Nghề làm bánh đúc, bánh mướt, bánh khô.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 68 - 69)

Nghề làm bánh đúc, bánh mướt, bánh khô (bánh đa) được lưu truyền từ lâu đời trong khoảng 4 - 5 gia đình ở làng Tràng Sơn. Nghề này đòi hỏi người làm nghề phải khéo tay và có kinh nghiệm.

Bánh đúc được làm từ loại gạo tẻ ngon, phơi được nắng. Gạo ngâm nước qua đêm, nước ngâm gạo được làm bằng nước vôi trong pha loãng với tỷ lệ 1 lít nước khoảng 10g vôi,. khuấy đều để lắng và chắt lấy nước vôi trong. Gạo được vo, đãi sạch và ngâm trong nước vôi trong khoảng 10 tiếng đồng hồ. Sau đó vớt ra, xóc kỹ bằng nước sạch rồi đem xay lẫn với nước cho ra bột nước. Bột lại xay đi xay lại vài lần cho đến khi thật nhuyễn mịn. Đổ bột vào nồi đun nhỏ lửa, khuấy thật đều tay và liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi, cho đến khi bột trong nồi đặc sệt lại, trở nên trong mượt, thì tắt bếp. Dùng dầu ăn, nước mỡ lợn thoa đều lên lòng một cái đĩa to, hoặc các khuôn bánh. Đổ bột vào khuôn với độ dày khoảng 3 - 5cm, giữa rắc thêm mấy cọng hành rồi nén lại. Sau đó lấy lá chuối gói lại và nấu trong nồi to. Để nguội thành phẩm sẽ đông cứng lại và có thể cắt miếng để ăn kèm các thực phẩm khác (tương, mật, cá kho, thịt lợn ...). Bánh đúc mềm, nếu có nhân đỗ pha chút hạt tiêu ăn rất ngon nhất là người ốm đau và ông bà già dùng thích hợp.

Bánh mướt (bánh tráng) được làm từ bột gạo, gạo phải là thứ gạo trắng, sạch, được ngâm kỹ và xay nhuyễn sau đó đem đổ một lớp mỏng lên cái khuôn dẹt hình tròn bằng vải đặt khít lên miệng nồi nước đun sôi. Nước

rút bột tạo nên một bánh tròn, rắc lên một ít lá hành tươi, khi bánh có màu trong là đã chín, dùng chiếc đũa dài vớt ra, đặt trên chiếc sàng, cuộn tròn lại, quét thêm lớp dầu mỡ đã phi hành cho thơm. Bánh được dùng ăn với thịt chó là ngon nhất, hoặc là chấm ruốc, nước mắm, nước kho cá, kho thịt đều ngon.

Bánh khô (bánh đa) được làm giống như bánh mướt, chỉ khác là đổ nhiều bột cho dày hơn, không rắc hành mà lại rắc vừng, khi vớt ra để nguyên dáng tròn phơi khô. Khi ăn phải đem nướng quạt trên than hồng, bánh sẽ phồng chín giòn, màu vàng ươm, mùi thơm. Bánh được bán cho nhân dân trong làng, hàng quán và chợ.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 68 - 69)