Tràng Sơn từ 1945 đến 1954.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 37 - 44)

Khi phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương thì phải đến đầu năm 1945 mới “hình thành nhóm Việt Minh ở Yên Thành” [41, tr 75]. Trong sự chuyển biến nhanh chóng của tình thế cách mạng, hệ thống tổ chức của Việt Minh đã phát triển hết sức nhanh chóng ở huyện Yên Thành, có tác động mạnh mẽ đến số thanh niên tiến bộ ở làng Tràng Sơn như ông Lê Hồng Châu (năm nay 91 tuổi, đang khỏe mạnh và minh mẫn), Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Xuân Hòe, Lê Bổng, Trần Minh Giảng ... đầu tháng 5 – 1945, các ông này đã thành lập nhóm Thanh niên tiên tiến của làng tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu (xóm Giếng) nhằm chống lại sự lôi kéo của các tổ chức thanh niên thân Nhật, tuyên truyền chống bắt phu, bắt lính, chống nạp lúa cho Nhật ... Đầu tháng 8 – 1945 tổ chức Việt Minh được thành lập ở làng Tràng Sơn; “ông Nguyễn Mạnh Tùng làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Hòe làm phó chủ nhiệm” [40, tr 65]. Đêm 18 – 8 – 1945, một cuộc họp được tổ chức ở đê Cồn Duôn phía tây làng gồm 9 người : Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Hữu Hòe, Lê Hồng Châu, Trần Minh Giảng, Trần Thiêm, Lê Trọng Do, Lê Bổng, Lê Đào, Nguyễn Khắc Yên. “Cuộc họp đã thống nhất các nội dung sau:

- Thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Chọn ngày khởi nghĩa cướp chính quyền ở làng Tràng Sơn là 20 - 8 - 1945.

- Cử ông Lê Hồng Châu và Trần Thiêm lên gặp lãnh đạo Việt Minh huyện báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo.

- Cử ông Nguyễn Xuân Hòe và Nguyễn Mạnh Tùng huy động lực lượng khởi nghĩa.

- Cử ông Lê Trọng Do đàm phán với lý trưởng, ngũ hương phải tuân theo chủ trương của Việt Minh, tránh xung đột đổ máu.

- Dự kiến nhân sự Ủy ban Cách mạng lâm thời của làng.” [40, tr 67] Công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được khẩn trương chuẩn bị trong suốt ngày và đêm 19 - 8 - 1945. Trong ngày này Việt Minh huyện đã cử các ông Ngô Đức Hùng, Thái Văn Kha và Bùi Văn Trưng về trực tiếp chỉ đạo tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Tràng Sơn.

Sáng 20 - 8 - 1945, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức mít tinh ở đình làng với sự tham gia của gần như 100% dân làng. Lý trưởng Nguyễn Trình và hương bộ Nguyễn Khương buộc phải nạp triện, sổ sách cho Việt Minh. Ủy ban cách mạng lâm thời làng được thành lập gồm:

- Ông Lê Trọng Do - Chủ tịch.

- Ông Nguyễn Hữu Hòe - Phó Chủ tịch.

- Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Ủy viên giáo dục. - Ông Trần Thiêm - Ủy viên thư ký kinh tế. - Ông Lê Hồng Châu - Ủy viên quân sự. - Ông Trần Minh Giảng - Ủy viên giao thông. - Ông Lê Bổng - Ủy viên tuyên truyền.

Các tổ chức đoàn thể, tự vệ các xóm cũng nhanh chóng được thành lập (cả làng có 2 trung đội tự vệ). Cách mạng tháng Tám đã nhanh chóng thành công trên phạm vi cả nước, dân làng Tràng Sơn hân hoan hòa mình trong không khí náo nức của người dân cả nước “rũ bùn đứng dậy” thoát khỏi kiếp nô lệ, trở thành người tự do bước vào chặng đường mới của đất nước, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 06 - 01 - 1946 nhân dân Tràng Sơn lần đầu tiên cùng nhân dân cả nước thực hiện quyền làm chủ của công dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội. Sau ngày bầu cử Quốc hội, huyện Yên Thành tổ chức lại các đơn vị hành chính, bãi bỏ các tổng, cả huyện thành lập 24 xã, làng Tràng Sơn thuộc xã Hợp Minh. Trong bộ máy hành chính xã Hợp Minh gồm 8 người thì làng Tràng Sơn đóng góp đến 6 người “Ông Lê Do (Tràng Sơn) – Chủ tịch Việt Minh. Ông Lê Hồng Châu (Tràng Sơn) – Ủy viên phòng thủ. Ông Nguyễn Mạnh Tùng (Tràng Sơn) – Ủy viên giáo dục. Ông Trần Thiêm (Tràng Sơn) – Chủ tịch kháng chiến. Ông Nguyễn Khắc Yên (Tràng Sơn) – Bí thư Đoàn Thanh niên. Bà Nguyễn Thị Minh (Tràng Sơn) – Bí thư phụ nữ” [40, tr 76].

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, nhân dân làng Tràng Sơn đứng trước những khó khăn chồng chất về nạn đói, nạn dốt. Trong khó khăn, nhân dân Tràng Sơn đã gắng sức cùng với nhân dân toàn huyện từng bước vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Hưởng ứng lời kêu gọi diệt “giặc đói” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhân dân Tràng Sơn hăng hái khai hoang, phục hóa đẩy mạnh tăng gia sản xuất; với truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, dân làng cùng nhau chia sẻ từng hạt gạo, củ khoai, con dam, con cá. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ nhà nhà lập “hũ gạo tiết kiệm” mỗi gia đình trước khi nấu ăn, bớt lại một nắm gạo bỏ vào hũ gạo tiết kiệm, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, dùng gạo tiết kiệm để cứu đói. Hội phụ nữ cứu quốc làng được thành lập, tổ chức thu gom gạo tiết kiệm được đem phát cho những gia đình thiếu ăn. Các đoàn thể tiến hành cuộc vận động địa chủ giảm tô 25% cho nông dân và ủng hộ gạo cứu đói. Kết quả, đến vụ chiêm năm 1946, nạn đói cơ bản được đẩy lùi.

Trước cách mạng tháng Tám, khoảng trên dưới 90 % dân số Tràng Sơn mù chữ. Sau khi giành chính quyền, phong trào thi đua diệt “giặc dốt”

được đẩy mạnh, năm 1946 làng Tràng Sơn có ba lớp Bình dân học vụ, thầy Trần Minh Giảng dạy lớp xóm Giếng, xóm Ngoài, xóm Vắp; thầy Nguyễn Khắc Yên dạy lớp xóm Trường, xóm Giữa; thầy Nguyễn Nhân dạy lớp xóm Đông, xóm Phát. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của dân làng, chỉ trong một thời gian ngắn nạn mù chữ dần được đẩy lùi. Các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục, dị đoan được đẩy mạnh trong dân làng.

Một khó khăn lớn của nước ta sau cách mạng tháng Tám là tình trạng trống rỗng của ngân sách quốc gia. Từ ngày 17 - 09 đến 24 - 09, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương phát động phong trào “Tuần lễ vàng”. Hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ độc lập”, nhân dân Tràng Sơn đã tự nguyện đem vàng bạc, tư trang, của gia đình ủng hộ cách mạng, “cùng với nhân dân huyện Yên Thành quyên góp được 26 lạng vàng, quy ra gạo là hơn 21 tấn. Trong đó tiêu biểu là gia đình ông Cao Đán ở Tràng Sơn – Sơn Thành đã ủng hộ 15 chỉ vàng và 300 đồng bạc trắng” [40, tr 82].

Những kết quả đạt được của nhân dân làng Tràng Sơn trong thời gian hơn một năm sau Cách mạng tháng Tám đã góp phần cùng nhân dân các làng xã trong cả nước vào việc củng cố chính quyền, xây dựng chế độ mới của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Quyết thực hiện dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai; thực dân Pháp tìm mọi cách để phá vỡ Hiệp định sơ bộ (6 - 3) và Tạm ước (14 - 9). Khả năng hoà hoãn không còn nữa, đêm 19 – 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người, nhân dân cả nước đã đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, dân làng Tràng Sơn tham gia thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, tích cực tham gia phá đường số 7, đường 34, phá dỡ các đền, chùa, các cây cầu

lớn (chỉ dùng cầu tre để dân ta đi lại). Lực lượng dân quân, du kích nhanh chóng được thành lập, tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Năm 1953, xã Sơn Thành được thành lập gồm ba làng: Tràng Sơn, Yên Duệ và Lương Hội; ba làng vốn ở gần nhau, có mối quan hệ truyền thống gắn bó là điều kiện thuận lợi để nhân dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đóng góp lương thực nhiều hơn nữa cho kháng chiến. Cuộc kháng chiến của dân tộc ngày càng phát triển, giành nhiều thắng lợi to lớn; yêu cầu của tiền tuyến đòi hỏi hậu phương phải cung cấp ngày càng nhiều hơn nữa về sức người và sức của. Hàng trăm lượt dân công đã từ Tràng Sơn lên đường phục vụ các chiến trường Lào, Tây Bắc trong đó tiêu biểu là “Nguyễn Hồng Cọt mới 17 tuổi được tặng thưởng là Chiến sĩ thi đua dân công hỏa tuyến trên mặt trận biên giới Tây Bắc” [40, tr 95].

Trong cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc, hàng chục người con ưu tú của làng Tràng Sơn đã tiếp bước lên đường chiến đấu trên các chiến trường (Trần Can, Nguyễn Xuân Em, Nguyễn Hảo, Nguyễn Miên, Lê Văn Bốn, Nguyễn Văn Công, Trần Minh Liêm, Lê Văn Dần, Nguyễn Tiến, Nguyễn Vân, Nguyễn Cúc ...); trong số đó nhiều người đã đổ máu xương, để lại những phần thân thể cho đất nước; nhiều người đã oanh liệt hi sinh, mãi mãi không về. Với gia đình, làng xóm, những người con yêu dấu đã vĩnh viễn ra đi không ngày trở lại; nhưng với quê hương đất nước, các anh vẫn còn đó, vẫn mãi trường tồn là những tượng đài bất khuất hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiêu biểu nhất cho những tấm gương chiến đấu hi sinh đó là Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Can.

Trần Can (1931 - 1954), sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân

nghèo ở xóm Giếng, Tràng Sơn; tuổi thơ của anh lớn lên trong đói nghèo cơ cực. Mồ côi cha từ năm 3 tuổi, là con thứ hai trong gia đình có ba anh em, nhà nghèo, từ năm 6 tuổi anh đã phải đi ở chăn trâu cho nhà người để kiếm

miếng cơm manh áo mãi cho đến ngày đi bộ đội. Tác giả Phan Thế Phiệt ghi lại lời kể của bà Trần Thị An (em gái Trần Can): “Cậu Can hồi đó cũng đã đọc thông viết thạo nhờ ban đêm “Bình dân học vụ”, nhưng bữa mô cũng phải đâm (giã), xay một chục lúa (khoảng 30 kg) rồi rau bèo, nấu cám lợn xong mới được đi. Đến lớp đã muộn lại phải học ghé đèn của người khác. Được cái sáng dạ lại chăm đọc, chăm viết nên được thầy khen. Một bữa cậu kiếm mô được be dầu lạc, khuya lên ràn trâu nhà chủ để học. Chắc là nhọc quá, ngủ quên, lửa bén thành đám cháy. Khi dân làng đến thì ràn trâu chỉ còn đống than. Cũng may cậu thoát ra được, lại may mắn tháo róng cho trâu, sau lần nớ chủ nhà bắt cậu ở tiếp 3 năm không công để trả nợ cái ràn trâu bị cháy. Một năm sau cậu đi bộ đội, tui phải ở thế chân” [2, tr 192].

Sinh ra và lớn lên trong một làng quê có truyền thông đấu tranh, anh đã sớm tỏ rõ là người có tinh thần yêu nước. Khi còn nhỏ anh vẫn thường tâm sự với mọi người ước nguyện của mình lớn lên được cầm súng đánh giặc cứu nước. Đang tuổi thiếu niên anh đã ba lần trốn gia đình xin đi bộ đội nhưng vì tuổi còn trẻ, người nhỏ sức yếu nên đến lần thứ tư mới được toại nguyện (tháng 1 - 1951).

Vào bộ đội sau thời gian huấn luyện, anh được bổ sung vào một đơn vị bộ binh thuộc trung đoàn 209, đại đoàn 312. Ở một đơn vị chủ lực, Trần Can đã được trực tiếp chiến đấu trong các chiến dịch lớn ở phía Bắc. Trong chiến đấu anh luôn tỏ rõ tinh thần mưu trí dũng cảm và không lâu sau được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Đã hai lần bị thương nhưng được chăm sóc băng bó xong, anh tiếp tục bám trận địa, kiên cường chiến đấu. Anh được kết nạp Đảng năm 21 tuổi và cũng trong năm đó được đề bạt làm Tiểu đội trưởng.

Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 trong trận đánh địch ở Bản Hoa tiểu đội anh làm nhiệm vụ xung kích. Khi vừa có lệnh xung phong, anh đã nhanh chóng dẫn đầu tiểu đội vượt qua cửa mở, dùng thủ pháo diệt một ụ súng của địch rồi phát triển sâu vào bên trong. “Khi cả tiểu đội bị thương vong, đồng

chí chủ động nhập với hai đồng chí của tiểu đội khác lập thành một tổ tiếp tục chiến đấu, diệt luôn 3 ụ súng nữa và đánh thẳng vào sở chỉ huy địch, tiêu diệt cơ quan đầu não, bắt sống 22 tên, thu 17 súng các loại” [41, tr 135]

Trong trận đánh đồn Him Lam, mở đầu cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đêm 13 – 3 – 1954, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu tiêu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên đồn giặc. Khi nổ súng, mặc dầu hoả lực của đich bắn ra dữ dội, Trần Can vẫn chỉ huy đơn vị vượt qua lô cốt tiền duyên, thọc thẳng vào đánh chiếm sở chỉ huy, cắm lá cờ lên đồn giặc và chỉ huy đơn vị tiếp tục tiêu diệt bọn địch còn lại trong hầm ngầm, bắt sống 25 tên, trong đó có 1 tên quan Ba chỉ huy của Pháp, thu nhiều vũ khí, đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của quân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ. Tấm gương chiến đấu dũng cảm mưu trí của anh đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công của toàn trung đoàn và cả mặt trận. Sau trận này anh được đề bạt là Trung đội trưởng.

Trong đợt tấn công cuối cùng vào trung tâm Mường Thanh; đêm 1 – 5 – 1954, đại đội của anh được lệnh đánh điểm cao 507, trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt, pháo địch bắn ra dữ dội và liên tục, anh đã chỉ huy tiểu đội xông lên chiếm mỏm cột cờ. Ta và địch giành nhau từng thước đất, từng đoạn giao thông hào. Nhiều đồng đội đã hi sinh, cánh tay phải của anh cũng đã trúng đạn. Địch liên tiếp tung quân hòng chiếm giữ ngọn đồi, ngăn không cho quân ta tiến vào, nhưng Trần Can đã chỉ huy đơn vị gan góc bám trụ đánh trả bốn đợt phản công của địch. Có lúc các chiến sĩ vừa ném lựu đạn vừa nhảy lên đánh giáp lá cà với địch. Cán bộ đại đội và các trung đội bị thương vong hết và bản thân anh cũng bị thương ở cánh tay phải, nhưng Trần Can vẫn quyết tâm thay thế cán bộ đại đội chỉ huy đơn vị đánh chặn những đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa suốt đêm hôm ấy để làm bàn đạp cho ngày hôm sau đơn vị lớn của ta tràn vào trung tâm Mường Thanh tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Anh “đã hi sinh anh dũng sáng ngày 7

– 5 – 1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ” [41, tr 136]. Hi sinh của anh đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của mặt trận.

Liệt sĩ Trần Can được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 7 – 5 - 1956 anh được Quốc hội truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng

Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiếc mũ nan của anh có nhiều lỗ thủng do

mảnh đạn địch bắn vào hiện đang được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Phần mộ của Trần Can được đặt ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ bên cạnh các anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w