Tình hình HộiAn sau ngày giải phóng (2831975)

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 91 - 92)

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã khép lại một giai đoạn máu lửa và đầy đau thương của lịch sử dân tộc dưới gót giày của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mở ra một giai đoạn mới hòa bình, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Nhưng, cũng như nhiều địa phương khác ở miền Nam, ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Hội An đã phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thử thách do hậu quả chiến tranh gây ra. Điều đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần phải giải quyết ngay đối với Đảng bộ và nhân dân Hội An.

Thứ nhất là vấn đề tàn quân Việt Nam Cộng hòa sau chiến tranh. Với vị trí chiến lược của mình, nên từ cuối năm 1974, khi cục diện trên toàn miền Nam thay đổi rõ rệt, ngụy quân rơi vào thế bị động đối phó, thì cũng là lúc chúng tăng cường lực lượng ở Hội An. Hàng vạn tên được đưa về đây thực hiện chiến dịch Bình Thanh và Bình Tân nhằm đánh phá vùng tranh chấp, mở rộng vùng kiểm soát của chúng. Chính vì vậy sau ngày giải phóng, số lượng ngụy quân ở Hội An là khá lớn (hơn một vạn tên). Trong khi đó, sau khi thất thủ ở Sài Gòn, nhiều ngụy quân kéo nhau chạy về các tỉnh, trong đó có thị xã Hội An (1200 tên). Việc tập trung cùng một lúc với số lượng lớn tàn quân ngụy đã ít nhiều gây ra những khó khăn cho ta trong việc giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh đối với lực lượng này.

Thứ hai là vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn thị xã. Với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng, tái lập ngụy quyền, nhiều phần tử phản động vẫn ráo riết hoạt động chống phá. Chúng rải truyền đơn tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu chế độ… gây nên sự hoang mang cho nhân dân. Trong thị xã thường xuất hiện hiện tượng bọn thanh niên Việt Nam Quốc dân đảng tụ tập dưới nhiều hình thức như tổ chức từng toán kẹp nhau đi ngoài đường phố, ở các bàn bi da, quán giải khát. Chúng còn lập ra các trạm sửa xe đạp để thu thập tình hình, móc nối hoạt động gây rối. Trong khi đó, từ tháng 9 năm 1975, trên địa bàn Hội An, một số tôn giáo nổi lên tăng cường hoạt động chống ta, khôi phục đức tin và dùng giáo lý ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng trong giáo dân, tạo dư luận xấu, gây hoang mang nghi ngờ, đồng thời lợi dụng các sai sót của ta để xuyên tạc chính sách cách mạng.

Trên địa bàn thị xã, nạn cướp giật so với trước giải phóng đã giảm nhiều, nhưng không phải là hết. Từ ngày giải phóng đến tháng 12 năm 1975, ở Hội An xảy ra 154 vụ cướp (ở nông thôn 69 vụ, thành thị 85 vụ). Trong khi đó, sự tồn tại các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại như du đãng, cao bồi, gái điếm cùng với việc lưu hành văn hóa đồi trụy….. trên địa bàn cũng đặt Đảng bộ và chính quyền Hội An trước những thử thách nan giải.

Thứ ba là vấn đề đưa nhân dân ta “hồi hương” sau chiến tranh. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, với mưu đồ “chiếm đất giành dân”, chúng đã tăng cường hoạt động đánh phá vùng tranh chấp và giải phóng của ta. Để tránh bớt sự ác liệt của chiến tranh, nhiều đồng bào ta ở vùng tranh chấp đã tập trung vào thị xã, làm cho số lượng nhân khẩu ở đây tăng lên đột biến. Chính điều này đã đưa tới một hệ quả, đó là sau ngày giải phóng ở Hội An có tới 89.324 nhân khẩu, trong đó 5 phường nội thị có 6.038 hộ, 45.873 khẩu. Với một số lượng lớn như vậy, việc sắp xếp lại lao động, bố trí công ăn việc làm, ổn định nơi ăn chốn ở cho nhân dân cũng là một trong những vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ Hội An lúc này.

Bên cạnh những khó khăn trên, trong thời gian mới giải phóng, cũng như tình hình chung trên toàn đất nước, Hội An còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, văn hóa xã hội, y tế giáo dục …. trong đó những vướng mắc cần tháo gỡ trong sản xuất nông nghiệp như khắc phục tình trạng ruộng vườn hoang hóa, làng mạc xơ xác tiêu điều, ghe thuyền ngư cụ hầu như không có….. là những vấn đề đặt ra cấp thiết đối với chính quyền Hội An.

Như vậy, khi mà niềm vui của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn tưng bừng trên khắp mọi miền tổ quốc thì cũng như nhiều địa phương khác, Đảng bộ và nhân dân Hội An đã phải đối mặt với những vấn đề sau chiến tranh do chế độ cũ để lại. Trong những thời điểm nhạy cảm như vậy, với đường lối sáng suốt và bản lĩnh đã từng được tôi luyện qua 21 năm chống Mỹ, cứu nước của mình, Đảng bộ Hội An đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân từng bước tháo gỡ những khó khăn và thử thách đó.

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 91 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w