Nhà thờ Lê Doãn Nhã có tên thường gọi là Nhà thờ Quan Sơn hay Nhà thờ họ Lê Văn, di tích nằm ở vị trí trung tâm làng Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Theo Gia phả dòng họ và theo lời kể của các cụ già trong làng Tràng Sơn cho thấy, nhà thờ hiện nay nằm trên khuôn viên vườn nhà của cụ Tú tài Lê Văn Đăng, thân sinh của cụ Lê Doãn Nhã. Đây chính là nơi Lê Doãn Nhã
sinh ra lớn lên, học tập văn chương, võ nghệ và thi đậu Phó bảng rồi ra làm quan. Đặc biệt, từ năm 1885, khi ông trở về quê, dựng cờ khởi nghĩa thì ngôi nhà, khu vườn trở thành nơi hội họp, bàn bạc giữa ông và các nghĩa sỹ của phong trào Cần Vương. Những lúc rảnh rỗi, nó là địa điểm để ông cùng bạn luyện tập võ nghệ, đọc sách báo, ngâm thơ, giải trí. Khi ông hy sinh, ngôi nhà trở thành nơi thờ cúng tưởng niệm người anh hùng và là nơi gặp gỡ, móc nối của nghĩa quân còn lại để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc. Sau này con cháu dòng họ Lê sửa sang thành Nhà thờ Lê Doãn Nhã để tưởng nhớ vị lãnh tụ phong trào Cần Vương. Tiếc thay, do chịu sự ảnh hưởng của vùng khí hậu khắc nghiệt, do chiến tranh tàn phá nên một số ngôi nhà, đồ dùng, cây cối không còn nguyên vẹn như xưa, các công trình còn lại trên mảnh đất này có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử. Trong chiến tranh chống Mỹ, Nhà thờ họ Lê Văn ở làng Tràng Sơn đã bị bom phá huỷ, con cháu đã cất giữ được một số hiện vật, đồ tế khí và mang về phối thờ tại Nhà thờ Lê Doãn Nhã. Từ đó đến nay, Nhà thờ Lê Doãn Nhã còn có tên là nhà thờ họ Lê Văn.
Nhà thờ Lê Doãn Nhã thuộc loại hình di tích Lịch sử - Văn hoá. Việc xây dựng Nhà thờ trên mảnh đất gắn liền với thân thế, sự nghiệp của người anh hùng Lê Doãn Nhã. Chúng thật bình dị, đơn giản như cuộc đời và phong cảnh của đồng ruộng, làng mạc, núi đồi của quê hương Yên Thành.
Vườn Nhà thờ rộng khoảng 400m2. Trong vườn được con cháu trồng cây ăn quả như nhãn, táo, ổi, mít… Từ đường vào ngõ đến Nhà thờ được trổ một cửa rộng 2m. Trước mặt tòa Bái đường là một khoảng sân đất rộng 33m2, hai bên thềm đặt tượng hai con chó bằng đá đối diện nhau. Chó được tạo ở tư thế ngồi, hai chân sau duỗi dưới bụng, hai chân trước đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào giữa cửa nhà thờ. Được tạo bằng một khối đá liền, đẽo gọt hơi thô nhưng trông thấy rất gần gũi và khỏe mạnh.
Hiện vật quý nhất trong di tích là tấm bia đá đặt ngoài sân nói về công tích của các vị tiên tổ họ Lê. Bia được dựng năm 1842. So với một số bia đá
trong di tích của huyện Yên Thành thì bia này là một khối bia không lớn lắm, có hình khối đơn giản nhưng lại tương đối đẹp. Thân bia là một tảng đá thanh dày, hơi vuông, phía trên có các gờ lồi lõm khác nhau, được khắc chữ hai mặt. Phía ngoài có đường viền thẳng tạo nên những nét đẹp trang nghiêm. Đầu bia chồm ra ngoài, phía trên uốn cong hình mu rùa để mô phỏng tấm bia có hình dáng như một búp hoa. Trên đầu bia lợp thêm một tảng đá có hình củ hành cách điệu. Nhìn tấm bia đá cổ chúng ta như được chiêm ngưỡng một hiện vật khá đơn giản nhưng rất đẹp và chạnh lòng nhớ tới vị tướng họ Lê, cảm phục các bậc tiền bối họ Lê và truyền thống hiếu học, đỗ đạt, làm quan thanh liêm yêu nước. Nội dung măt trước văn bia được dịch in trong quyển “Văn bia Nghệ An” của tác giả Ninh Viết Giao.
