Tình hình HộiAn sau Cách mạng tháng Tám năm

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 40 - 42)

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cũng như tình hình chung trên cả nước lúc bấy giờ, chính quyền cách mạng và nhân dân Hội An đã phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cực kỳ hệ trọng, có tính chất sống còn đối với chính quyền cách mạng lúc bấy giờ đó là giặc ngoại xâm.

Theo quy định của Hội nghị Pốtxđam (7-1945), sau khi đưa quân vào miền Bắc, giữa tháng 9-1945, 4000 quân Tưởng đã kéo vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 15-9-1945, bất chấp những quy định về ranh giới chiếm đóng đã được các bên thống nhất (vĩ tuyến 16 tương đương với vị trí ngang cầu Cẩm Lệ Đà Nẵng trên thực địa), quân Tưởng đã tiến vào chiếm Hội An10 và Vĩnh Điện. Tại Hội An, “quân Tưởng đóng rải rác từ đình Thanh Hà đến chùa Quảng Triệu, đình Cẩm Phô, chùa Âm Bổn, Tiền hiền Minh Hương, miếu Hội Đường, nhà Bang Tá cũ” [5, tr.110]. Không những thế, chúng còn chiếm giữ cả sân bóng của học sinh Hoa kiều trước chùa Âm Bổn để làm nơi tập luyện. Với dã tâm phá hoại những thành quả mà cách mạng mới vừa đạt được, chúng đưa ra những yêu sách không thể chấp nhận được như đòi ta chuyển cơ quan Ủy ban Hành chính thị đến nơi khác để chúng lấy làm địa điểm đóng quân... Chúng ra mặt trắng trợn cướp bóc của cải của nhân dân. “Ngay ở trại tế bần, binh lính Tưởng đã cướp đi 53 chiếc chiếu, 70 kg đường và 40 kg đậu của những người nghèo khổ” [5, tr.110]. Một không khí căng thẳng, căm thù quân Tưởng còn lan tràn khắp Hội An, khi ngay giữa ban ngày, chúng ngang nhiên công khai bắn chết người và lùng bắt, tra tấn một số thanh niên Hoa kiều bị chúng vu khống làm tay sai cho Nhật. Hành động của chúng thật dã man và tàn bạo.

Quân Tưởng vào nước ta không chỉ với mục đích giải giáp quân đội Nhật mà còn mưu đồ phá hoại, lật đổ chính quyền cách mạng và dựng lên chính quyền tay sai, nên chúng đã tỏ ra dung dưỡng và tạo điều kiện cho bọn phản động hoạt động. Được quân Tưởng giúp đỡ, bọn Quốc Dân đảng Quảng Nam do Hoàng Tăng, Phan Bá Lân, 10 Hội An trong thời kì trước cách mạng tháng Tám chưa phải là một thị xã nên chưa có bộ máy hành chính thị xã. Thực dân pháp chỉ đặt chức Bang tá và một đồn cảnh sát (cò) để giữ trật tự an ninh trong khu vực các phố. Khu vực ấy gồm có làng Hội An, một phần làng Thanh Hà, một phần làng Cẩm Phô. Về hành chính, các làng này vẫn thuộc phủ Điện Bàn. Riêng người Hoa kiều thì tổ chức thành các Bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… để Pháp trực tiếp cai trị. Các ngoại kiều Ấn Độ, Java cũng thế. Đến sau khi giành chính quyền, ta thành lập thị xã Hội An, gồm các làng Thanh Hà, Kim Bồng, Hội An, