2.6.1. Tổ chức sản xuất trong nuôi trồng thủy sản
Tổ chức sản xuất NTTS ở Long An tương đối đa dạng, song chủ yếu là kinh tế hộ gia đình và trang trại với khoảng 70 trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn có các thành phần kinh tế khác như các doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã.
Hộ gia đình: chiếm phần lớn trong cơ cấu tổ chức sản xuất NTTS với quy mô nhỏ lẻ; các hộ gia đình tận dụng diện tích mặt nước nhỏ như ao, mương vườn... hoặc tận dụng mặt nước mùa lũ để sản xuất thủy sản với các mô hình như nuôi QC, QCCT, BTC. Loại hình tổ chức sản xuất này tuy quy mô nhỏ lẻ nhưng nó đã góp phần đáng kể vào thu nhập của gia đình.
Trang trại: đây là loại hình chuyên về nuôi trồng thủy sản với diện tích trung bình 2 ha/trại, thu nhập trung bình khoảng 57 triệu đồng/trại.... Tổ chức sản xuất NTTS theo mô hình trang trại được thành lập từ các hộ gia đình cá biệt có tiềm lực tài chính lớn, hoặc các doanh nghiệp chuyên về thủy sản; loại hình tổ chức này được đầu tư khá bài bản về cơ sở hạ tầng (điện, nước, công trình phụ trợ...), kỹ thuật nuôi, chủ động đầu ra...
HTX, THT: ở Long An có khoảng 7 THT và khoảng 3 HTX thủy sản, đây là loại hình sản xuất có sự liên kiết của nhiều hộ gia đình chuyên hoạt động nuôi thủy sản hoặc các hộ gia đình có nguồn thu chính từ hoạt động thủy sản; tạo ra mối liên kết giữa các thành viên trong HTX hoặc THT hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, đầu ra... nhìn chung đây là loại hình sản xuất có hiệu quả song chưa phát triển mạnh do người dân chưa thấy hết lợi ích của việc hợp tác trong sản xuất.
2.6.2. Tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản
Khai thác nội đồng: nghề khai thác nội đồng nhỏ lẻ nên hình thức tổ chức trong khai thác chủ yếu riêng lẻ giữa các hộ gia đình. Khi mùa lũ đến các hoạt động nông nghiệp được thay thế bằng các hoạt động khai thác thuỷ sản của cả những hộ chuyên và không chuyên. Khi nước rút đi những hộ không chuyên sẽ quay lại nghề chính còn những hộ chuyên vẫn tiếp tục hoạt động khai thác của mình.
Khai thác hải sản: theo hình thức tư nhân, tổ hợp tác xã và hộ gia đình. Tổ chức sản xuất theo hộ gia đình mang lại hiệu quả thiết thực nhất, đã có nhiều hộ đăng ký sở hữu 3 – 5 tàu khai thác. Hình thức tự nguyện hợp tác trong đầu tư, sản xuất khá phổ biến đem lại hiệu quả cao. Trong hoạt động khai thác khơi đã có sự liên kết từng nhóm tàu trên biển để hỗ trợ nhau về những thông tin ngư trường, dịch vụ tiêu thụ, trao đổi sản phẩm khai thác, vật tư, thiết bị, nhiên liệu trên biển,…
2.6.3. Tổ chức sản xuất trong chế biến và tiêu thụ thủy sản
Thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, ngành thủy sản Tỉnh cũng không ngừng phát triển các mô hình quản lý sản xuất trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình. Hình thức tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp như sau: Trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ bao gồm nhiều khâu. Người cung cấp nguyên liệu có thể từ nông ngư dân hoặc các doanh nghiệp NTTS. Các doanh nghiệp chế biến thu mua nguyên liệu từ người nuôi và thông thường phải qua khâu trung gian là các đầu nậu. Hệ thống nậu vựa có mặt khắp nơi tạo điều kiện để doanh nghiệp chế biến thu mua nguyên liệu được dễ dàng và nhanh chóng.