Phong tục tập quán 1 Tục cưới hỏi.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 82 - 87)

3.3.1. Tục cưới hỏi.

Trước cách mạng tháng Tám, tại Tràng Sơn tồn tại phổ biến loại hình hôn nhân truyền thống. Hôn nhân truyền thống chỉ xẩy ra khi đôi trai gái được gia đình đồng ý, đứng ra tổ chức tác thành. Gia đình mang ý nghĩa quyết định, cá nhân của người con trai, hay người con gái chỉ được bố mẹ thông báo khi việc chọn vợ gả chồng đã được quyết định, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.

Thường thì nhà trai để ý đến cô gái nào đó thì tìm người quen biết mai mối (không có ông/bà mối chuyên nghiệp), người này quen biết với cả hai bên. Nhà gái đồng ý thì bên nhà trai hẹn ngày sang chơi chính thức đặt vấn đề hôn nhân cho hai con. Tiếp đến là lễ bỏ trầu (chạm ngõ), lễ vật thường là chục quả cau, một liền trầu trầu và một chai rượu. Đoàn đi có ông/bà mối, bố chàng trai cùng ông bác hoặc ông chú biết ăn nói khéo léo đến thưa chuyện với nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý nhận lễ, các bước tiến triển sẽ trình tự tiếp nối. Nếu nhà gái không nhận lễ vì một lý do nào đó, thì coi như chưa có gì xảy ra.

Lễ bỏ trầu có tính chất đính ước, làm cơ sở đi lại giữa hai gia đình chứ không mang tính ràng buộc pháp lý. Sự thay đổi “đối tượng” lựa chọn của nhà trai hay nhà gái, cũng như việc “trả lễ” có thể diễn ra, không bị áp lực của dư luận xã hội.

Lễ đi hỏi mang tính chất thông báo công khai cho làng xóm biết quan hệ thông gia giữa hai nhà, cô gái chàng trai từ nay đã có nơi chốn. Lễ tục cũng như dư luận không cho phép các chàng trai được tán tỉnh cô gái khi đã nhận lễ ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi nếu nhà gái hoặc nhà trai phát hiện ra vấn đề mà theo họ là không kết duyên được thì có thể trả lễ.

Gia đình nhà trai chọn ngày giờ tốt để đến nhà gái thực hiện lễ hỏi, đoàn khách đi hỏi thường có sáu đến tám người gồm chú rể, bố (mẹ), trưởng tộc hoặc bác tộc, cậu, dì, o, dượng. Lễ vật ăn hỏi thường có: Hai trăm bánh gai hoặc bánh mật, vài chục phong bánh khảo. Một buồng cau để nguyên cả hoa, và để số quả chẵn. Trầu cau thường phải nhiều để nhà gái biếu bà con trong xóm làng. Trầu cau phải tươi tốt, quả cau phải to và tròn đều. Trầu thường được xếp thành sáu xếp, mỗi xếp bốn lá. Xếp theo số sáu tượng trưng cho tục lễ, còn mỗi tệp bốn lá biểu tượng cho “Phúc - Lộc – Thọ - Toàn”. Tráp hỏi có thêm hai chai rượu, ba đến năm quan tiền đồng hay kẽm tùy theo từng hoàn cảnh gia đình. Với ý nghĩa cầu mong tổ tiên phù hộ đôi trai gái nên duyên, lễ vật cáo gia tiên cả hai nhà đều phải lo chu đáo.

Ngày trước ăn hỏi là lễ quan trọng vừa đạt nền tảng cho hai gia đình đi lại nhưng cũng là dịp công khai để chú rể và họ nhà trai xem mặt cô dâu. Khi bên nhà gái nhận lời, nhận lễ, đồng thời cho cô dâu tương lai ra chào nhà ngoại chào hai họ. Sự đáp lễ của cô dâu tương lai thực sự là để mọi người xem mặt. Có những đám chú rể chưa từng biết mặt cô dâu, đây là dịp để thấy mặt vợ. Sau lễ ăn hỏi chàng trai cô gái có thể trò chuyện với nhau. Chú rể tương lai “được qua lại”, giúp đỡ nhà gái khi “có công buổi giỗ chạp”, hoặc thu hoạch mùa màng.

Ngày nay hầu hết con trai con gái trong làng được tự do tìm hiểu về nhau, sau đó về báo cáo với gia đình để làm lễ ăn hỏi, lễ cưới.

Sau thời gian từ 1 đến 3 năm, nhà trai đến nhà gái xin cưới, khi nhà gái đồng ý thì tiến hành các thủ tục tổ chức lễ cưới.

