Tình yêu là sự kết hợp một cách hài hòa giữa hai phía “cho” và “nhận”. Để xây dựng một gia đình tiến bộ, hạnh phúc, vững mạnh thì nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau giữa hai vợ chồng cần nhìn nhận là một
nghĩa vụ “bình đẳng” không chỉ dưới góc độ pháp luật mà ở cả khía cạnh đạo đức. Trong chế độ xã hội phong kiến, người chồng luôn luôn trong vai trò “một
ông chủ” còn người vợ thì phải chịu “lệ thuộc” vào người chồng. Do vậy,
nghĩa vụ quý trọng, chăm sóc cho người chồng là nghĩa vụ của người vợ, còn người chồng chỉ phải làm tròn trách nhiệm bảo đảm về vật chất cho gia đình và điều này làm cho người vợ không có vị trí ngang bằng đối với người chồng.
Trong xã hội hiện nay do tư tưởng phong tục, tập quán, sự trọng nam khinh nữ vẫn còn rơi rớt lại, bởi thói gia trưởng của người chồng trong thời kì hiện đại vẫn còn len lỏi trong các gia đình Việt Nam và dựa vào những hậu quả mà người phụ nữ phải gánh chịu từ hành động bạo lực nên chúng ta nhận thấy rằng quyền yêu thương, chăm sóc của người phụ nữ cần được coi trọng.
Theo quy định khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Theo quy định trên sự yêu thương, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ nhau giữa hai vợ chồng thể hiện ở hành vi, cách cư xử và thái độ của họ đối với nhau. Đó là sự yêu mến, tôn trọng nhau, giữ gìn danh dự, uy tín, nhân phẩm, lắng nghe ý kiến của nhau, quan tâm, động viên lẫn nhau, tạo điều kiện để vợ và chồng có khả năng phát huy những điểm mạnh của bản thân. Để đảm bảo được điều trên thì những hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm phải được loại bỏ trong đời sống hôn nhân. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng cũ trong một số gia đình, người chồng vẫn có hành vi ngược đãi, xúc phạm và nạn“bạo lực” có thể tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là hành vi “đánh đập” đơn thuần.
Bạo lực trong tiếng việt được hiểu là “sức mạnh dùng để cưỡng bức,
trấn áp hoặc lật đổ”. Trên thực tế, bên cạnh thuật ngữ bạo lực, người ta còn sử
dụng thuật ngữ “bạo hành” như một từ đồng nghĩa. Bạo hành được giải thích là hành động bạo lực tàn ác. Như vậy, thuật ngữ bạo hành chỉ mức độ tàn ác của hành vi hơn so với “bạo lực” và không giới hạn phạm vi hiểu trong một lĩnh vực nào. Tuy nhiên, hiện nay với cách nhìn nhận mới về bạo lực gia đình, thuật ngữ
“bạo lực” đã được “luật hóa” và sử dụng rộng rãi thay cho thuật ngữ bạo hành.
Trong Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực được hiểu là
“Bất cứ hành động bạo lực nào liên quan đến giới mà dẫn đến, hoặc có thể dẫn đến tổn hại làm đau đớn về mặt thân thể, tình dục hay tâm lý đối với người phụ nữ”
Có thể thấy rằng, trong xã hội hiện nay bạo lực phụ nữ đã và đang xảy ra với nhiều hình thức đa dạng nó có thể là bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục…vậy nên quyền được yêu thương, chăm sóc của người phụ nữ cần được xã hội đảm bảo thiết thực hơn.