Tổ chức theo trình tự thời gian

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 nhìn từ góc độ thi pháp (Trang 108 - 112)

3.2.1.1.Thời gian theo trật tự tuyến tính

Tổ chức thời gian theo trật tự tuyến tính là cách tổ chức thời gian truyền thống trong văn học. Thời gian được trần thuật trong tác phẩm đi theo trật tự của thời gian khách quan. Điểm nhìn thường đặt vào người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Thời gian sự kiện và thời gian trần thuật thống nhất, không có độ chênh lệch lớn.

Cách tổ chức này đã được Nguyễn Minh Châu sử dụng trong các sáng tác

trước năm 1975 như : Cửa sông, Dấu chân người lính, một số truyện trong tập : Những vùng trời khác nhau ( Nhành mai; Lá thư vui; Chuyện đại đội,

104

Sau 1975 cách tổ chức thời gian này vẫn được Nguyễn Minh Châu sử dụng trong các truyện ngắn: Bến quê, Người đàn bà tốt bụng, Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Một lần đối chứng, song có những sắc thái mới mẻ

hơn.

Thời gian vần được miêu tả theo trật tự của thời gian khách quan, trần thuật từ điểm nhìn của của người kể chuyện ở ngôi thứ ba (Bến quê, Người

đàn bà tốt bụng ) hoặc ngôi thứ nhất (Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Một lần đối chứng) với nhân vật " tôi " đóng vai trò người dẫn chuyện, song thời

gian lịch sử - hiện tại được dùng để " chứa đựng " diễn biến sự việc, sự việc đời thường dung dị gắn với số phận, cuộc sống con người một cách cụ thể hơn; do vậy nó có những điểm " nhấn " thời gian đậm nét hơn, và ở những nét ấy thường in đậm dấu ấn tâm lí chủ quan của người kể chuyện hơn. Chính vì điều đó quan niệm về hiện thực, con người của tác giả cũng được thể hiện rõ hơn. Tiêu biểu cho cách thức tổ chức thời gian này là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Trong mạch thời gian tuyến tính của sự việc người phóng

viên nhiếp ảnh ( nhân vật " tôi ") đi chụp ảnh làm lịch ở một vùng biển cách Hà Nội 600km, nhà văn đã chọn thời điểm làm điểm nhấn thời gian đầy ý nghĩa: một buổi sáng. Đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới, đồng thời cũng là thời điểm kết thúc một ngày làm việc của những ngư dân trên biển. Trong khoảnh khắc rất đẹp của không gian buổi sáng (sao lặn, mây hồng dần lên, biển như một con sứa khổng lồ), người phóng viên đã bắt gặp một vẻ đẹp toàn bích "như trong một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ " in vào trong không gian của một con thuyền đang bơi vào bờ. Nó đẹp và hoàn mĩ đến mức khiến anh bối rối, tưởng như vừa khám phá thấy "cái chân lí của sự hoàn thiện ", " cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn ". Nhưng cũng chính trong buổi sáng ấy, sau khoảnh khắc gặp được cảm hứng nghệ thuật hiếm hoi trời cho ấy, anh lại được chứng kiến một khung cảnh hoàn toàn đối lập với cái đẹp, cái hoàn mỹ: một người chồng đánh đập, hành hạ vợ như một hung thần, còn người vợ hoàn toàn im lặng chịu đựng một cách nhẫn nhục. Cảnh nghịch

105

lí ấy lặp đi lặp lại trong sự lặp lại của thời điểm không gian: buổi sáng, sau ba ngày, năm ngày. Sự lặp lại không dứt của thời điểm và sự việc ấy xâu thành một chuỗi khổ nhục, vẽ nên số phận đau khổ của người đàn bà thuyền chài, đè lên suốt cuộc đời chị như một cái ách không thể gỡ bỏ, chỉ vì những lí do hết sức đơn giản, thực tế: sự tồn tại trong mưu sinh khó nhọc của một gia đình. Còn với người phóng viên, thời điểm thời gian buổi sáng ấy trở thành mốc quan trọng đánh dấu một quá trình nhận thức con người và nhìn nhận về cuộc đời. Đó là quá trình đi từ ngộ nhận ( về sự nhẫn nhục khó hiểu của người đàn bà, về vai trò " người bảo vệ " sẵn sàng can thiệp vào số phận người khác của mình, của vị quan toà là người bạn cũ) đến tỉnh ngộ (nhận ra nghịch lí mà con người phải đầu hàng qua lời giải thích giản dị mà đầy từng trải của người đàn bà thuyền chài), cuối cùng là chiêm nghiệm về cách nhìn cuộc đời nhiều phía, khám phá con người, cuộc đời ở tầng sâu, ở nhiều mặt mới thấy rõ số phận, bản chất con người cũng như cuộc đời. Đúng là một khoảnh khắc mà giá trị hơn cả đời người. Chính vì thế cùng với quan niệm về cách nhìn nhận, đánh giá con người, cuộc đời, người đọc có thể thấy rõ quan niệm về thời gian - coi trọng khoảnh khắc nhiều hơn cả quá trình - của Nguyễn Minh Châu. Đây cũng chính là một đặc điểm mới của truyện ngắn Việt Nam hiện đại sau năm 1975.

3.2.1.2. Đảo trật tự thời gian

Song song với cách trần thuật thời gian theo kiểu truyền thống trong văn học, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đã tìm đến cách tổ chức thời gian mới như một sự khắc phục hạn chế của cách thức tổ chức thời gian theo kiểu truyền thống. Nhà văn đã chú ý miêu tả thời gian lịch sử thông qua nhận thức, tâm lí...của nhân vật, không mô tả thời gian lịch sử bên ngoài nhiều mà đưa thời gian lịch sử vào nội tâm nhân vật. Các sự kiện được miêu tả theo dòng hồi ức của nhân vật, vì thế thời gian được tổ chức theo cách đảo trật tự thông thường, không theo trình tự từ trước đến sau. Cách thức này được sử dụng trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu: Bức tranh,

106

Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Dấu vết nghề nghiệp, Khách ở quê ra, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Phiên chợ Giát …

Thời gian trong truyện được Nguyễn Minh Châu mở đầu bằng hiện tại. Các nhân vật hoặc xuất hiện được nói đến cùng các sự kiện, sự việc, câu chuyện bắt nguồn từ thời điểm hiện tại. Nhân vật lão Khúng từ quê ra chơi nhà Định (Khách ở quê ra), lão Khúng dậy chuẩn bị việc đi bán bò (Phiên

chợ Giát), Lực trở về tình cờ đến chụp ảnh ở hiệu ảnh của chồng Thai (Cỏ lau)...thời gian đều được miêu tả từ hiện tại. Nhưng những hiện tại này lại

như những tác nhân gọi quá khứ quay về trong kí ức các nhân vật. Nối tiếp hiện tại, những quá khứ trong các truyện được sắp xếp dưới hai dạng: hoặc được kể lại liên tục theo lời kể của nhân vật ở ngôi thứ nhất hay của người kể chuyện ở ngôi thứ ba cho đến khi trở về hiện tại, kết thúc truyện. ( Mảnh trăng, Dấu vết nghề nghiệp, Mùa trái cóc ở miền Nam ), hoặc đan xen nhiều

lần với những khoảng thời gian hiện tại tạo ra những lớp thời gian xen kẽ trùng điệp với hiện tại - quá khứ ( Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu

tốc hành, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát ). Trong những đảo lộn trật tự thời

gian đó, nhà văn đã để cho nhân vật tự bọc lộ tất cả ý nghĩ, hành động, cảm xúc tâm trạng, diễn biến tâm lí... của mình. Có nhân vật kể chuyện quá khứ để tự nhận thức thức lại những việc mình đã làm trong quá khứ mà lúc đó họ cho là đúng đắn (Quì trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành ), có nhân vật lại nhớ lại những gì đã qua để nhìn nhận bản chất con người của mình hay người khách hay tự thú, sám hối, vì lỗi lầm sai sót của mình trong quá khứ ( người hoạ sĩ trong Bức tranh , người thủ thành già trong Dấu vết nghề nghiệp, Lực trong Cỏ lau), với lão Khúng ( Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát

), sư bà Thiện Linh ( Mùa trái cóc ở miền Nam ), hồi tưởng quá khứ lại là tái hiện toàn bộ chiều dài của cuộc đời... Xen lẫn với quá khứ đó là hiện tại, có khi nó làm nhiệm vụ cân bằng lại nhịp độ cho hồi ức (Cơn giông, Người đàn

bà trên chuyến tàu tốc hành), có khi tiếp tục khơi gọi quá khứ (Cỏ lau) và

107

Có thể thấy cách đảo trật tự thời gian trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không phải là mới. Ta đã từng bắt gặp trong các sáng tác trước kia của Nam Cao, Tô Hoài...với thời gian hiện tại là thời gian chính của của câu chuyện, là thời gian đựoc chú ý miêu tả để làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật trong hiện tại. Xong trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975, sự kiện, sự việc trong thời gian hiện tại chỉ là cái cớ để dẫn người đọc trở về với quá khứ của nhân vật. Quá khứ đó mới là thời gian chính mà tác giả muốn xây dựng để khám phá, bộc lộ thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật. Vì thế, với cách đảo trật tự, chiều vận động của thời gian trong truyện không phù hợp với quy luật khách quan, nhưng lại góp phần thể hiện con người tâm linh, thể hiện thế giới nội tâm phong phú của con người và mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Đây chính là hiệu quả nghệ thuật mới của cách tổ chức thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 nói riêng và truyện ngắn Việt Nam hiện đại nói chung.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau 1975 nhìn từ góc độ thi pháp (Trang 108 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)