Nghĩa vụ sống chung của vợ chồng được quy định tại khoản 2 điều 19 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau:
“2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Đây là quy định mới của Luật HN&GĐ năm 2014 và có ý nghĩa đối với người phụ nữ lànhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa. Theo đó, vợ chồng phải có nghĩa vụ sống chung với nhau để vun đắp tình cảm, tạo thành một gia đình, lo lắng, quan tâm lẫn nhau. Quy định này hạn chế được trường hợp vợ chồng có những lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” dẫn tới việc vợ chồng có thể sống riêng bất cứ khi nào, bởi luật pháp không quy định vợ chồng bắt buộc phải sống chung, đồng thời quy định nghĩa vụ sống chung tránh
trường hợp hôn nhân giả tạo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của vợ, chồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia hoạt động chính trị….thì nghĩa vụ sống chung không bắt buộc phải thực hiện. Theo quan điểm của tôi thì quy định mới vẫn có những vấn đề nổi cộm cần được xem xét kĩ. Thực tế cho thấy, những quy định ngoại lệ về nghĩa vụ sống chung của vợ chồng dễ dàng tạo điều kiện cho người chồng trốn trách trách nhiệm chăm sóc, chung thủy đối với người vợ. Vì vậy, để đảm bảo và nâng cao quyền của người phụ nữ nhìn nhận dưới góc độ bảo vệ người phụ nữ trên cơ sở của những yếu tố đặc thù về giới thì cần có cơ chế đồng bộ về biện pháp cụ thể.
Như vậy, thông qua các quy định của pháp luật về quyền của người phụ nữ trong mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng bao gồm quyền được thương yêu, chăm sóc và quý trọng của người phụ nữ, nghĩa vụ sống chung của vợ chồng trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Chúng ta thấy rằng, để đảm bảo quyền của người phụ nữ được thực thi trên thực tế thì hơn hết cần thiết có biện pháp pháp lý quy định chặt chẽ bằng các quy định và các chế tài cụ thể. Theo đó, điểm c khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”
Nghị định 110/2013/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã…quy định tại Điều 48 về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a. Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b. Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c. Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”
Như vậy, so với quy định của nghị đinh 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì quy định của nghị định 110/2013/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt vi phạm hành chính từ 100000 đồng đến 500000 đồng lên tới 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Quy định này, góp phần hạn chế được hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Đặc biệt, những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà “ gây
hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” hoặc đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi
này mà còn vi phạm thì trong trường hợp này, chế tài hình sự sẽ được áp dụng, để bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng “phạt cảnh cáo, cải tạo không
giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm” theo quy định tại Điều
147 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 hay “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm” theo Điều 151 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Có thể khẳng định, các biện pháp pháp lý nêu trên có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng. Đây là cơ sở để đảm bảo quyền cho người phụ nữ được bình đẳng với người chồng trong những lĩnh vực khác được Luật hôn nhân và gia đình bảo vệ. Bởi vì, Luật
hôn nhân và gia đình áp dụng nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ quyền của người phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ.