Đóng góp của cư dân Tràng Sơn qua các thời kì lịch sử 1 Tràng Sơn trước năm 1945.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 31 - 37)

1.3.1. Tràng Sơn trước năm 1945.

Từ xưa Tràng Sơn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước. Cùng với những thăng trầm của lịch sử đất nước; người dân nơi đây đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống lao động sản xuất, cần cù, chịu thương chịu khó khai khẩn đất đai, phát triển kinh tế, can đảm trong đấu tranh chinh phục tự nhiên; anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm góp phần bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước. Tràng Sơn còn là vùng quê nghèo sớm hình thành truyền thống hiếu học. Trên vùng đất cát pha bạc màu “bán sơn địa”, thường được gọi là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, trong cuộc sống lam lũ lăn lộn với tự nhiên đầy khó khăn để sinh tồn; cư dân Tràng Sơn đã khai phá ra một

vùng đất tương đối rộng lớn ở phía nam huyện Yên Thành, góp phần cung cấp sức người sức của cho đất nước qua các triều đại phong kiến.

Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cư dân một làng quê nghèo, những tấm gương hiếu học, vượt khó đã xuất hiện, vươn tầm khỏi lũy tre làng, chung sức đóng góp cho triều đình, quê hương, đất nước. Các tài liệu chính sử và gia phả của dòng họ chép rõ về thân thế, công danh của các nhân vật lịch sử và thông qua đó ghi nhận đóng góp của họ cho quê hương đất nước qua các triều đại phong kiến. Trong đó tiêu biểu nhất là các nhân vật lịch sử của họ Lê Văn.

Lê Kính (1587 – 1659) thuộc đời thứ 6 của họ Lê Văn, sinh ra và lớn

lên trong một gia cảnh hết sức khó khăn “cha mất sớm, nhà nghèo, mẹ ở hóa nuôi con nên phải gửi thân ở nhờ nhà ông Nguyễn công trong ấp” [14, tr 9]. Ông chủ có nuôi thầy dạy học trong nhà, những lúc nhàn rỗi ông Kính thường lắng nghe thầy giảng bài; thầy giáo biết vậy, thương và mến ông nên đề nghị ông chủ cho theo học. Ông Kính chăm học, học giỏi, được ông chủ họ Nguyễn gả con gái cho. Năm 24 tuổi ông thi đỗ Hương cống, năm “42 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ, khoa Mậu Thìn - Vĩnh Tộ 10 (1628), đời Lê Thần Tông” [53, tr 201]. Trong bối cảnh đất nước rối ren, không “xuất thế” trốn tránh thời cuộc như một số nhà nho khác, Lê Kính (cũng như các con cháu của ông) đã hăng hái “nhập thế” ra làm quan với mong ước được đem tài sức đóng góp cho triều đình, quê hương, đất nước. Với tài năng và đức độ của mình, ông được thăng đến chức Thượng thư Bộ Công, “tước Thạc Trung hầu. Khi mất được tặng tước Thái bảo Thạc Quận công” [53, tr 201]. Lê Kính được coi là ông tổ khai khoa của xã Quan Trung.

Lê Hiệu (1617 – 1680), con của Lê Kính, là người thông minh, học

giỏi. “Năm 27 tuổi, khoa Quý Vị, niên hiệu Phúc Thái năm thứ nhất (1643) đời Thần tôn Hoàng đế, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng Giáp)” [14, tr

13]. Làm quan Hàn lâm viện hiệu lý, sau thăng Lễ khoa Hữu thị lang. Năm 1663 ông được vua Lê Huyền Tông giao làm Chánh sứ dẫn đầu phái bộ đi sứ sang nhà Thanh [49, tr 296]. Năm 1669 nhà vua phong “Lê Hiệu làm Thượng thư bộ Hình. ... được gia phong chức Tham tụng” [49, tr 322]. Trong con đường hoạn lộ ông đã có thời gian làm Thượng thư bộ Lễ, tước Hầu (Phương quế Hầu), đã trải nhiều chức vụ khác nhau, từng bị bãi chức rồi lại được phục chức. Ông mất khi đương làm quan. Con trai của ông là Lê Mai theo nghiệp võ, đỗ Giải nguyên, làm Tổng binh sứ, tước Hầu.

