Cơ cấu tổ chức và các mối quan hệ của làng.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 79 - 80)

Là một làng khoa bảng, Tràng Sơn có hương ước từ khá sớm, “nghe nói có đến mấy chục điều quy định khá khắt khe, chi tiết trong các lĩnh vực đời sống của dân làng, từ các hành vi trong quan hệ giữa các thành viên, lĩnh vực an ninh trật tự cho đến đóng góp xây dựng xóm làng, cúng tế ...” [14, tr 4]; quy định nhiều hình phạt đối với dân làng chủ yếu là phạt tiền, phạt đong lúa và đánh roi. Hiện tại chưa tìm được tài liệu nào có ghi chép cụ thể về hương ước của làng.

Cũng như bao làng quê Việt, người phụ nữ gần như không có vị trí, vai trò gì trong làng. Cư dân được chia 5 hạng (chỉ tính con trai, con gái không được xếp vào 5 hạng này), Chức sắc là những người đậu đạt từ Tú tài trở lên và những người có phẩm hàm được vua ban, Chức dịch là những người giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền làng, Lão từ 60 tuổi trở lên, Đinh

(tráng đinh) từ 18 đến 59 tuổi, Ty ấu dưới 18 tuổi. Trong đó, ba hạng đầu lập

thành bộ phận Quan viên; quan viên gồm 3 nhóm: Hội đồng kỳ mục là bộ phận quan trọng nhất quyết định các công việc lớn của làng, Kỳ lão là các bô

lão có vai trò làm cố vấn cho Hội đồng kỳ mục, Kỳ dịch là bộ máy chính quyền làng do Lý trưởng đứng đầu, dưới là Phó lý và Ngũ hương.

Cũng như các làng khác ở trong vùng, bộ máy chính quyền làng Tràng Sơn trước cách mạng tháng 8 - 1945 do người dân bầu lên; đàn ông từ 18 tuổi trở lên gọi là đinh làng trực tiếp bầu, quan huyện cử người giám sát, có những đợt tri huyện trực tiếp giám sát. Bộ máy gồm có Lý trưởng, Phó lý và Ngũ

hương. Làng có triện đồng tức là con dấu riêng, nhiều lúc phó lý giúp việc lý

trưởng là một vị trong ngũ hương kiêm nhiệm. Ngũ hương của làng ngày xưa gồm:

Hương kiểm phụ trách trị an, tuần phòng. Hương bản phụ trách tài chính, tiền quỹ.

Hương bộ coi về sổ sách quản lý hộ khẩu, sinh tử, giá thú. Hương mục coi việc binh lương thuế khoá, canh nông. Hương dịch coi việc nghi thức tế lễ, hội hè.

Các vị lý trưởng của làng Tràng Sơn trong vài ba thập kỷ trước cách mạng tháng Tám gồm: trước năm 1930 là cố Hoe Lý (không nhớ tên tục) người họ Lê Trọng. Giai đoạn 1930 – 1935 là cố Cửu Khôi tức là ông Nguyễn Trí Hoằng. Từ năm 1935 – 1940 là ông Nguyễn Cao Thiềng và vị lý trưởng cuối cùng từ năm 1940 - 1945 là ông Nguyễn Trình, người họ Nguyễn Hữu.

Cư dân làng Tràng Sơn phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ của luật pháp và quy định riêng của làng “phép vua – lệ làng”. Ngoài ra, trong làng còn ràng buộc chằng chịt các mối quan hệ của xóm giềng, họ hàng nội ngoại. Trong mỗi dòng họ thì Tộc trưởng và Hội đồng gia tộc có vai trò quan trọng và tiếng nói quyết định đối với các thành viên trong họ tộc.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 79 - 80)