VẤN ĐỀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN VÀ TOÀN CẦU HÓA

Một phần của tài liệu Dự án quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh long an đến năm 2020 (Trang 73 - 74)

3.1.1. Vấn đề sử dụng tài nguyên

Tài nguyên đất: Thực hiện Công văn số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012 của Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, UBND tỉnh Long An ban hành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Long An. Theo đó, đến năm 2020 trong tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 449.235 ha, diện tích đất nông nghiệp là 330.347 ha, chiếm 73,54%, giảm 31.290 ha so với năm 2011. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản chuyên đến năm 2020 là 8.500 ha, chiếm 1,89% tổng diện tích tự nhiên và 2,57% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. So với năm 2011, diện tích đất nuôi trồng thủy sản chỉ tăng thêm 49 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện thuộc vùng Hạ, như huyện Cần Giuộc (2.346 ha), Cần Đước (2.052 ha) và Châu Thành (1.058 ha).

Tài nguyên nước: Thực hiện chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt một số nội dung phục vụ cho việc đầu tư, khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng nước nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân như: Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cấp nước sạch đô thị tỉnh Long An giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Lập Quy hoạch cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch nông thôn tỉnh Long An giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020 để đến năm 2015 có 47% hộ dân được cấp nước sạch theo quy chuẩn; Tiến hành thực hiện tiểu dự án khu tưới Đức Hòa thuộc huyện Đức Hòa trong đó sẽ đầu tư kiên cố hệ thống kênh chính cấp I, cấp II, cấp III cung cấp lưu lượng nước (13 m3/s) phục vụ tưới tiêu chủ động cho 10.000 ha và cung cấp nước cho các khu công nghiệp lưu lượng nước (4 m3/s). Phê duyệt đề cương dự án điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Long An; phê duyệt đề cương quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước mặt của tỉnh Long An đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Tài nguyên nguồn lợi thủy sản: Để đáp ứng nhu cầu thị trường thủy sản, nhiều quốc gia tập trung phát triển ngành khai thác cá biển. Dẫn đến tình trạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị khai thác quá mức ở nhiều vùng biển và đại dương trên thế giới. Sản lượng cá biển của nhiều cường quốc nghề cá liên tục sút giảm. Điển hình như Nhật bản sản lượng khai thác giảm sút từ 11,1 triệu tấn năm 1990 còn 6,6 triệu tấn năm 2000 và 5,14 triệu tấn năm 2004; các nước thuộc EU sản lượng khai thác giảm mạnh do nguồn lợi nhiều loài suy giảm nên phải cắt giảm hạn ngạch khai thác; Trung Quốc thực hiện chính sách “tăng trưởng 0” trong lĩnh vực khai thác từ năm 1999 để bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản; Hàn Quốc đang thực hiện chính sách cắt giảm tàu thuyền nghề cá. Theo báo cáo của Hiệp hội nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), các quốc gia khu vực Đông Nam Á (trừ Indonesia), đều ở trong tình trạng nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, các quốc gia có nghề cá biển phát triển đều đang phải điều chỉnh chiến lược về khai thác hải sản. Các nước đều tăng cường bảo vệ nguồn lợi hải

sản, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nhất là khai thác gần bờ; đồng thời tăng cường hợp tác để đánh bắt ở các vùng biển có tiềm năng ở các quốc gia khác. Để đảm bảo nguồn thực phẩm thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản đã được hầu hết các quốc gia xác định là hướng phát triển chiến lược. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Chính phủ nhiều nước đã xây dựng chiến lược phát triển NTTS bao gồm cả nuôi trên biển, ven biển và nội địa. Nhiều quốc gia thu được những thành tựu quan trọng. Xu thế chung là sản phẩm thủy sản nuôi trồng đóng vai trò quyết định đối với nguồn cung thực phẩm thủy sản thế giới trong tương lai.

3.1.2. Vấn đề toàn cầu hóa kinh tế thế giới

Gia nhập đầy đủ vào WTO cũng như ký kết các hiệp định song phương và đa phương (Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp ước Việt – Mỹ, Việt EU, Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của ASEAN (CEPT),…) tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Gia nhập WTO bên cạnh những thời cơ, sản phẩm thủy sản của tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó sản phẩm thủy sản sẽ phải vượt qua các rào cản kỹ thuật như: HACCP; Global GAP; JAS; các Luật và Quy định của các nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nguồn lợi, Luật ghi nhãn xuất xứ đối với hàng thủy sản, Qui định IUU về truy xuất nguồn gốc của EU,… đây là những tiêu chuẩn, qui định rất khắt khe đối với hàng thủy sản.

Một phần của tài liệu Dự án quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh long an đến năm 2020 (Trang 73 - 74)