4.5.1. Hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội
Thực hiện theo quy hoạch sẽ đạt được các hiệu quả kinh tế-xã hội sau:
- Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2015 sẽ đạt 47.330 tấn, trong đó nuôi trồng là 34.830 tấn; đến năm 2020 tổng sản lượng đạt 74.370 tấn, trong đó nuôi trồng là 58.870 tấn, chiếm 79% tổng sản lượng.
- Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2015 đạt 8.216 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 10.965 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm ngành thủy sản đến năm 2015 đạt 2.098 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 2.811 tỷ đồng.
- Sản lượng chế biến thủy sản đạt 64.000 tấn năm 2015 và đạt 83.500 tấn năm 2020. Phát triển chế biến thủy sản sẽ góp phần đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chế biến sẽ tăng từ 121 triệu USD năm 2011 lên 305 triệu USD năm 2015 và đạt 400 triệu USD vào năm 2020.
- Các kết cấu hạ tầng thủy sản được xây dựng như giao thông, thủy lợi, điện khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Quy hoạch phát triển thủy sản góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho khoảng 21.068 lao động nghề cá năm 2015 và con số này vào năm 2020 là 25.758 lao động, trong đó một bộ phận lao động khai thác thủy sản ven bờ sẽ chuyển nghề mới, do đó giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc của nghề cá.
4.5.2. Góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường
Hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển theo quy hoạch và được kiểm soát chặt chẽ về ô nhiễm môi trường do áp dụng các qui trình và công nghệ nuôi tiến tiến. Hoạt động KTTS giảm dần ghe thuyền công suất nhỏ và thay vào đó là các ghe thuyền được trang bị phương tiện và ngư cụ khai thác không mang tính huỷ diệt nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái. Hoạt động chế biến thủy sản sẽ được đưa về các khu công nghiệp chế biến tập trung gắn với việc kiểm soát chặt chẽ về môi trường.