Bước đầu thực hiện chủ trương đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết 10/NQTW của Bộ Chính trị

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 107 - 110)

Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ Chính trị

Trong vòng 10 năm sau giải phóng (1976 - 1986), trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ IV và V, Đảng và nhân dân ta vừa làm, vừa tìm tòi thử nghiệm con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cũng có không ít khó khăn và yếu kém. Để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới. Đổi mới đã trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc ta lúc này.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, từ ngày 15 đến 18 - 12 - 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Tại Đại hội, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mà trọng tâm là đổi mới tư duy kinh tế, trong đó, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu. Đại hội cũng xác định phải quan tâm đầu tư cho nông dân, cần phải có tổ chức thống nhất nhằm đoàn kết, vận động nông dân tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, ngày 24 tháng 3 năm 1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 05-CT/TW về tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Các địa phương trong cả nước gấp rút củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức, chuẩn bị mọi mặt để tiến hành Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05/CT - TU ngày 7/3/1987 về việc tổ chức đại hội các đoàn thể quần chúng trong năm 1987.

Quán triệt chủ trương của Đảng, nhằm chuẩn bị tốt cho Đại hội lần thứ II của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 7 năm 1987 Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thị xã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 1987 - 1990. Đại hội đã đánh giá những việc làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ qua, thảo luận các vấn đề về công tác xây dựng tổ chức, hình thức tập hợp nông dân, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn… Từ đó, đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1987 – 1990, trong đó nhấn mạnh: chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố niềm tin, xây dựng tính kiên định cách mạng cho các cấp Hội và giai cấp nông dân trong thị xã. Tiến hành đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các cấp Hội theo tinh thần Chỉ thị 05 của Ban Bí thư nhằm tập hợp, động viên đông

đảo những người lao động ở nông thôn tham gia vào hội. Phát động nông dân thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam thị xã Hội An khóa V, nhiệm kỳ 1987 - 1990 gồm 21 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Trung Thành được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Lê Bạn Phó Chủ tịch, đồng thời bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội của tỉnh.

Thực hiện phương châm “Đổi mới tư duy, phát huy dân chủ, kiện toàn tổ chức, hành động thiết thực” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp Hội Nông dân thị xã đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, kiện toàn tổ chức, bố trí lại cán bộ, tích cực vận động nông dân, ngư dân tham gia vào tổ chức hội, tiến hành sắp xếp các chi tổ hội theo địa bàn dân cư và ngành nghề. Đến năm 1990, Thị hội đã tổ chức được 55 chi hội (trong đó có 18 chi nghề cá, 2 chi tiểu thủ công nghiệp, 35 chi nông nghiệp), 150 tổ hội với hơn 10.000 hội viên [12, tr.5]

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, nông dân thị xã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến đổi mới nông nghiệp, đời sống nông dân, hoạt động của tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở… Đồng thời, Hội Nông dân thị xã cũng tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tuyên truyền cho đại hội, thu hút hàng trăm hội viên tham gia.

Sau khi các cấp Hội Nông dân ở cơ sở tiến hành đại hội, ngày 01-3-1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân Việt Nam tiến hành Đại hội. Trong hai ngày 28 và 29 tháng 3 năm 1988, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đây là một sự kiện chính trị trọng đại, mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân và Hội Nông dân cả nước. Từ đây, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân chính thức đi vào hoạt động, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến cơ sở. Sự kiện quan trọng này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đối với cách mạng [47, tr.280].

Cùng với việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Hội Nông dân, Đảng cũng rất quan tâm đến việc đổi mới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10/NQ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Khác với Chỉ thị 100/CT- TW trước đây, Nghị quyết này đề ra cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm hộ và hộ xã viên; đảm bảo cho các hộ xã viên thu nhập từ 40% sản lượng khoán trở lên; bảm bảo cho người nhận khoán được canh tác trên diện tích theo qui mô thích hợp và ổn định trong 15 năm. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài của các thành phần kinh tế cá thể, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ trước pháp luật. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất là tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân, hoạt động theo nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; có tính pháp nhân, bình đẳng với các đơn vị kinh tế khác.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 28 tháng 7 năm 1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng ra Nghị quyết số 06/NQ- TU về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nghị quyết nhấn mạnh: Cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa, kết hợp kinh doanh tổng hợp và xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý làm cơ sở để tổ chức lại sản xuất theo vùng, ngành; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đối với quốc doanh sản xuất, chế biến và dịch vụ; hợp tác xã, thực hiện chế độ tự quản lý của hợp tác xã; tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước trong đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện chế độ tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đổi mới một cách căn bản về phương thức quản lý, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về kinh tế.

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 10/NQ - TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06/NQ - TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, phong trào nông dân Hội An đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Trong sản xuất nông nghiệp, với đặc điểm đất ít người đông, lại nằm trên vùng cát ven biển, đất sản xuất chủ yếu là đất hạng 4, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, thời tiết không thuận lợi, lúc lạnh kéo dài, lúc khô hạn, sâu bệnh, chuột bọ phá hoại, một số vùng bị nhiễm mặn lâu đời, nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của thị xã từ trước đến nay gặp rất nhiều khó khăn. Vượt lên những khó khăn đó, được cơ chế mới “cởi trói”, nông dân thị xã đã mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống có năng suất cao vào trồng trọt, đầu tư thâm canh, thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất, biện pháp kỹ thuật và lịch thời vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã thu được những kết quả khả quan. Trong các năm 1987 – 1990, mặc dù thời tiết không thuận lợi, diện tích sản xuất lúa, đậu phụng và nhiều loại cây trồng khác cũng có nhiều biến động (năm 1988 là 1.232,21 ha nhưng đến năm 1990 chỉ còn là 1.157,68 ha), số diện tích đất không sản xuất được do chua mặn (chủ yếu là diện tích trồng lúa) khoảng 100 ha; việc chuyển đổi cơ chế quản lý cũng đã gây ra không ít lúng túng, nhưng sản xuất của nông dân trong những năm này vẫn được duy trì và có xu hướng tăng so với các năm trước. Năm 1989, nông dân thị xã đã sản xuất được 8.766,63 tấn lương thực quy ra thóc; 559 tấn đậu phụng [11, tr.3].

Từ khi có chủ trương đổi mới kinh tế của Đảng, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, tích cực cải tiến kỹ thuật. Với sự nhạy bén trong sản xuất, bà con ngư dân đã chuyển mạnh sang khai thác cá đáy và các loại sản phẩm có giá trị xuất khẩu, phát triển một số ngành nghề có năng suất cao (như lưới cản, lưới quét), tổ chức tốt việc sản xuất liên nghề để có việc làm liên tục quanh năm... Với những đổi mới đó, ngành ngư nghiệp đã có bước tiến rõ rệt, sản lượng khai thác hằng năm đều tăng. Từ năm 1987 - 1990 đã khai thác được 14.900 tấn hải sản, trong đó có 196,89 tấn hải sản xuất khẩu [12, tr.3]. Cùng với hoạt động đánh bắt, nông dân

còn đẩy mạnh phong trào nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm nước lợ. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và vốn nên nghề nuôi tôm phát triển nhanh. Ban đầu, nghề nuôi tôm chủ yếu phát triển ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà. Trong 3 năm (1987 - 1990), diện tích nuôi tôm xuất khẩu ở các địa phương này đạt khoảng 188 ha, đã xuất khẩu được 30,3 tấn tôm.

Phong trào đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng như trong cuộc sống luôn được người nông dân thị xã phát huy với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Hằng năm, bà con nông dân đều quyên góp hàng chục triệu đồng để thăm viếng những người ốm đau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn. Trong cơn bão số 2 năm 1989, hàng ngàn ngày công và hàng trăm cây tre đã được huy động quyên góp xây dựng lại hàng trăm ngôi nhà bị bão xô ngã; những người nông dân làm nghề biển ở Cẩm An, Tân Hiệp đã giúp nhau hàng ngàn lít dầu để đi tìm người thân mất tích, giúp nhau khôi phục và tìm kiếm ngư lưới cụ bị mất, sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức phong phú như bài trừ mê tín, chống tiêu cực, hòa giải các vụ xích mích, xây dựng nếp sống văn minh, thu hút hàng chục ngàn hộ nông dân đăng ký thực hiện. Ngoài ra, nông dân thị xã còn góp công sức xây dựng và tu sửa nhiều công trình phục vụ sản xuất, dân sinh như cầu, đường, mương máng, nhà trẻ, trường học, nhà tình nghĩa…

Những thành tựu đạt được của Hội Nông dân và phong trào nông dân thị xã trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới tuy chưa lớn nhưng đây là tiền đề quan trọng để Hội tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn trong những giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w