Sự quần cư và mở rộng địa bàn cư trú ở làng.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 25 - 31)

Vùng đất Tràng Sơn nằm trong khu vực Nam Yên Thành là một vùng đất lâu đời, người Việt cổ đã từng sinh sống trên vùng đất này. Thời cổ đại, khi vùng đồng bằng Yên Thành ngày nay đang là những vùng đầm phá ngập nước; người Việt cổ đã có mặt trên những vùng đất ven núi cao.

Ở lèn đá Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành (cách Tràng Sơn khoảng 5 km) từ năm “1961 đến 1965, Sở Văn hóa Nghệ An đã tiến hành khai quật một số hang động, tìm thấy nhiều công cụ đá nằm sâu dưới tầng đất 1m. Ở đây còn thu thập được vỏ trấu cạnh bếp tro than” [51, tr 18, 19].

Ở đồi Cồn Mướng, xã Bảo Thành (cách Tràng Sơn khoảng 2 km), là một địa danh có tên trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam, nơi đây vào năm 1982, khi trường Phổ thông trung học Vừa học vừa làm Yên Thành còn đóng trên đồi này, thầy giáo Phan Đức Tuyên (giáo viên Sinh học) trong một lần chỉ đạo học sinh lao động đào đất đã thu được một số hiện vật là dụng cụ lao động của người tiền sử. Nhà trường đã báo cáo lên ty Văn hoá sau đó Viện Khảo cổ đã cử về hai chuyên gia. Với lực lượng học sinh, họ đã tiến hành khai quật một số nơi và đã thu được nhiều hiện vật có giá trị gồm: Công cụ bằng đá với hàng trăm chiếc gồm có rìu đá, chày nghiền hạt, bàn mài… Công cụ bằng đồng có 4 rìu bằng đồng đã bị rỉ nhưng còn nguyên dạng, to bằng rìu sắt hiện nay. Đồ gốm có vò đựng nước, nồi đất, nhiều mảnh còn có hoa văn đẹp… Đặc biệt có một bếp cổ có những hòn đá kê bị đốt sém còn có dấu tích than tro. Viện khảo cổ học Hà Nội đã xác định được “niên đại di chỉ này cùng thời với di chỉ Quỳnh Văn có niên đại C14 là 2700 + 75 năm trước Công nguyên” [51, tr 18]. Về mặt lịch sử thì đây là thời đại đồ đá cũ bắt đầu chuyển sang thời đại đồ đồng.

Trên các cánh đồng thuộc địa phận làng Tràng Sơn như Đồng Yên, Đồng Tráu, Đồng Vườn, Cửa Truông có rất nhiều đá “cứt sắt” tập trung thành những cồn cao. Đó chính là nơi người xưa luyện sắt, với kỹ thuật luyện sắt sơ khai “hoàn nguyên trực tiếp”, sau khi lấy được số ít sắt, phần vứt bỏ là đá

“cứt sắt” đang chứa nhiều sắt trong đó. Tính trên địa phận Tràng Sơn có khoảng 5 cồn “cứt sắt” nằm rải rác, cồn này cách cồn khác khoảng gần 1km (những năm đầu thế kỷ XXI, nhu cầu quặng sắt lên cao, có nhiều người từ miền Bắc vào thu mua đá “cứt sắt” nên hiện nay còn lại rất ít).

Trên các sườn núi thấp, chân núi ở thượng nguồn Khe Cát còn có khá nhiều vùng đất bằng phẳng là dấu vết nhà ở của người dân tộc thiểu số, trong vùng còn có khá nhiều nấm đất được quây đắp bằng đá; theo các thế hệ người xưa truyền lại thì đó là “nhà Mường” và “mả Mường”; dưới chân Động Hố có một địa danh là Chợ Bưởi, các thế hệ ông bà ngày trước truyền lại là chợ của người Mường, là nơi trao đổi sản vật, hàng hóa của người Mường với nhau và với người Kinh. Trong thung lũng Khe Nốc hiện nay vẫn còn dấu vết một số ruộng nước bậc thang, là ruộng đất từng canh tác của người Mường.

Thực tế trên cho thấy vùng đất Tràng Sơn từng được người Việt cổ khai phá từ trước Công nguyên. Đáng tiếc, sau khi để lại những di sản khảo cổ trên vùng đất phía Nam huyện Yên Thành, các nhóm người Việt cổ dời cư đi đâu, vào thời gian nào, vì lí do gì không ai rõ. Các làng xã lâu đời trong vùng như Kẻ Lấu, Kẻ Vĩnh (Vĩnh Thành), Yên Xá, Viên Sơn (Viên Thành), Bảo Nham (Bảo Thành), Kẻ Dòi, Kẻ Sỏi (Sơn Thành).... đều được hình thành từ thời Lý – Trần; gia phả các dòng họ lớn trong vùng đều chép tổ tiên họ từ nhiều vùng khác nhau di cư đến khai phá đất đai lập nên làng, đến nay khoảng 25 đến 30 đời

Ở Tràng Sơn có gần 20 dòng họ (kể từ năm đời trở lên) sinh sống từ xưa đến nay. Ở đây chỉ nêu một số dòng họ lớn:

Họ Lê Trọng, nguồn gốc từ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá vào đây

đã 22 đời, là một trong 3 dòng họ lâu đời nhất ở Tràng Sơn, nhà thờ Đại tôn hiện ở xóm 11, họ có đến gần 300 hộ sống rải rác ở các xóm thuộc xã Sơn Thành. Tộc trưởng hiện nay là ông Lê Bình, hiện là Đại tá công tác ở Bộ Quốc Phòng. Dòng họ có truyền thống học tập khoa cử. Trước đây trong họ

có 3 cụ đỗ Tú tài trong đó có ông Tú ba hay Tú mền (người đỗ ba khoa tú tài). Về sau con cháu cũng có nhiều người học hành giỏi, thành đạt trên nhiều lĩnh vực (hiện có 3 người là Đại tá quân đội), khá nhiều người làm nghề dạy học, nổi tiếng dạy giỏi trong vùng; như thầy Lê Võ, Lê Đào, Lê Anh Tương, Lê Hồng Xứng, thầy Lê Văn Phan nguyên là Hiệu trưởng trường THCS Sơn Thành – Lê Doãn Nhã gần 20 năm; cô Lê Thị Thủy là Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Thành 9 năm; Tiến sĩ Lê Thanh Bình là giảng viên trường Đại học Vinh ...

Họ Lê Văn, theo gia phả ghi lại, thì ông tổ của dòng họ từ giáp (giáp

nhỏ hơn làng) Ngọc Long Hạ, tức là làng Ngọc Hạ xã Công Thành ngày nay chuyển xuống, tính đến nay đã 20 đời. Nhà thờ tại xóm 12, đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Tộc trưởng là ông Lê Văn Phúc thường gọi là ông Đức. Họ Lê Văn là dòng họ có nhiều vị khoa bảng và quan chức cấp cao thời phong kiến nổi tiếng không chỉ trong làng, trong huyện. Tiêu biểu có tiến sĩ Lê Kính (1587 – 1659), làm quan đến Binh bộ Thượng thư thuộc đời thứ sáu; Hoàng giáp Lê Hiệu (1617 – 1680), làm quan đến Thượng thư bộ Lễ , từng là chánh sứ dẫn đầu sứ bộ đi sứ sang nhà Thanh là đời thứ bảy; Lê Mai đỗ Giải nguyên làm Tổng binh sứ thuộc đời thứ tám; Phó bảng Lê Doãn Nhã (1837 – 1888) làm Chánh sơn phòng sứ Nghệ An, tham gia khởi nghĩa chống Pháp thời kỳ Cần vương, thuộc đời thứ 15. Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp, thực dân Pháp đã tiến hành bắt bớ, khủng bố, con cháu họ Lê Văn phải chuyển đi lánh nạn và sinh sống ở nhiều nơi. Nhiều nhánh họ đã chuyển từ Tràng Sơn đi các nơi như ở huyện Thanh Chương hiện có hai nhánh ở các xã Thanh Hưng, Hạnh Lâm. Ở huyện Đô Lương có hai nhánh một ở xã Tràng Sơn khoảng 40 hộ, một nhánh ở xã Quang Sơn cũng hơn 40 hộ. Ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cũng có một nhánh họ Lê Văn từ Tràng Sơn chuyển xuống. Hiện tại con cháu họ này sinh sống trên đất Tràng Sơn không nhiều chưa đâỳ 40 hộ. Con cháu họ Lê Văn

sau này có nhiều người học hành, làm ăn giỏi, tương đối thành đạt trong cuộc sống.

Họ Nguyễn Trí, đây là một dòng họ lớn tính đến nay đã đến 22 đời, nhà

thờ ở xóm 10. Vì bị mất gia phả nên các cụ chỉ biết là ông tổ đã đến đây từ xa xưa, còn nguồn gốc từ đâu thì không rõ. Về sau một vài nhánh của họ từ Tràng Sơn chuyển đi một số nơi như một nhánh lên xã Bảo Thành, một nhánh chuyển ra xã Văn Thành và cũng có một nhánh chuyển xuống ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Hiện nay còn lại ở xã Sơn Thành khoảng 170 hộ, tộc trưởng là ông Nguyễn Trí Tráng. Theo truyền lại khoảng thế kỷ 18, trong họ có ông Nguyễn Pháp Tích (còn có tên là Pháp Tri) là một quan võ phụ trách một đồn binh đóng ở một cửa biển thuộc huyện Nghi Lộc. Ông đã có công đánh giặc, bảo vệ và giúp dân yên ổn làm ăn nên đến khi mất, được nhân dân địa phương lập đền thờ ở xã Nghi Thiết huyện Nghi Lộc. Trước năm 1945, trong họ cũng có một số vị tham gia chính quyền như ông Nguyễn Trí Tam nhiều năm làm chánh tổng của tổng Quan Trung, ông Nguyễn Trí Hoằng làm lý trưởng làng Tràng Sơn. Hiện nay cả Bí thư và Chủ tịch UBND xã Sơn Thành đều là người họ Nguyễn Trí.