Theo quy định của làng, cứ mỗi đôi trai gái lấy nhau phải nộp một khoản tiền nhất định cho làng gọi là tiền cheo. Số tiền cheo làng thu được đều nhằm phục vụ cho lợi ích công cộng cho làng. Số tiền này đều sử dụng để xây dựng cầu cống, tu sửa cổng làng, chùa đền, đường sá đi lại. Trước khi tiến hành lễ cưới, nhà trai phải mang cơi trầu, be rượu và một số tiền đến Hương bộ nộp cheo cho làng. Tiền cheo được quy định với nhiều mức khác nhau, nếu trai gái cùng ở một làng tiền cheo sẽ ít hơn so với những người khác làng lấy nhau.

Cheo là số tiền công ích được Hương bộ của làng ghi vào sổ làng rồi cấp “Phiếu lai” được xem như giấy giá thú. Hoàn thành thủ tục nạp cheo đôi trai gái được cộng đồng làng, xã hội ghi nhận trai nên vợ gái nên chồng.

Lễ nạp tài (còn gọi là dẫn lễ), khi nhà gái nhận lễ nạp tài thì tiến hành mời làng ăn cưới để rồi sau đó được rước dâu. Nhà trai chuẩn bị lễ vật đầy đủ theo yêu cầu của nhà gái. Trước khi đi nhà trai làm lễ báo cáo gia tiên sau đó sang nhà gái. Chọn 5 thanh niên chưa vợ, bưng khay có phủ khăn đỏ thêu chữ “song hỷ” đựng cau trầu, thứ đến là đồ hoa nữ, bánh chưng, lợn nhốt trong cũi (ngày nay người ta thường dùng lợn quay)

Khi mô bánh gánh đến nhà,

Lợn kêu đầu ngõ, mới là vợ anh”

Câu ca phản ảnh sinh động về lễ nạp tài ngày xưa. Khi nhà trai mang lễ vật đến nhà gái ra đón và kiểm tra các lễ vật dẫn cưới có đúng như quy ước không? Những lễ vật còn thiếu vì lý do gì phải được kê biên ghi chép đầy đủ, hẹn thời gian mang sang. Khi nhà gái chấp thuận, lễ được mang vào nhà đặt lên bàn thờ báo cáo gia tiên, xin xuất giá đi lấy chồng. Ngày trước

một số gia đình khi nhà trai chưa nộp đủ lễ, nhà gái cho cưới nhưng khi cưới xong cô gái phải về nhà cha mẹ, khi nhà trai nạp đủ lễ mới được đón dâu về.

Sau khi nhận đồ sính lễ, nhà gái tổ chức cỗ cưới mời họ hàng, anh em, bạn bè đến ăn mừng, các vị đại diện họ nhà trai được mời sang họ nhà gái ăn mừng. Trước đây lễ ăn cưới nhà gái mấy tháng sau mới làm lễ rước dâu về nhà trai. Dân làng có câu truyền tụng “Tháng năm ăn cưới, tháng mười đón

dâu” phản ảnh điều đó.

Lễ đón dâu, nhà trai chủ động chọn ngày giờ đón dâu, sau đó thông báo cho nhà gái biết chuẩn bị mời khách. Dẫn đầu đoàn rước dâu là một vị cao niên tính tình khoan hòa, dung nhan quắc thước, vợ chồng song toàn, con cháu sung túc. Cụ cao niên còn là biểu tượng chắp mối tơ duyên cho đôi trai gái. Tiếp sau là người đại diện họ nhà trai mang theo lễ vật, cau trầu, rượu, bánh mứt, bánh khảo. Những gia đình khả giả còn chọn hai đứa bé khôi ngô, mặc áo dấu gọn gàng, ôm lễ “điện nhạn” là hai con ngỗng phủ vải đỏ đến nhà cô dâu.

Đoàn rước dâu được nhà gái đón tiếp chu đáo. Sau khi nhà trai đặt lời xin dâu, đặt lễ lên bàn thờ, thắp hương cáo với tổ tiên xin được rước dâu về. Sau đó cô dâu, chú rể trong bộ lễ phục ngày cưới cầm hương lạy trước bàn thờ bốn lạy, rồi vái tiếp ba vái, sau đó cầm đĩa trầu cau đi mời quan khách hai họ. Nhà gái sau khi nhận lễ xin dâu, cơi trầu chào đáp lễ đối với nhà trai là không thể thiếu. Sau lễ cúng gia tiên tại nhà gái, hai vợ chồng lạy mừng tuổi bố mẹ. Lúc này ông bà, cha mẹ anh, chị em thường có quà cưới cho cô dâu, chú rể.

