Nằm ở phía nam huyện Yên Thành, các phong tục tập quán của làng Tràng Sơn cũng chịu ảnh hưởng của các làng trong vùng. Nhìn chung phần lễ đối với người chết, nhất là những người cao tuổi là rất trọng thể, thường dựa theo sách Thọ mai gia lễ.
Thiết hồn bạch: Khi trong nhà có ông bà, cha mẹ sắp mất tức đến giờ
phút hấp hối, con cháu phải tập trung tại nhà và phải chuyển người đó đến chỗ chính tầm tức là nơi sau này sẽ đặt bàn thờ. Một điều quan trọng là phải hỏi han người sắp mất có căn dặn điều gì không, hay là có trăn trối điều gì không, tức là phải ghi lại di chúc của người quá cố. Ngày xưa con cháu còn phải hỏi xem người sắp qua đời có tự đặt tên thụy tức là tên cúng cơm cho mình không. Nếu người đó mê man không nói thì con cháu đặt và báo lại cho người sắp qua đời khi gặp lúc hồi sinh. Ngoài ra đối với một số người có thể hình to vai rộng, người ta thường lấy hai chiếc bát sứ kê ở hai khuỷu vai để khi tắt hơi hai cánh tay khép vào, làm thế để khi lượm mới dễ bỏ lọt vào quan tài.
Phong tục một số địa phương xưa, trong đó có Tràng Sơn còn làm hình tượng con người bằng vải, lụa để lên người. Để thử xem người nhà đã chết hẳn chưa thường ta để một ít sợi bông ngang trước mũi và theo dõi sự chuyển
động của các sợi bông ấy và kiểm tra mạch, nghe tim đập. Khi thấy tắt hơi thật thì động tác đầu tiên là dùng một chiếc đũa tre đặt qua miệng vào giữa hai hàm răng để sau này làm lễ phân hàm (có nơi gọi là ngậm hàm). Tiếp đến là vuốt mặt để cho mắt người chết nhắm lại rồi lấy vải hay lụa đã chuẩn bị để “thắt hồn” người chết. Làm xong lại để lên người, lúc nhập quan đưa ra để trên bàn. Người ta cũng thường lấy một tờ giấy bản hoặc mảnh vải trắng đắp lên che mặt người chết.
Từ khi người bệnh tắt thở thì trên đầu giường phải thắp đèn (nến) cùng bình hương và con cháu phải thường xuyên túc trực suốt cả ngày đêm khi chưa làm lễ nhập quan nhằm đề phòng chó mèo nhảy qua làm người chết bật dậy, ngã xuống (dân gian truyền lại như thế).
Tắm cho người chết. Sau khi người bệnh tắt thở phải được tắm rửa
sạch sẽ, thay quần áo mới. Có nhiều lúc công việc tắm và thay quần áo được tiến hành trước khi chết, tức là trong thời gian hấp hối. Khi thấy người bệnh có những biểu hiện khó qua được, người nhà phải chuẩn bị nồi nước lá có dầu thơm để lau rửa, tắm cho người sắp chết. Khi lau để người bệnh nằm ngửa, dùng khăn sạch luồn vào lau nước thơm khắp người. Việc này mang ý nghĩa là giúp người quá cố được sạch sẽ, rũ hết bụi trần trước khi về cõi âm.
Đối với đàn ông thì con trai tắm, với đàn bà thì con gái tắm. Sau khi tắm dùng khăn sạch (khăn mới mua chưa dùng, hoặc cắt từ tấm vải nguyên) lau khô. Công việc tiếp theo là lấy lược chải tóc, lấy khăn buộc tóc lại, lấy dao cắt móng tay, móng chân, thay quần áo mới (đã may sẵn từ trước) cho chỉnh tề.
Thế gian còn dại chưa khôn
Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành.
Ngoài ra để khi cải táng lấy được hết xương nhỏ, cần phải dùng bít tất hoặc vuông vải trắng bọc kỹ bàn chân, bàn tay.
Lễ phần hàm (hay ngậm hàm). Lấy một nhúm gạo nếp với ba đồng
tiền bỏ vào miệng. Nhà giàu có thể lấy vàng ngọc. Tang chủ quỳ xuống khép mồm lại rồi con cháu mới khóc vài tiếng.
Trước đây ở nhiều nơi, trong đó có Tràng Sơn, làm lễ phần hàm xong thì trải một chiếc chiếu dưới đất, đem người chết xuống nằm ở đó, để ít phút rồi mới đưa lên giường với ý nghĩa là người ta sinh ra từ đất và khi chết lại trở về đất.
Nhập quan. Ngày xưa quan tài hay áo quan được đóng sẵn từ trước và
thường dùng gỗ tốt như giổi, vàng tâm, dâu. Trước khi khâm lượm, quan tài được đưa ra xử lý các kẽ hở. Việc xử lý các kẽ hở phải làm chu đáo bởi nếu làm không tốt mùi hôi ở thi thể thoát ra và có thể cả nước trong quan tài chảy ra ngoài gây ô nhiễm moi trường.
Người chết được đặt trên giường đầu quay hướng nam để lấy sinh khí. Khâm lượm tức là thi hài được bọc lại trong áo quan là một tấm vải được may kết lại dài khoảng 2,5 –2,8 mét, rộng khoảng 1,6 –2,0 mét, (có nơi may hình chữ thập ở giữa rộng) rồi khiêng vào đặt trong quan tài (với nhà giàu thì áo quan dùng vóc nhiễu, tơ lụa). Cũng có thể trải áo quan trước vào trong quan tài rồi mới đưa thi hài vào để lượm.
Quan tài được đặt ngay chính giữa nhà, khi lượm đầu quan tài hướng về phía trong, trước khi đưa tang mới có động tác trở quan. Tiếp đến người khâm lượm bỏ vào quan tài một số đồ dùng cho người mất nhưng phải là đồ mới như gương lược, khăn, cối giã trầu (người chết thường dùng)…. Đầu được kê lên một chiếc gối và hai bên có hai chiếc bát sứ ghép lại cho chắc chắn .
Trước khi đóng nắp quan tài, người khâm lượm phải dùng một dụng cụ có đầu nhọn, thường là chiếc đòn xóc múa may chỉ lên trời xua đuổi tà ma và hu hồn xướng to tên người chết ba lần, gọi hồn người chết về nhập xác: Hu
Quan tài khi đã đóng kín được phủ lên một tấm vải, sau này thường dùng vải đỏ, trên đặt một bát cơm úp (hai bát cơm úp lại với nhau) một đôi đũa, một quả trứng đã luộc chín. Quan niệm của người xưa người chết về thế giới bên kia vẫn cần có thức ăn. Đây là “suất ăn đi đường” khi về với tổ tiên. Về hai bát cơm úp thì người xưa quan niệm rằng: một bát cơm là dương nhưng hai bát úp lại thì trở thành âm và quả trứng tròn là dương. Việc cúng bát cơm, quả trứng bắt nguồn từ thuyết âm dương, có âm dương mới sinh ra muôn loài. Trên quan tài người chết còn phải có một bình hương, bảy ngọn nến (thất tinh - về sau chỉ thắp một cây) và phải thắp nến, hương liên tục cho đến khi hạ huyệt. Người ta cũng quan niệm rằng còn ngọn lửa là sự sống còn được duy trì và hương nến còn để tránh sự lạnh lẽo.
Giờ nhập quan các thầy cúng cũng phải coi chu đáo. Nhập quan xong, con cháu chắt phải ngồi túc trực bên linh cữu. Từ xa xưa người ta đã phát hiện ra cây chuối có khả năng hút hơi lạnh phát ra từ người chết nên dưới quan tài thường để một số khúc cây chuối.
Lễ thiết linh tọa. Lập bàn thờ tang, đặt linh vị. Người xưa quan niệm
là khi người ta mới chết, linh hồn còn lang thang chưa ổn định, dễ bị ma quỷ dẫn đi lung tung. “Thiết linh toạ” là dùng sức ép buộc linh hồn “ngồi” lên bàn thờ. Trong bài cúng, thầy cúng phải thỉnh các vị chư thần, lục đinh lục giáp … đưa hồn về “an tọa” tại bàn thờ tang.
Trong khi quan tài còn ở trong nhà, con cháu và khách khứa đến viếng chỉ lạy hai lạy (hai vái) nghĩa là coi như người ấy còn sống. Mai táng xong, mới lạy ba lạy. Khi khách khứa đến viếng lạy cha mẹ mình thì con cái phải vừa khóc vừa lạy đáp nhưng chỉ đáp lễ một lần, khách lạy hai lạy thì mình lạy một.
Con cháu khi làm lễ trước linh sàng, hay khi đáp lễ khách phải quỳ dưới đất, không được quỳ lạy trên chiếu.
Lễ thành phục. Còn gọi là lễ phát tang, tiến hành sau khi con cháu đã
mặc đồ tang. Đồ tang phục xưa quy định áo quần mặc đối với con cháu trong lễ tang được may bằng vải trắng, vải xô xấu, không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo . Theo quan niệm người xưa khi có người thân mất không được ăn mắc đẹp, vải xô là loại vải xấu, rẻ tiền. Cũng theo quan niệm dân gian màu trắng là màu khởi thuỷ của các màu vì vậy nó được dùng vào việc hiếu để tỏ lòng tôn nghiêm, thanh kính. Khi mặc quần áo trắng rồi, con cháu lấy dây chuối hay dây vải để thắt lưng. Đàn bà ngoài áo sô trắng phải có huý trắng (lúp hình nón bằng vải xô) đội đầu. Nếu là con dâu thì trên đỉnh huý có một vòng tre nhỏ. Con trai thì đội mũ kết bằng sợi chuối hay mũ rơm và phải chống gậy, nếu cha chết thì dùng gậy tre, mẹ chết thì dùng gậy vông (cha gậy
tre, mẹ gậy vông). Chiều dài của gậy tính từ mặt đất đến tim người con. Việc
con trai chống gậy đối với người xưa là rất hệ trọng. Riêng con rể và cháu thì thì chít khăn trắng .
Như vậy nhìn qua đám tang người ta có thể nhận biết ai là con dâu, ai là con trai, đám tang cha hay mẹ. Sau khi chôn cất xong áo phải sổ gấu, may trái sống (đàn ông thì cả quần và áo đều sổ gấu, đàn bà thì chỉ sổ gấu áo) và lấy tấm vải nhỏ may liền vào sau lưng áo gọi là tấm rèm với ý nghĩa là cõng trên lưng mình một sự đau xót thương tiếc.
Lễ chúc thực. Tức là cúng cơm cho người mất khi còn ở trong nhà
trước mỗi bữa ăn. Có bài văn khấn đọc vào ban đêm khi thân nhân túc trực quanh linh cữu trước một cây đuốc cháy sáng. Sau này thay bằng đèn dầu hoặc nến.
Lễ đào huyệt. Có khấn long thần, thổ địa trước khi đào huyệt. Hướng
nằm cho ngưới chết phụ thuộc địa hình nơi nghĩa địa và hướng lợi theo từng năm. Năm này đông tây thì năm sau là bắc nam. Khi đào huyệt chú ý người chết thường được gối đầu lên đồi cao hay cồn đất cao.
Lễ đưa tang. Trước khi đưa tang phải chuyển linh cữu và trở quan, con
cháu xúm quanh quan tài nhắc lên đặt xuống ba lần để cho người chết cáo vong, cáo tổ trước khi về cõi vĩnh hằng, rồi quay quan tài 180o tức là cho đầu ra phía sân. Người của nội tộc khiêng quan tài từ nhà ra đến ngoài cổng, từ khi quan tài đưa qua cửa cho đến sân nhà, người con trai cả phải nằm ngữa người xuống đất để cho quan tài cha mẹ đi qua ba lần. Từ ngoài cổng, trách nhiệm khiêng quan tài đến nơi chôn cất thuộc về bà con trong làng thay nhau đảm nhiệm. Đội dịch phu được làng chọn những người khỏe mạnh.
Trong đám tang khi đi, đầu quan tài bao giờ cũng đi trước. Trước quan tài có một người cao tuổi trong họ, gọi là chấp hiệu, đánh cồng (một loại chiêng nhỏ) để điều khiển mọi người giữ thăng bằng cho quan tài và duy trì tốc độ. Đi trước quan tài ngoài cờ, trống, nao, các bức trướng … còn có cây triệu gồm một cành tre trên đó treo một tấm vải hay giấy đỏ ghi họ tên, học vấn, chức vụ, tôn hiệu…người mất (coi như sơ yếu lý lịch). Một cành tre khác trên có treo hai chữ Hán: với đàn ông thì ghi chữ Trung - Chính , với đàn bà
thì hai chữ Trinh - Thuận. Hai chữ này sau rước về đặt lên bàn thờ, bên bài vị. Khi đưa quan tài ra khỏi làng đến một vị trí nào đó, đám tang phải dừng lại một thời gian. Có lẽ là để người chết “tạm biệt” làng xóm để bước vào một “thế giới mới”. Từ nhà cho đến điểm nghỉ này các con trai phải đi thụt lùi trước quan tài. Từ điểm dừng đó cho đến nghĩa trang, con trai không đi thụt lùi nữa .
Trên đường đi, người nhà thường rải tiền âm phủ để ma quỷ khỏi bám vào quan tài.
Khi hạ huyệt con cháu khóc lạy, thầy cúng đọc tờ triệu và đốt bỏ xuống quan tài, người ta thường nói là “giấy thông hành” cho người chết. Lúc đầu con cháu và khách mỗi người bỏ một vài nắm cát, hòn đất xuống huyệt rồi mới lấp cát, đất đắp thành mộ.
Lễ thành phần. Là lễ cúng sau khi đắp mộ xong. Thầy cúng và tang
chủ thắp hương khấn báo với thổ thần bản xứ việc đắp mộ đã xong và xin rước linh hồn người chết về nhà để thờ cúng.
Lễ hồi linh. Rước linh vị và ảnh (nếu có) về nhà để thờ cúng. Chú ý
rằng “ma mới” phải thờ riêng cho đến khi hết khó mới được nhập vào thờ chung với “ma cũ”. Thời gian trước đây quy định là 27 tháng, sau này nhiều nơi thực hiện 24 tháng, tức là coi như hết khó sau khi làm giỗ thứ hai (đại tường)
Lễ chầu tổ.Sau khi làm lễ Hồi linh ở bàn thờ tang xong thì làm lễ cáo
yết với tiên tổ ở bàn thờ chính. Nếu là gia đình nhà con thứ thì yết cáo tại nhà thờ phái của chi họ, nơi thờ ông bà nội người mất.
Tục thăm mộ. Trong ba ngày sau khi chôn cất xong, chiều tối và rạng sáng, con cháu và anh em thân thích (chủ yếu con trai) phải đi thăm mộ, mỗi ngày hai lần. Khi đi mặc đồ tang, chống gậy và người chủ tang đi đầu, khi về người chủ tang đi sau cùng. Trên đường đi và về không nói chuyện với nhau, gặp người làng không được chào hỏi. Đến sáng ngày thứ ba, tức sáng ngày
Tam nhật kết hợp rào mộ. Người ta dùng những tấm tre đan sẵn che mộ bốn
phía và làm cổng ở phía chân người mất. Cũng có nơi đóng cọc và dùng những thanh tre buộc ngang chắc chắn để bảo vệ ngôi mộ.
Lễ cúng cơm trong 100 ngày. Trước khi con cháu dọn cơm ăn thì phải
có bát cơm cúng cha mẹ trước. Một ngày cúng hai bữa gồm một bát cơm với một quả trứng luộc, nếu có thêm thì có một vài món mà khi người ấy còn sống vẫn thích ăn. Không cần dọn nhiều thứ hay cao lương mỹ vị.
Lễ Tam nhật. Tức là lễ ba ngày sau khi mất còn gọi là lễ Tế ngu.
Lễ chung thất và tốt khốc. Đây là lễ cúng 49 ngày và 100 ngày sau
khi mất. Chung thất tức là 7 lần 7 là 49 còn tốt khốc là thôi khóc. Cúng xong tuần này thì từ đây về sau hàng ngày không phải cúng cơm nữa. Ngày nay, phần lớn các gia đình chỉ cúng cơm bữa đến 49 ngày.
Lễ tiểu tường, đại tường. Tức giỗ đầu và giỗ thứ hai. Trong giỗ đầu
người ta thường kết hợp đốt đồ mã cho người mất để người dưới cõi âm có mà dùng.
Lễ rước linh vị về chính điện và yết cáo tổ tiên. Tức là rước linh vị về nhà thờ để thờ chung cùng ông bà tổ tiên sau khi hết tang khó ba tháng (gọi là 3 tháng dư ai)
Chép sẵn linh vị mới, phủ giấy hay vải đỏ, khi đàn tế ở bàn thờ tang xong thì đốt linh vị cũ cùng với băng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế . Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung (nếu có) đưa lên bàn thờ chính đặt ở hàng dưới. Trường hợp nhà không có bàn thờ chính thờ gia tiên bậc cao hơn thì không phải làm lễ này mà yết cáo gia thần và yết cáo tổ tiên ở nhà thờ tổ.
Lễ cải cát. Tức là lễ sang tiểu, sửa mộ hoặc dời mộ. Có lễ tạ long
mạch, thổ thần khi cải cát. Trước và sau khi dời mộ khấn vái long mạch, sơn thần, thổ thần nơi cũ và nơi mới.
Khi cải táng cha mẹ, con cái cũng phải mặc đồ tang, bịt khăn trắng trên đầu.