ đối chiếu tương phản, quan hệ bổ sung, quan hệ với những nghịch lí... cách xây dựng hình tượng nhân vật gắn với những biểu tượng cũng đem đến những dấu ấn đặc biệt cho thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu.

Những yếu tố: ngoại hình, nội tâm, tư tưởng, số phận, tính cách ... đã làm nên bức chân dung hoàn thiện về nhân vật, còn biểu tượng tạo nên điểm sáng trong bức chân dung, tạo điểm nhấn mang sức nặng ám ảnh cho nhân vật, dù đôi khi biểu tượng không tham gia vào cốt truyện hoặc hành động của nhân vật. Chính vì thế, trong mối quan hệ nhân vật - biểu tượng, không phải lúc nào biểu tượng cũng là cái không thể thiếu, song nó thực sự là một hiện tượng thẩm mĩ đa nghĩa góp phần thể hiện thế giới nhân vật một cách sâu sắc hơn.

Trong các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975, nhà văn thường tổ chức mối quan hệ nhân vật - biểu tượng trong những mói tương quan khác nhau với thời gian, không gian để giúp người đọc thấy rõ những ý nghĩa sâu xa khác nhau của mối quan hệ trong từng truyện ngắn cụ thể. Gắn với nhân vật, hình ảnh biểu tượng thường trở đi, trở lại trong tác phẩm, khi thì

83

như tấm gương phản chiếu số phận nhân vật, khi thì thể hiện sự phân thân trong tâm lí, tính cách của nhân vật, lúc lại là bức tranh nội tâm và góc khuất tâm linh nhân vật...Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 ta thường thấy hệ thống nhân vật xây dựng trong quan hệ với những biểu tượng được tổ chức theo hai dạng chính.

2.3.4.1. Số phận nhân vật phản chiếu qua biểu tượng

Đối với những nhân vật này, biểu tượng luôn gắn liền với những bước thăng trầm trong suốt cuộc đời nhân vật, nó như tấm gương phản chiếu số phận nhân vật. Cuộc đời Quì ( Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành ) luôn diễn ra những cơn mộng du - biểu tượng của một bi kịch tâm hồn luôn muốn vươn tới chân trời của những giá trị tuyệt đối hoàn mĩ. Trong Cỏ lau, số phận của những nhân vật Lực, Thai, Quảng, Phi Phi ... lại được phản chiếu qua biểu tượng vọng phu đầy ám ảnh. Họ đều là những nạn nhân của chiến tranh với những mảng đời éo le, ngang trái. Chiến tranh như " nhát dao phạt ngang

" xé lìa cuộc đời họ thành hai nửa không thể gắn liền lại như cũ, rồi lại ghép lẫn lộn những nửa đời khác biệt với nhau tạo nên những bi kịch nặng nề đau đớn cho họ: xa cách, li tán, mất mát khổ đau, éo le ngang trái, lỡ làng dang dở, cô đơn bất hạnh... Những hòn vọng phu nhan nhản đứng câm lặng giữa một vùng núi ngút ngàn cỏ lau mang cái tên " Đợi " đầy ý nghĩa đã làm nên một nhóm tượng đài về những số phận đầy bi kịch ấy. Tổ chức quan hệ nhân vật - biểu tượng trong một không gian rộng, có ý nghĩa vĩnh cửu, với một thời gian vận động từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai, nhà văn đã tạo ra sự ám ảnh không dứt trong tâm trí người đọc về những số phận con người sau chiến tranh.

Nhân vật tiêu biểu nhất cho cách tổ chức này là nhân vật lão Khúng trong Phiên chợ Giát. Con bò khoang là hình ảnh biểu tượng có quan hệ mật thiết với lão Khúng - nhân vật trung tâm của truyện, đây là hình tượng không thể thiếu để làm nên hình tượng nhân vật nửa người - nửa bò đặc sắc trong tác

84

phẩm. Kiểu nhân vật dị biệt này cũng thể hiện bước chuyển đổi quan niệm về thế giới nhân vật trong văn chương của Nguyễn Minh Châu.

Nhân vật lão Khúng được xây dựng trong sự song hành với hình tượng con bò trong suốt tác phẩm. Mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân vật và biểu tượng được tổ chức làm nổi bật lên chân dung về một kiếp người - bò với tất cả hành trình sống từ mưu sinh đến cái chết, với thân phận nhọc nhằn, bất hạnh và cả những dự cảm về tình thế của mình trong thế giới.

Trước tiên, quan hệ lão Khúng - con bò được đặt trong mối tương quan với sự vận động của không gian rộng, tối, sâu, vắng; với sự vận động của thời gian là hành trình đi trong đêm. Trong sự vây bọc mịt mùng này, lão Khúng và con vật vẫn nhận ra nhau, vẫn tìm đúng đường đi dù phải " thập thõm, mò mẫm đi giữa mặt đất bao la và tăm tối ". Điều này cho thấy mối liên hệ giữa người và vật là mối liên hệ bản năng. Đó cũng có thể coi là cái thâm căn cố đế của những thói quen, là sự bền chặt của thân phận người - bò trong cuộc đời của con người. Chính trong mối tương quan với sự vận động của không gian - thời gian hành trình sống của con bò được hiểu là hành trình sống của lão Khúng: hành trình "từ quê ra " - hành trình mưu sinh; hành trình đến phiên chợ Giát - hành trình đến cái chết, nó như một quy luật của tự nhiên. Trong hành trình sống của lão Khúng, hình tượng con bò luôn song hành với những sự kiện bất hạnh liên tiếp xảy ra với lão: con trai hi sinh, cả cuộc đời đi sau con bò vạch những luống cày trong bóng tối ngỡ an bình mà nơm nớp lo âu ( mất bò, mất cắp, kèn cựa nhau...), con bò cả đời nhẫn nại rồi cũng đi đến cái chết... Vì thế, có thể nói, biểu tượng con bò mang ý nghĩa định mệnh, nó là sự hiện hình khái quát nhất của những bất hạnh đời người, chính nó bổ sung thêm một nét vào thân phận người - bò của nhân vật.

Mối quan hệ chặt chẽ, song hành của lão Khúng và con bò còn được tổ chức thông qua sự sắp đặt hai giấc mơ. Ở giấc mơ thứ nhất, con bò - lão Khúng là quan hệ nạn nhân - tội nhân, ở giấc mơ thứ hai là quan hệ tội nhân - nạn nhân. Sự đảo lộn quan hệ của hai giắc mơ này cho thấy dự cảm của con

85

người về tình thế của mình trong thế giới: con người có khi là tội nhân đồng thời là nạn nhân của chính mình.

Được tổ chức trong mối quan hệ chặt chẽ với biểu tượng bò khoang, nhân vật lão Khúng đã trở thành một hình tượng nhân vật dị biệt, thể hiện bước chuyển đổi từ thế giới nhân vật toàn bích đến thế giới nhân vật méo mó, sứt mẻ trong quan niệm về thế giới nhân vật của văn học hiện đại mà Nguyễn Minh Châu đã tiếưp nhận và sáng tạo. Kiểu nhân vật này ta đã từng bắt gặp trong các truyện ngắn của Kafka, Nguyễn Huy Thiệp ... trong những nét bút tinh tuý đã thấy trước cái bất ổn trong sự tồn tại của thế giưới hiện đại.

2.3.4.2. Nội tâm và góc khuất tâm linh nhân vật biểu đạt qua biểu tượng

Thế giới nội tâm, tâm linh của con người luôn là một vũ trụ bí ẩn, phức tạp, nó là đề tài luôn được các nhà văn khơi gợi và khám phá. Trong cuộc sống, con người không chỉ chịu sự chỉ huy, chi phối của lí trí, tình cảm mà còn có những giây phút bất chợt, những khoảnh khắc chịu tác động của trực giác, linh cảm , tâm linh. Quan tâm tới vấn đề này, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng yếu tố tâm linh như một biện pháp nghệ thuật để hiểu sâu hơn tâm lí con người, và chính biểu tượng sẽ là một trong những phương tiện để nhà văn biểu đạt góc khuất tâm linh vô hình, khó nắm bắt một cách rạch ròi và rõ nét của nhân vật.

Trong việc xây dựng những nhân vật với thế giới nội tâm và góc khuất tâm linh, có khi biểu tượng không tham gia vào cốt truyện hoặc hành động của nhân vật mà được tổ chức như một hình tượng tô điểm thêm cho thế giới tâm linh con người mang màu sắc lãng mạn, kì ảo, góp phần làm cho tác phẩm có không khí như huyền thoại. Cách xây dựng này ta đã từng gặp trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 với Mảnh trăng. Sau năm

1975 cách xây dựng nhân vật theo kiểu này được đổi mới và sáng tạo, biểu tượng lại trở thành hình tượng thể hiện sự tự nhận thức nhiều khi đến bất ngờ trong tâm linh nhân vật. Với nhân vật Quì ( Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), góc khuất tâm linh được biểu đạt thông qua biểu tượng những cơn