Lễ rước dâu, đến giờ tốt, nhà gái chọn một số người đưa cô dâu về nhà chồng. Đi đầu đoàn là một người đứng tuổi, có phước hạnh, con cháu đầy nhà. Đi trước cô dâu là phù dâu. Khi cô dâu ra khỏi nhà tuyệt đối không được quay đầu lại. Theo dân làng, kiêng cự này có nghĩa là để cô gái không quyến luyến gia đình mình khi đi lấy chồng, bỏ trốn về nhà cha mẹ đẻ mỗi

khi nhà có chuyện; mặt khác người con gái ra đi lấy chồng có nghĩa vụ nơi họ khác, nhà khác. Mẹ cô dâu không được đi cùng cô dâu, ông bà nội hoặc bố cô dâu có thể đi được.

Nếu trên đường đưa dâu về không may gặp đám tang hoặc đám cưới. Trường hợp gặp đám cưới đi ngược chiều, hai cô dâu phải đổi nón cho nhau để tránh rủi ro trong hạnh phúc của họ; trường hợp đoàn rước dâu gặp đám tang thì bỏ vào linh xa đám tang một đồng tiền để được may mắn.

Khi cô dâu về đến ngõ một người phụ nữ đứng tuổi đứng đợi để cất nón cho cô dâu, sau đó dẫn dâu vào buồng cưới. Khi con dâu đến ngõ mẹ chồng không ra đón mà cầm một bình vôi chạy sang nhà hàng xóm để tránh mặt. Bà phải ngồi đợi con dâu thắp hương cúng gia tiên xong mới mang bình vôi trở về nhà. Chi tiết này theo các cụ trong làng giải thích là bình vôi là biểu tượng của quyền lực nội trị trong gia đình. Khi rước dâu về, bà mẹ chồng cầm bình vôi đi tránh mặt để khẳng định với mọi người trong nhà, quyền lực vãn thuộc về mình. Con dâu nhập gia về nhà chồng, thần bình vôi đang trong tay bà mẹ, không biết có chủ mới nên vẫn tiếp tục ủng hộ quyền lực cho chủ cũ như lâu nay.

Cô dâu trước khi bước vào nhà chồng, bên nhà trai thường chuẩn bị sẵn một nồi đồng đựng đầy nước. Bên cạnh nồi nước có cọc gáo, trên cọc buộc 36 đồng tiền và treo sẵn chiếc gáo dừa. Cô dâu rửa sạch chân để không còn vương vấn bụi đường, sau đó xông qua chậu than đốt vía không may hoặc xua đuổi ma tà bám theo rồi mới được vào buồng cưới. Buồng cưới cô dâu chủ rể người ta kiêng người có tang vào. Người trải chiếu giường cô dâu chú rể nhất thiết cả ông bà còn song toàn, sinh hạ đầy đủ con trai con gái, kinh tế no đủ. Có gia đình mẹ chồng trực tiếp trải chiếu, còn bố chồng không được làm việc đó. Chiếu giường cướí gồm một chiếc sấp chiếc ngửa, chiếu được trải ngay ngắn không so le, xộc xệch, gối kê phải gối đôi. Lễ cưới thường diễn ra buổi trưa.

Sau lễ cưới, buổi chiều còn có lễ tiếp hậu, tức là nhà trai dọn mấy cỗ mời nhà gái mà thành phần chủ yếu là mẹ cô dâu, các bà dì, các bà o, các bác, các mự …hầu hết là phụ nữ khoảng 5 - 8 người. Đây là dịp để các bà biết nhà chàng rể để khi sinh nở họ đến khỏi phải hỏi nhà sẽ bị người ta chê cười.

Lễ lại mặt, lễ này diễn ra sau đám cưới hai ngày. Nhà trai chuẩn bị một cái thủ lợn ngậm đuôi, chai rượu, đĩa cau trầu, hai vợ chồng về nhà bố mẹ cô dâu. Ngày xưa lễ này rất được quan tâm nếu thủ lợn về lại mặt bị xẻo mất tai, hàm ý cô gái không còn trinh tiết và nhà trai ngầm báo cho nhà gái nên trả lại một phần tiền bạc đã thách cưới, cô dâu bị đánh giá là thiếu đoan trang.

Lễ lại mặt được xem như cuộc liên hoan giữa hai gia đình thông gia, kiểm điểm lại các tục lễ cưới hỏi. Qua trao đổi nếu phát hiện thấy sơ suất hai gia đình thông cảm cho nhau, có lời xin lỗi các thành viên trong gia đình hai họ.

Sau lễ lại mặt trong thời gian một trăm ngày cô dâu chú rể không được để trống giường cưới. Nếu muốn về chơi bên nhà mẹ đẻ, phải xin phép bố mẹ chồng, được sự đồng ý hai vợ chồng mới cùng đi.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 82 - 87)