Nghề đi rừng, săn bắn, bẫy chim.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 63 - 66)

Rừng là một phần tất yếu không thể tách rời cuộc sống của cư dân làng Tràng Sơn. Khi vào rừng người ta thường đi thành đoàn đông để chống thú dữ. Nghe các cụ già kể lại thì rừng Tràng Sơn không có cây đại thụ, chỉ có cây gỗ đường kính khoảng 15 – 25 cm, vùng này khá nhiều lim, trai và các loại khác. Gỗ được chặt về để làm nhà, làm chuồng trại. Dân làng còn vào rừng để chặt củi, đốt than; bứt cây rành rành về làm chổi sể và bán cho dân Yên Duệ, Lương Hội nung nồi đất; lấy cây mây phục vụ nghề đan lát, lấy bông đót làm chổi, đào rễ hương về làm hương thơm, bứt cỏ tranh về lợp nhà. Vào những năm mất mùa đói kém người ta thường đi đào củ mài, cuốc rau má về ăn.

Ở gần rừng nên có rất nhiều người đi săn, vùng Tràng Sơn không có phường săn chuyên nghiệp, người ta chỉ đi săn tranh thủ khi nông nhàn. Khi đi săn người ta thường rủ nhau khoảng từ vài ba người với khoảng 5 – 6 con chó nếu là đi săn chuột, cáo, chồn, nhím, trút (xuyên sơn). Muốn săn các loài thú lớn hơn như lợn rừng, mang (hoẵng) người ta huy động gần như toàn bộ những người có chó săn trong làng, khoảng 20 người và 30 – 40 con chó. Săn chuột là đơn giản nhất, chuột rừng hay chuột đồng đều săn được, người ta dùng róc là dụng cụ đan bằng tre chuyên dùng để săn chuột đặt vào các luồng chuột chạy trong các bụi rậm rồi dùng sào khua, xua chó sục sạo đuổi, chuột hoảng sợ chạy thục mạng đâm đầu vào róc không ra được, con nào chạy chậm bị chó cắn chết. Còn có cách khác là hun khói hoặc đổ nước vào hang đuổi chuột chạy ra để bắt. Các loài cáo, chồn là đối tượng bị săn bắt nhiều, người ta tích cực săn các loài này vì thịt ngon đã đành, nhưng còn là để bảo vệ đàn gia cầm của dân làng.

Không nghe các cụ già kể chuyện thợ săn Tràng Sơn săn được khái (hổ) nhưng lợn rừng và mang thì có; để săn được các loài này người ta theo dõi xem chúng thường có mặt ở khu vực nào, huy động nhiều người và chó săn, bố trí lực lượng từ nhiều hướng dồn đuổi con thú vào nơi dễ bị bắt nhất.

Tràng Sơn có nhiều người bắn nõ giỏi, nõ được chế tác công phu bởi những bàn tay khéo léo nhất làng, khó nhất là chuốt cánh nõ phải thật cân thì bắn mới chính xác được. Người ta thường dùng nỏ để bắn chuột và nhất là bắn chim.

Tràng Sơn xưa – nay còn nổi tiếng với nghề bẫy chim. Bẫy chim để làm thịt, để bảo vệ hoa màu, để nuôi (vẹt, sáo, cu gáy, chào mào). Ở vùng rừng núi rất nhiều chim nên từ trẻ em đến người già ai ai cũng biết bẫy chim. Người ta bẫy hầu như tất cả các loại chim, từ chim ri, sẻ, chèo bẻo, chàng làng, chào mào, cu đất, cu xanh, cu gáy cho đến vàng anh, cò, diệc, cuốc, là

cà (dẻ giun) ... Cách bẫy chim phổ biến nhất là dùng nhựa cây (là nhựa một loại cây rừng), mỗi loại chim dùng dùng một loại hom tẩm nhựa riêng và có cách bẫy riêng, đi làm đồng hay chăn trâu ai cũng có một ống hom nhựa lủng lẳng ở thắt lưng để đánh bắt chim. Cách thứ hai là dùng các loại bẫy thòng lọng thủ công, tùy theo đặc điểm của mỗi loài chim mà người ta sáng tạo ra các loại bẫy khác nhau.

Nghề đốt ong, rừng núi Tràng Sơn có nhiều ong, phổ biến nhất là ong

vang, ong vẽ (ong bò vẽ), ong chần (một loại ong đất lớn và hung dữ). Ong vang làm tổ dưới các cành cây thấp, ong vẽ làm tổ trong các lùm cây rậm rạp còn ong chần làm tổ dưới đất. Kinh nghiệm của dân làng khi tìm tổ ong là đi dọc khe suối, thấy ong lấy nước bay về hướng nào thì đi theo quan sát sẽ tìm được tổ ong; ánh nắng mặt trời chiếu vào hạt nước dưới bụng ong sáng long lanh nên dễ theo dõi. Đốt ong là nghề mà không phải dân vùng nào cũng biết, đây là một nghề nguy hiểm, cần kinh nghiệm, nếu không sẽ bị ong đốt (châm) gây chết người; nhưng với dân làng Tràng Sơn thì đây là một nghề nhẹ nhàng, mang lại nhiều hứng thú. Với ong vang, chỉ cần đốt nắm cỏ khô thổi làn khói nhẹ vào tổ là ong bay hết, sẽ lấy được tổ mang về; ong vẽ thì khó hơn, phải dùng nhiều cỏ khô, lá khô để đốt, ong trưởng thành bị đốt cháy hoặc hoảng sợ bay lên cao, cần nhanh tay lấy tổ rồi rút ra xa mới an toàn, nếu không biết cách sẽ bị ong tấn công, một người bình thường bị khoảng 5 con ong vẽ đốt có thể trụy tim mạch mà chết. Mỗi tổ ong vẽ loại lớn có thể được gần 1kg nhộng ong. Để đốt được tổ ong chần phải thật cẩn thận, chuẩn bị chu đáo bởi đây là loài ong dữ, trong dân gian có câu “ong vang cắm vàng con mắt, ong vẽ cắm mẻ lưỡi cày, ong chần cắm thần bổ ngã” để nói về mức độ nguy hại khi bị ba loài ong này đốt. Trong thực tế đã từng có vài ba trường hợp me (con bê), nghé khi vô tình dẫm lên cửa tổ ong chần làm chết vài con ong canh cửa rồi bị đàn ong hàng trăm con xông ra đốt đến chết. Tổ ong chần nằm sâu trong lòng đất, thường lợi dụng các gò mối

để làm tổ, tổ thường có 3 – 4 cửa ra vào khác nhau, vì nguy hiểm nên khi phát hiện tổ ong chần người ta chưa đốt ngay mà quan sát rồi bịt kín các cửa phụ lại, chỉ chừa một cửa chính; chờ đêm đến ong đã về tổ hết thì bắt đầu đốt (cần từ 3 đến 5 người khỏe mạnh). Người ta bới thông các cửa phụ của tổ ong rồi đốt một đống trấu trên mỗi cửa; ở cửa chính, đào một hố rộng khoảng 50 – 60 cm, sâu 20 – 30cm, đốt cháy rơm khô và trấu rồi quạt cho khói lùa vào tổ ong, ong bị khói, nóng chui ra các ngách phụ sẽ chết vì lửa trấu. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, ong chết hết mới dùng cuốc, thuổng đào đất lấy nhộng ong. Những tổ ong chần to có thể được một rổ lớn nhộng ong.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w