Họ Nguyễn Hữu, tộc trưởng hiện tại là ông Nguyễn Hữu Tiến sinh năm

1956, nhà thờ đại tôn ở xóm 12. Theo ông Tiến thì ông tổ của dòng họ từ họ Nguyễn Xuân ở xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc chuyển ra và là một trong những họ đến sớm ở vùng này (12 đời). Hiện nay nhiều nhánh của họ đã chuyển đi một số nơi nên số hộ sống ở xã Sơn Thành chưa đầy 100. Ở nhà thờ họ hiện còn giữ được một sắc phong của vua Khải Định năm 1917 ghi nhận việc một trong những ông tổ của họ là Nguyễn Duy Bôi thường gọi là Cố Thần (đời thứ 6) đã có công chiêu tập dân phiêu tán trở về, ổn định chỗ ở, bảo vệ dân, xây dựng làng Tràng Sơn (vào đầu thế kỷ XIX). Còn bản kia là sắc của vua Minh Mệnh ban cho ông Nguyễn Xuân Áng thường gọi là Ông Hiếu bốn chữ “Hiếu hạnh khả phong” nghĩa là: người có lòng kính yêu đối với cha

mẹ đáng khen. Bốn chữ này thời đó được họ tiến hành khắc lên ván gỗ tốt và gần đây lại thuê thợ khắc lại to hơn và sơn son thiếp vàng. Hiện cả hai bản còn treo ở gian giữa nhà thờ. Ông Hiếu khi còn là thanh niên đã dũng cảm đánh chết hổ dữ để cứu mẹ, mẹ ông bị thương nặng nằm liệt giường suốt 3 năm được ông hết lòng chăm sóc phụng dưỡng. Trong họ cũng có ông Nguyễn Xuân Dục là em ruột Ông Hiếu thuộc đời thứ 7, đỗ Cử nhân và có thời gian làm Bang biện phủ vụ Châu Diễn. Trước cách mạng tháng Tám, họ cũng có ông Nguyễn Hữu Trình có nhiều năm làm lý trưởng làng .

Họ Cao Viết, họ Cao ở Tràng Sơn có nguồn gốc từ họ Cao ở Nho Lâm

nay thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Một nhánh họ Cao từ đó di cư vào sinh sống ở xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc. Đến năm 1725, một số gia đình chuyển ra ở Tràng Sơn lập ra dòng họ này. Như vậy cho đến nay mới có 13 đời với 42 hộ. Hiện tại tộc trưởng là ông Cao Văn Toan 73 tuổi và kế trưởng là anh Cao Văn Tuấn . Người họ Cao ở đây trước cách mạng tháng Tám cũng có một vài ông tham gia chính quyền làng xã như làm Bang tá, hoặc lý trưởng…

Họ Nguyễn Đàm, ông tổ của họ trước là họ Đàm. Từ một hoàn cảnh éo

le, được một người họ Nguyễn đưa về nuôi nên con cháu về sau lấy họ là Nguyễn Đàm. Nguồn gốc họ từ xã Diễn Hạnh chuyển vào xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu rồi mới lên ở vùng Đồng Quỹ thuộc xã Nghi Văn, sau mới ra ở Tràng Sơn. Tính đến nay mới chỉ có 9 đời với 42 hộ. Tộc trưởng là ông Nguyễn Đàm Tao, 75 tuổi. Ngày trước trong họ cũng có mấy người theo học chữ Hán nhưng đi thi cũng chỉ đến tam trường, nhị trường rồi làm nghề dạy học.

Họ Hoàng Trọng, ông tổ dòng họ gốc từ xã Bảo Thành chuyển qua,

đến nay đã được 9 đời. Hiện tại tộc trưởng là ông Hoàng Trọng Huấn 62 tuổi ở xóm 10.

Họ Đặng Trọng, nguồn gốc dòng họ từ xã Nam Lạc, huyện Nam Đàn

chuyển ra. Tính đến nay mới chỉ đến 8 đời. Tộc trưởng hiện tại là ông Đặng Anh Toan sinh năm 1936, giáo viên môn Hoá THPT nghỉ hưu. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong họ cũng có một số người đi học chữ Hán. Có ông Đặng Trọng Thi làm hương bộ làng hai khoá. Hiện tại có anh Đặng Trọng Trình là tiến sĩ trẻ, ngành Toán công tác tại trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Họ Trần Duy, theo gia phả thì ông tổ của họ từ Thăng Long chuyển vào

đến nay được 9 đời. Đây là dòng họ của Anh hùng Trần Can, tộc trưởng là ông Trần Duy Lĩnh sinh năm 1960. Hiện tại số hộ sống tại xã Sơn Thành chỉ có 28 với 77 đinh. Trước cách mạng 8 - 1945 có ông Trần Duy Thuận làm lý trưởng. Hiện nay có ông Trần Duy Huyên, tiến sĩ Toán học là cán bộ giảng dạy khoa Toán trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra còn còn có các họ khác như: Nguyễn Văn, Nguyễn Khắc, Trần Quốc, Trần Văn, Phan Văn, Hồ Xuân, Đào Văn, Ngô Văn,… là những dòng họ mới đến còn ít đời, ít người.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w