Kết cấu nhà thờ gồm nhà Bái đường và Hậu cung; Nhà Bái đường gồm 3 gian 2 hồi, xây kiểu tường bít đốc, mặt trước có 1 cửa ra vào ở giữa. Hai gian bên được xây tường phía sau, chỉ có gian giữa là để trống không xây tường mà để thông với sân lộ thiên. Gian bên phía tay phải đặt một bàn thờ bằng gỗ không trang trí hoa văn. Trên bàn thờ đặt một bát hương gỗ, 2 cọc nến gỗ, hai lọ hoa bằng thủy tinh và một mâm chè bằng gỗ hình vuông với 4 chiếc chén uống bằng sứ. Bàn thờ ở gian bên trái chỉ là một miếng gỗ bằng đặt trên hai chiếc ghế chân hình chữ A. Bên trên bàn thờ có đặt 1 bát hương giống như bên bàn thờ gian phải, 2 cọc nến, 1 lọ hoa và 1mâm chè gỗ hình vuông. Bát hương có đế hình vuông, hai tay cầm được làm cách điệu hình rồng ôm lấy thân bát hương. Bàn thờ gian giữa được xây vuông thành sắc cạnh bằng gạch và vữa tam hợp. Mặt trước của bàn thờ được trang trí bởi hình vẽ một con hổ với đầy đủ các bộ phận bằng mực tàu. Trên bàn thờ đặt một bát hương bằng đá, 2 ống hương bằng tre, 2 cọc nến, 2 mâm chè và lọ hoa bằng ống tre. Phía trước bàn thờ là một bức cửa võng bằng nỉ vải đỏ.
Đi qua bàn thờ gian giữa là đến một khoảng sân lộ thiên. Hai bên tường sân lộ được xây gờ lợp 3 hàng ngói như những tàu ngựa giả. Tuy nhiên, bên
dưới tàu ngựa giả đó không có hình ngựa mà hình ngựa được trang trí trên tường hai bên thêm nhà Hậu cung. Cũng giống như những Nhà thờ khác, Nhà thờ Lê Doãn Nhã cũng được trang trí hai hình Hộ Pháp - những ông từ bảo vệ đền. Hai hình được vẽ trên hai bên tường phía trước nhà Hậu cung. Nhà Hậu cung chỉ có một cửa vào như nhà Bái đường.
Trong nhà Hậu cung có 3 bàn thờ xây bằng gạch và vữa tam hợp, dáng vuông thành sắc cạnh. Hai bàn thờ ở hai gian trái và phải được làm giống nhau, không vẽ hình trang trí. Gian bên trái đặt một chiếc chuông đồng của ông Lê Doãn Nhã dùng làm hiệu lệnh tập hợp nghĩa quân trong phong trào Cần Vương. Đây được xem như là một trong những hiện vật quý còn lại trong Nhà thờ. Trên bàn thờ gian phải đặt 1 bát hương gỗ, 2 cọc nến gỗ, 2 ống cắm hương được làm từ ống tre và một mâm chè với 5 chiếc chén, 1 bình trà bằng sứ. Phía sau bàn thờ được treo trang trí một bức cửa võng bằng vải đỏ để làm tăng thêm sự tôn nghiêm nơi thờ cúng.
Cũng được xây bằng gạch và vữa tam hợp, tại gian giữa nhà Hậu cung có 2 bàn thờ phía trước và một hương án ở giữa. Bàn thờ phía trước hẹp hơn nhưng cao hơn bàn thờ hai gian bên cạnh và được vẽ trang trí hình đầu rồng với những áng mây cách điệu ở mặt trước. Đầu rồng là một vòng tròn lửa màu đỏ, hai chân dang rộng. Trên bàn thờ này chỉ đặt 1 bát hương sứ, 2 lọ hoa và một đèn dầu. Hương án ở giữa được xây thấp hơn và được bài trí một mâm chè hình vuông với những chiếc chén sứ. Trong cùng là bàn thờ ngài Phó tướng Lê Doãn Nhã. Bàn thờ được xây cao hơn bàn thờ ngoài, bên trên chỉ đặt 1 chiếc ghế thấp tượng trưng cho ngai thờ ngài Lê Doãn Nhã, 2 cọc nến và 1 bát hương. Bức vẽ đẹp nhất trong nhà Hậu cung là bức vẽ trên tường phía sau bàn thờ ở gian giữa. Phía trên cùng, phía gần sát mái nhà là hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt được miêu tả sinh động như một bức tranh thật, bên dưới được trang trí hoa văn hình học. Hai bên là con hạc cưỡi trên mình rùa qua đầu về phía bàn thờ.
Nhà thờ Lê Doãn Nhã đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia từ năm 1993, là di tích duy nhất cho đến nay được xếp hạng của một xã miền núi huyện Yên Thành và là điểm dừng chân cho bao du khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập.