Đời sống kinh tế 1 Trồng trọt.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 59 - 62)

2.2.1. Trồng trọt.

Trồng trọt là nghề chính của cư dân Tràng Sơn từ xưa cho đến tận bây giờ, một năm làm hai vụ chính là vụ tháng năm (vụ chiêm) và vụ tháng mười (vụ mùa). Giống lúa (tiếng địa phương gọi là ló) truyền thống được cư dân ở đây dùng để sản xuất gồm hai nhóm chính, nhóm lúa tẻ gồm lúa dâu, lúa ri, lúa ba tháng, lúa bao thai. Nhóm lúa nếp gồm: nếp rồng, nếp chão. Những giống lúa này chất lượng gạo ngon nhưng năng suất thấp, trước đây mỗi sào chỉ được khoảng 90 – 100 kg/vụ; từ cuối thế kỷ XX, cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật giống lúa lâu đời được thay thế bằng những loại giống lúa mới có năng suất cao. Dân làng Tràng Sơn có truyền thống cần cù chịu khó nên làm ruộng giỏi hơn dân hai làng khác cùng xã; từ xưa người ta đã từng

nói rằng: Trên những cánh đồng giáp giới thì bên nào lúa tốt hơn là đồng Tràng Sơn, còn bên nào lúa kém hơn là đồng Yên Duệ hoặc Lương Hội.

Đồng đất Tràng Sơn nằm trên vùng đất cao, độ dốc lớn nên thiếu nguồn nước, chỉ một số ruộng lấy nước từ Khe Cấy, Khe Nốc; còn Khe Cát có lưu lượng nước khá nhiều chảy từ một vùng đồi núi rộng lớn nhưng chảy trên một nền cát dày đến 3 – 4 m nên không thể đắp đập giữ nước được. Vì vậy đa số ruộng lúa phải chờ “nước trời”. Từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước, vùng đồng thấp như Bàu Vải, Chùa Trướng, Cửa Làng, Đuôi Leo dùng nước nông giang nên chủ động hơn. Sau 1975, nhiều đập nước, trạm bơm được xây dựng, nhờ vậy nạn thiếu nước đã chấm dứt.

Ruộng lúa ở Tràng Sơn xưa chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 2/3 diện tích canh tác là chân đất cao ráo chuyên trồng các loại hoa màu. Các loại cây được trồng nhiều nhất là khoai lang, sắn, khoai chuối, khoai lặn, khoai vạc, khoai từ, lạc, đậu rằn, đậu đen, đậu tằm (đậu xanh), vừng, cà ... các loại cây này được trồng nhiều để sử dụng và còn để bán. Cây ăn quả chỉ trồng trong vườn nhà thường có cam, chanh, quýt, na, nhãn, mít, dứa, ổi, chay (ăn quả và vỏ rễ ăn trầu), chuối ... hàng chục loại, mỗi thứ vài ba cây, chỉ để ăn, rất ít khi bán; riêng chuối nhà nào cũng trồng khá nhiều, quả để cúng, ăn, bán, thân làm rau cho lợn ăn, lá dùng gói bánh chưng, gốc chuối già dùng làm nham để ăn, thân chuối non, quả chuối xanh nấu với lươn, nhà có người chết chặt cây chuối bỏ vào nhà để chống hơi lạnh. Rau cũng chỉ trồng trong vườn để ăn như rau dền, rau muống, mùng tơi, rau sam, rau cải ... Hai loại cây không thể thiếu của các gia đình là trù (trầu) và cau, để phục vụ cho việc cúng tế, cưới hỏi, tang ma và để ăn hàng ngày. Trên đồi khô, dân làng phải trồng cây núc nác để dây trầu bám vào cho tươi tốt.

Dụng cụ canh tác của dân làng rất thô sơ; chỉ có cày chìa vôi, cuốc, vét, mai, bừa xốc, bừa đạp, liềm, hái; sức kéo chính là trâu, bò.

Dân làng Tràng Sơn không xem chăn nuôi là nghề chính, nhà nào cũng có nhiều loại vật nuôi nhưng không có loại nào nhiều. Có nhiều bãi cỏ rộng vùng ven chân núi nên nhà nào cũng nuôi trâu (tiếng địa phương là tru), bò; thường thì mỗi nhà có từ 1 đến 2 con, những nhà khá giả nuôi 4 – 5 con, địa chủ thì nuôi khoảng 9 – 10 con, khi có me, nghé lớn lên thì bán. Nhà nghèo không có tiền mua trâu thì “nuôi rẽ” của địa chủ; nhận trâu của địa chủ về nuôi, khi trâu sinh được 2 con nghé thì chia nhau mỗi bên 1 con. Dân Tràng Sơn chủ yếu nuôi trâu vì trâu cày và kéo gỗ khỏe, dân gian có câu “ươn tru còn hơn bạo bò”, đất Tràng Sơn thường khô cứng cần trâu khỏe để cày nên số nhà nuôi bò rất ít. Xa xưa rừng Tràng Sơn rất nhiều khái (hổ), nên trâu bò phải có người chăn, không thả rông trong rừng rú được. Đến khoảng đầu thế kỷ XX, khi rừng chỉ còn là rú trọc, người ta mới dám thả trâu bò đi ăn tự do trong núi, chiều tối vô lùa về.

Sau trâu bò, vật nuôi nhiều thứ 2 mà nhà nào cũng có là chó, nhà ít có vài ba con, địa chủ thường nuôi trên chục con. Người ta nuôi chó để giữ nhà, chó đi săn và những con không được chọn nuôi giữ nhà, không biết săn thì để làm thịt và đem bán. Dân Tràng Sơn đa phần biết coi tướng chọn chó; chó giữ nhà cần tỉnh ngủ, không sủa linh tinh, chỉ khi có người lạ xâm nhập thì sủa dữ, không cắn gà vịt, không ăn vụng..., chó săn cần nhanh, khỏe, dẻo dai, đặc biệt thính mũi và nghe lời chủ ...

Lợn cũng được nuôi khá nhiều, nhà nghèo nuôi một con, nhà giàu nuôi nhiều. Thức ăn cho lợn là rau khoai, thân chuối, các loại rau dại, cám gạo, khoai, sắn... Phân lợn cùng phân trâu bò là nguồn phân bón chính rất cần thiết cho đồng ruộng.

Gà, vịt, ngan, gần như nhà nào cũng có, nhưng nhiều nhất cũng chỉ vài chục con, nuôi để ăn thịt, lấy trứng, bán. Chủ yếu là nuôi để tự túc thực

phẩm. Một số ít nhà có nuôi ngỗng để làm thịt và cảnh báo có trộm ban đêm. Dê cũng được một số gia đình nuôi nhưng không nhiều.

Dân Tràng Sơn vì ở trên vùng đất cao thiếu nước nên thời xưa không có ai đào ao nuôi cá. Cả làng chỉ có một dãy ao phía nam làng, nghe nói ngày xưa đào để lấy nước phòng chữa cháy (gọi là ao lối, sau này gọi là ao Cố Ban), sang thời hợp tác xã có nuôi cá để tết đến bắt cá chia cho dân làng; sau này những gia đình ở rìa làng có ao nuôi cá nhưng không đáng kể.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w