Cuối thế kỷ XVIII, 29 vạn quân Thanh tràn vào dày xéo đất nước ta; trên đường hành quân ra Bắc, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã dừng chân tại Nghệ An để tuyển thêm quân (cứ 3 suất đinh lấy 1 suất lính); từ Nam Đàn, Hưng Nguyên, đại quân Quang Trung tràn qua Nghi Lộc ra Yên Thành (tất yếu đi qua con đường thượng cạnh làng Tràng Sơn), những tráng đinh Tràng Sơn cũng như các làng khác trong vùng đã sung vào đoàn quân Tây Sơn đi đánh giặc lập công, đáng tiếc trong gia phả của các dòng họ không chép về điều này (Gia phả họ Trần Quốc ở làng Yên Duệ đã chép về một người con của họ là Trần Hữu Hác đi lính thời Quang Trung được thăng chức Tiền ưu binh Phấn lực tướng quân); nhân dân các làng cũng đem lương thực, thóc gạo ủng hộ quân đội.

Năm 1885, sau thất bại của cuộc phản công ở kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi thảo Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa chống Pháp. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, một người con ưu tú của Tràng Sơn lúc bấy giờ là Lê Doãn Nhã đã dấy binh khởi nghĩa.

Lê Doãn Nhã (1837 – 1888), là hậu duệ của họ Lê Văn, sinh ra và lớn

lên tại làng Tràng Sơn, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, là con của cụ Tú tài Lê Văn Đăng, thuở nhỏ Lê Doãn Nhã nổi tiếng học giỏi. Năm “31 tuổi đậu Cử nhân (1867), 37 tuổi đậu Phó bảng khoa Tân Mùi – Tự Đức

24 (1871)” [53, tr 200]. Sau khi đậu Phó bảng, Lê Doãn Nhã được triều đình nhà Nguyễn bổ dụng chức Tri phủ Hải Dương. Trong thời gian làm Tri phủ, ngoài sự liêm khiết tận tụy với công việc, Lê Doãn Nhã còn nổi tiếng là người biết thương dân. Ngoài giờ làm việc ở huyện đường, ông đã nhiều lần đi xuống các làng xã để tìm hiểu tình hình, thăm hỏi, bỏ tiền cứu giúp những gia đình có người già cả và gặp nhiều khó khăn. Những năm mất mùa đói kém, ông cho quân lính bớt gạo giúp dân cứu đói, thảo tấu về triều đình giảm bớt sưu thuế cho dân. Những việc làm của vị quan phụ mẫu xứ Nghệ đã được nhân dân Hải Dương hết lòng kính trọng và ca ngợi. Đặc biệt, ông căm ghét bọn hào lý, quan lại trong làng xã hay ức hiếp, bóc lột nhân dân, nên đã nhiều lần ông dâng sớ về triều đình xin trị tội bọn tham nhũng. Ông được nhân dân địa phương vô cùng kính trọng và coi như người thân trong gia đình. Khi triều đình chuyển ông vào Huế, nhân dân khắp vùng Hải Dương luyến tiếc và muốn lưu giữ ông lại nhưng không được chấp nhận.

Trở về kinh đô làm việc, Lê Doãn Nhã tưởng sẽ đem được tài hoa của mình phụng sự nhà vua và nhân dân nhưng ông đã vô cùng thất vọng vì sự rối ren của triều Nguyễn. Nhân dân đói khổ vì sưu cao, thuế nặng, phu đài, tạp dịch liên miên, vì thế mà dân tình oán hận triều đình. Xuất phát từ tình thương đối với người dân lao động, nghèo khổ, Lê Doãn Nhã lại dâng sớ tố cáo bọn tham quan với nhà vua. Vốn là một vị quan có tài, liêm khiết, nên ông được triều đình nể trọng, nhân dân quý mến.

Lúc bấy giờ ở Nghệ An, do mất mùa sưu cao, thuế nặng nên đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, khắp nơi trộm cướp nổi lên hoành hành, nhân dân phản kháng ở nhiều nơi nên triều đình đã cử Lê Doãn Nhã về Nghệ An làm phó tướng, giúp Chánh sơn phòng sứ là Nguyễn Tài Tuyến ổn định vùng biên cương miền Tây xứ Nghệ. Sau một thời gian ông được phong chức Chánh sứ sơn phòng Nghệ An.

Tháng 7 – 1885, khi Chiếu Cần Vương ban ra, Lê Doãn Nhã đã “xây dựng Đồn Vàng (Anh Sơn) thành căn cứ khởi nghĩa chống Pháp” [52, tr 294], tích trữ lương thực, đào hào đắp luỹ, mua sắm vũ khí, tập hợp quân lính, ngày đêm tập võ nghệ, chờ ngày khởi nghĩa. Nhiều bà con vùng dân tộc như Lang Văn Út, Lang Văn Thổ, các thanh niên như Lang Văn Xa, Lang Văn Thông... đã tự nguyện gia nhập nghĩa quân; họ còn mang đến những con mác, con dao, những thanh sắt để làm vũ khí, có những gia đình còn mang đến cả bộ chiêng đồng, thứ nhạc cụ quý giá nhất của gia đình để nghĩa quân làm hiệu lệnh. Mặc dầu đời sống của họ còn khó khăn thiếu thốn nhưng nhiều gia đình đã đem thóc, gạo, sắn, ngô, voi, ngựa và cả người quản voi của mình dành cho nghĩa quân để làm phương tiện đánh giặc. Trong thành phần nghĩa quân còn có đông đảo người dân từ các dòng họ ở làng Tràng Sơn, trong đó đông nhất là người họ Lê Văn.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Lê Doãn Nhã quyết định tấn công tiêu diệt đồn Dừa. Chiến thắng vang dội ở đồn Dừa đã làm nức lòng quân và dân ta. Sau chiến thắng này, Lê Doãn Nhã quyết định đưa quân về hợp lực với Nguyễn Xuân Ôn ở vùng đồng bằng để tăng thêm sức mạnh đánh Pháp.

Lê Doãn Nhã là Phó tướng, được giao đảm nhận trọng trách tuyến đường số 7 từ Diễn Châu - Yên Thành - Đô Lương - Anh Sơn - Con Cuông - sang nước Lào. Lê Doãn Nhã đã chỉ huy nghĩa quân tổ chức nhiều trận đánh mưu trí, dũng cảm; tiêu biểu như trận “phục kích đường 7 nhằm tấn công quân của Pờlanhôm” [42, tr 634, 635] tiêu diệt nhiều sinh lực địch; nhiều lần vây hãm, uy hiếp phủ thành Diễn Châu; đánh quân địch tại khu vực nhà thờ Bảo Nham; trận đánh Tràng Thành ... làm cho quân địch khiếp sợ. Khi chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn bị thương, Lê Doãn Nhã vẫn tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu. Vì tương quan lực lượng chênh lệch, Lê Doãn Nhã đưa một bộ phận nghĩa quân rút lên vùng Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương dựa vào rừng núi tiếp tục chiến đấu và hi sinh trong rừng sâu, không rõ năm mất

và nơi mất, theo P. GS Ninh Viết Giao thì “ông bị tử thương trong rừng sâu ... vào đầu năm 1888” [27, tr 270]. Cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã lãnh đạo tuy thất bại nhưng để lại ý nghĩa lịch sử sâu sắc; là khúc tráng ca bi hùng tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc và cũng là tiền đề cho các phong trào yêu nước tiếp nối sau này.

Sau thất bại của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn – Lê Doãn Nhã; quân Pháp đã kéo về trả thù, đốt phá tan hoang làng Tràng Sơn, tất cả các nhà thờ họ trong làng, đình làng và nhiều nhà dân bị đốt cháy, dòng họ Lê Văn ly tán nhiều nơi để trốn tránh.

Để ghi nhớ công lao của Lê Doãn Nhã, sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã dựng nhà thờ trên nền nhà cũ để thờ ông (thường gọi là nhà thờ Quan Sơn). Nơi đây đã từng tiếp đón cụ Nguyễn Sinh Sắc và con trai là Nguyễn Sinh Khiêm đến “thăm con cháu Lê Doãn Nhã, một lãnh tụ chống Pháp” [50, tr 24]. Ở huyện Yên Thành, ngôi trường Trung học cơ sở xã Sơn Thành quê ông và một ngôi trường Trung học phổ thông ở khối 1, thị trấn Yên Thành được vinh dự mang tên nhà yêu nước Lê Doãn Nhã; tên ông còn được dùng để đặt tên cho một con đường ở phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã nhanh chóng lãnh đạo phong trào đấu tranh 1930 – 1931 của nhân dân ta, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh; mặc dù phong trào đấu tranh ở Yên Thành tương đối mạnh mẽ nhưng làng Tràng Sơn (cũng như các làng khác trong vùng) bị kìm kẹp bởi đồn binh Thịnh Đức của Pháp đóng gần làng nên không có hoạt động gì đáng kể. Tháng 5 – 1932 có một sự kiện nổi bật đáng chú ý là việc “ông Nguyễn Hữu Trâm và ông Trần Như ... treo cờ đỏ búa liềm lên cây gạo trước cửa đình làng” [40, tr 46]; sau sự kiện này bọn Pháp điều một tiểu đội lính khố xanh về đóng ngay tại điếm canh xóm Giếng của làng, kiểm tra chặt chẽ

mọi hoạt động của dân làng. Phong trào cách mạng của làng vừa bắt đầu hình thành lại lắng xuống.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng tràng sơn (xã sơn thành, huyện yên thành, tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w