2.1.1. Đình làng Tràng Sơn.
Đình làng Tràng Sơn nằm ở rìa phía Tây – Bắc của làng, gần cổng xóm Giếng (cổng chính của làng), quay về hướng Tây, nhìn ra con đường thượng trước làng. Đình được xây dựng từ năm nào không ai nhớ rõ, chỉ nghe các cụ già truyền lại: sau đợt li tán do dịch bệnh và nạn hổ rừng cuối thời Lê, đầu thời Tây Sơn; vào khoảng đầu thời nhà Nguyễn sau khi dân quy tụ về làng cũ, ổn định cuộc sống thì dựng đình. Đình thờ Thành hoàng Hoàng giáp Lê tướng công Phương quốc hầu Lê Hiệu. Kiến trúc đình cũng không ai biết, chỉ nghe nói là to cao, bề thế tương đương như đình các làng khác trong vùng. Khoảng đầu năm 1888, khi khởi nghĩa của Lê Doãn Nhã thất bại, quân Pháp và tay sai kéo về làng trả thù, đình làng cùng các nhà thờ họ và nhiều nhà dân bị đốt cháy thành tro.
Khoảng năm 1920 dân làng dựng lại đình trên nền và hướng cũ. Đình được xây trên khuôn viên rộng khoảng 1 mẫu đất, có Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, sân lát gạch, cổng xây hai cột quyết vút cao, trước đình có cây gạo cổ thụ hai người ôm không xuể. Thượng điện có năm gian, toàn bộ bằng gỗ lim, trong đặt bàn thờ, có long ngai, bài vị các vị Thành hoàng làng với nhiều đồ tế khí thâm nghiêm. Trung điện chỉ có một gian nhưng kích thước lớn, có thêm một tầng lầu cao, giữa Trung điện đặt một bàn thờ có một lư hương loại lớn. Hai bên Trung điện là nhà Tả vu, Hữu vu; là nơi đặt bàn thờ các bộ hạ của các thần. Hạ điện là ngôi nhà lớn nhất có năm gian (lớn hơn Thượng điện). Trên nóc đình đắp nổi hình Lưỡng long chầu nguyệt (hình hai con rồng chầu mặt trăng) bằng vôi vữa ghép mảnh sành sứ. Ở góc bốn mái thiết kế cong kiểu “đầu đao”. Phía trong đình là một hệ thống cột khá to bằng gỗ lim gồm 16 chiếc. Trong đó những cột lớn cao đến khoảng hơn 4 m, có đường kính gần nửa mét được đặt trên các tảng đá lèn hình
vuông. Toàn bộ văng, xà, hoành, kèo đều bằng gỗ lim được chạm trỗ hoa văn cổ kính, công phu; trên mái lợp bằng ngói âm dương.
Năm 1948, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không để cho giặc Pháp sử dụng các công trình lớn trong trường hợp bị đánh chiếm, đình đã bị phá dỡ cùng với một số công trình khác của làng. Trong lịch sử tồn tại, đình làng là công trình kiến trúc của nhân dân, là nơi tổ chức lễ hội hàng năm, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư; hình ảnh đình làng vẫn còn in đậm trong tâm trí những cụ già ở Tràng Sơn.