1.3.1.1. Sự ra đời của trung tâm bồi dưỡng chính trị
Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đi từ khủng hoảng đến sụp đổ, phong trào cách mạng thế giới lâm vào thoái trào đã ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Từ đó công tác giáo dục LLCT có những khó khăn không nhỏ, trước hết là những vấn đề cơ bản như:
Khẳng định những giá trị bền vững của Học thuyết Mác - Lênin, định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng,…Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng. Cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học LLCT, hệ thống Trường Đảng cấp huyện không duy trì gánh vác được. Trước tình hình đó, Đảng ta đã thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước mà nền tảng, điểm tựa là tinh thần của Đại hội VI của Đảng. Sau hơn 20 năm thực hiện chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng nên một tầm cao mới.
Trong thời gian này, nhu cầu về bồi dưỡng LLCT được nâng dần lên. Các cấp ủy đảng coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập lý luận chính trị. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục công tác bồi dưỡng LLCT trên địa bàn cấp huyện. Mặt khác, thực tiễn đòi hỏi cần phải có một tổ chức phù hợp, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng các bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới ở địa phương, cơ sở, đặc biệt là cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trước tình hình đó, ngày 03 tháng 6 năm 1995 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành quyết định 100-QĐ/TW về việc thành lập Trung tâm BDCT cấp huyện trong cả nước. Ngày 03 tháng 9 năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóaX) đã ban hành quyết định số 185-QĐ/TW nêu rõ chức năng nhiệm vụ của Trung tâm BDCT cấp huyện.
Mặc dù mới được tổ chức lại trong điều kiện của cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các Trung tâm BDCT đã nỗ lực vượt bậc, đạt nhiều thành tích quan trọng trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, trên cơ sở và dưới cơ sở. Hoạt động của các Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cấp huyện và cơ sở. Đánh giá chung về hoạt động của các trung tâm BDCT cấp huyện, ngày 03/9/2008 Ban Bí thư kết luận: Có bước chuyển biến trong tổ chức chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị của địa phương; đổi mới về phương pháp công tác; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên một bước. Nội dung chương trình được bổ sung phong phú, đa dạng hơn; đã bám sát quan điểm, đường lối của Đảng và cơ bản phù hợp
thực tiễn đất nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ sở.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm BDCT cấp huyện vẫn được đặt ra ngày một cấp bách, xuất phát từ các khía cạnh cơ bản sau:
- Thứ nhất, xuất phát từ những hạn chế của công tác cán bộ nói chung ở cấp cơ sở, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã đánh giá: “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đát nước...Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn biến phức tạp”[17, tr. 172]. “Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt. ”[17, tr. 175].
- Thứ hai, xuất phát từ thực trạng cần phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã nêu: “Công tác lý luận còn có những hạn chế, khuyết điểm. Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế về chất lượng, trùng lặp về nội dung, chương trình, giáo trình; chậm đổi mới về phương pháp. Đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu.” [20 , tr. 2].
Những nhận định, đánh giá nêu trên không chỉ cho thấy tính cấp bách phải đổi mới, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mà còn là cơ sở để các trung tâm này đổi mới hoạt động trong thời gian tới.
1.3.1.2. Vị trí, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm BDCT cấp huyện
Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 06/3/1995 về việc tổ chức Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cấp huyện quy định: “Mỗi huyện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh). Những nơi có trường
Đảng huyện hoặc Trung tâm giáo dục chính trị hoặc hình thức tổ chức khác nay tổ chức lại thành Trung tâm Bồi dưỡng theo quyết định này”.
Quyết định số 185 ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư đã quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm BDCT cấp huyện, quận, thị, nêu rõ:
Điều 1. Vị trí, chức năng
- Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp uỷ và uỷ ban nhân dân cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện.
- Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 2. Nhiệm vụ
1- Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.
2- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và một số lĩnh vực khác cho cán bộ đảng (là cấp uỷ viên cơ sở), cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở.
3- Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp uỷ viên cơ sở.
4- Tổ chức thông tin về tình hình thời sự, chính sách... cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
5- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu và tình hình thực tế do chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Từ chức năng, nhiệm vụ nêu trên, có thể thấy rõ vị trí, vai trò của trung tâm BDCT cấp quận, huyện thể hiện ở các khía cạnh sau:
- Trung tâm BDCT cấp, huyện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác
bồi dưỡng lý luận chính trị cho quần chúng cảm tình đảng, đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở và trên cơ sở. Trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
của hệ thống chính trị thì Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (bao gồm cả các Học viện khu vực và chuyên ngành) đào tạo cán bộ chủ chốt của các cơ quan Trung ương và chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; trường chính trị cấp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; Trung tâm BDCT cấp huyện có trách nhiệm bồi dưỡng cán bộ cấp huyện và cơ sở. Như vậy, có thể nói các trung tâm BDCT cấp quận, huyện là cấp cơ sở, là nền tảng của cả hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Vị trí, vai trò của Trung tâm BDCT cũng thể hiện rõ nhất ở điểm này. Dù rằng cấp quận, huyện không trực tiếp đào tạo chuyển giao nguồn đối tượng cho Trường của tỉnh và các Học viện nhưng ý nghĩa nền tảng này còn ở chỗ các trung tâm BDCT bồi dưỡng nên những đảng viên - tế bào của Đảng, những cán bộ chủ chốt cấp cơ sở - cấp nền tảng của Đảng. Tất cả quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu trở thành đảng viên phải trải qua bồi dưỡng tại Trung tâm; trở thành đảng viên - phấn đấu thành đảng viên chính thức cũng được đào tạo tại đây; trở thành cán bộ chủ chốt ở cơ sở cũng được bồi dưỡng tại đây. Đảng ta đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của các tổ chức cơ sở đảng đồng nghĩa với việc coi trọng vị trí, vai trò của trung tâm bồi dưỡng cán bộ cấp huyện, với các tổ chức cơ sở đảng và trong hệ thống các trường chính trị của Đảng.
- Trung tâm BDCT có loại hình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, phong phú nhất,
thiết thực và linh hoạt nhất gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Nếu như
hệ thống Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo nhiều chuyên ngành, tập trung vào những môn lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyên ngành chính trị và hành chính; Trường Chính trị cấp tỉnh đào tạo Trung cấp chính trị, trung cấp hành chính, một số lớp bồi dưỡng,... thì Trung tâm BDCT cấp quận, huyện có loại hình bồi dưỡng cán bộ đa dạng nhất, với khoảng 20 loại hình lớp khác nhau: từ cảm tình đảng, đảng viên mới, sơ cấp lý luận, bồi dưỡng bí thư chi bộ và cấp uỷ, bồi dưỡng trưởng thôn, bồi dưỡng báo cáo viên, bồi dưỡng các nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Mặt trận và các đoàn thể, bồi dưỡng quốc phòng, tôn giáo,... Cũng có thể hiểu, nếu cán bộ chủ chốt từ cấp
huyện trở lên phải đi học ở rất nhiều trường - học viện khác nhau thậm chí nhiều đợt học tại nhiều trường mới trang bị đủ kiến thức (Học chính trị tại Học viện chính trị, Hành chính ở Học viện Hành chính, học các lớp bồi dưỡng tại Học viện, học quân sự do Quân khu mở, học nghiệp vụ do ngành mở...) thì ở cấp cơ sở chỉ cần đi học ở Trung tâm BDCT trị là đủ. Đó là chưa kể, khi có nhiệm vụ đột xuất hoặc những vấn đề đặt ra tại cơ sở mà cấp uỷ thấy cần thiết đều nhanh chóng được tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ tại Trung tâm. Ví như khi có Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, về giáo dục đạo đức lối sống cho đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Trung tâm BDCT cấp quận, huyện còn là vị trí để các trường tỉnh và thậm
chí của Trung ương chọn là cơ sở trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Các trường Chính trị - Hành chính của tỉnh, thành phố thường chọn trung BDCT cấp huyện là đơn vị phối hợp để mở các lớp trung cấp tại chức. Ngoài ra, các trung tâm còn liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng trong công tác đào tạo. Lựa chọn các trung tâm bồi dưỡng cán bộ làm đơn vị mở lớp, các trường của Trung ương không chỉ căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất mà còn quan tâm đến việc phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, giảng viên của trung tâm trong công tác quản lý học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Trung tâm BDCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và ủy ban nhân dân cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.