86

mộng du và ảo giác. Kể từ sau khi người trung đoàn trưởng hi sinh, dường như Quì luôn hành động theo sự mách bảo của tâm linh, của nụ cười bí ẩn. Chị trở thành người đàn bà mộng du đưa kí ức lang thang trên những chuyến tàu tốc hành, sống trong một tâm trạng tưởng tượng gây ra do ảo giác. Chị trò chuyện với vong linh những người đã yêu chị. Rồi một lần khác, trong khoảnh khắc đặc biệt của tâm trạng, chị chợt nghĩ ra, chợt tự nhiên khám phá thấy những điều vô cùng giản dị về giá trị con người và sức mạnh của nghệ thuật khi ngắm bức tượng gỗ ngàn mắt, ngàn tay trên toà sen. Nhận thức cùng với ảo giác mồ hôi và nụ cười bí ẩn trên bức tượng gỗ trong những giây phút ấy làm thành khoảnh khắc " bừng ngộ " trong chị mà lí tính không hề lí giải được.Cũng vì những khoảnh khắc bừng ngộ ấy mà Quì thường lang thang trong mộng ảo để săn tìm hư vô, chính những giá trị tuyệt đối, hoàn mĩ đã khiến cuộc đời chị mộng và thực xen lẫn khó tách rời. Mộng như những chuyến tàu mà ga đỗ của nó là sự thực, là nhận thức để rồi nó không dừng lại, nó di tiếp những chặng đường đời bằng sinh khí của mộng tưởng chở Quì suốt dọc hành trình.

Khám phá thế giới nội tâm, tâm linh để nắm bắt con người đích thực ở trong con người, Nguyễn Minh Châu còn sử dụng biểu tượng để thể hiện sự phân thân tâm lí, tính cách của nhân vật. Nhân vật hoạ sĩ ( Bức tranh ) là một minh chứng cụ thể. Nhà văn đã khắc hoạ sự phân thân tâm lí phức tạp của nhân vật này thông qua một cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng, gay gắt, quyết liệt. Trong quá trình diễn ra cuộc đấu tranh, sự phân thân tâm lí của người hoạ sĩ luôn gắn liền với một hình ảnh biểu tượng: tấm gương soi của anh thợ cắt tóc. Một vật dụng nghề nghiệp bình thường của người thợ, nhưng với người hoạ sĩ, đó là phương tiện để ông ta tự soi ngắm bộ mặt thật của chính mình, tự lột cái mặt nạ để lộ ra khuôn mắt xấu xí và lạ lùng của mình. Khuôn mặt ấy chính là " khuôn mắt bên trong " của người hoạ sĩ, được tái hiện trong bức chân dung tự hoạ đánh dấu kết quả của cuộc đấu tranh nội tâm khốc liệt. Biểu tượng bức chân dung là một phiên bản để tác giả chiêm nghiệm, khám phá,

87

phát hiện ra tính hai mặt trong một con người. Được đặt ở phần đầu - cuối tác phẩm theo lối kết cấu đầu cuối tương ứng, biểu tượng này càng có giá trị khẳng định và làm tăng sức nặng tư tưởng cho vấn đề mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm.

Bên cạnh những nhân vật nói trên, người đọc còn đọc trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu những nhân vật có thế giới nội tâm được biểu đạt bằng biểu tượng như Huệ ( Khách ở quê ra ) với biểu tượng tiếng xe cút kít

luôn làm rung lên trường liên tưởng của cô về dĩ vãng...

Có thể thấy, tổ chức những nhân vật với thế giới nội tâm, tâm linh phong phú, dùng hình ảnh biểu tượng để góp phần thể hiện thế giới tâm linh ấy, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào tâm lí nhân vật, mở ra những khả năng mới trong cuộc chiếm lĩnh hiện thực đời sống, huy động tối đa năng lực của một cây bút trữ tình mẫn cảm. Đây cũng là cách tổ chức nhân vật sáng tạo, là dấu hiệu của sự hoàn thiện trong tư tưởng, nghệ thuật của ông.

Bằng việc tiến hành khảo sát toàn bộ nghệ thuật tổ chức xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 trong các mối quan hệ cụ thể của nhân vật chúng ta đã có được cách nhìn riêng và tương đối cụ thể về một trong những đặc điểm nổi bật đặc sắc của Nguyễn Minh Châu. Thực ra, sự phân chia cách xây dựng kết cấu hình tượng như vậy chỉ mang tính chất tương đối, giúp cho việc xem xét nghệ thuật kết cấu trong truyện ngắn của ông được rõ ràng, hệ thống hơn. Trong nhiều tác phẩm, nhà văn đã tổ chức hình tượng nhân vật trong sự kết hợp các mối quan hệ đối chiếu tương phản, quan hệ bổ sung, quan hệ với nghịch lí, quan hệ với biểu tượng... đặt trong các bình diện gắn liền với cuộc sống, số phận, tính cách nhân vật như xã hội, gia đình, bản thân, môi trường thiên nhiên... Từ đó tạo ra một thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, có sức sống lâu bền với thời gian và công chúng. Thế giới nhân vật ấy chính là sự khẳng định thành công trong nghệ thuật kết cấu hình tượng của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm

88

1975, và góp phần vào việc khẳng định tài năng cũng như tư tuởng nghệ thuật đặc sắc của tác giả.

89

Chương III

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU SAU 1975 NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THI PHÁP (Trang 86 -94 )

×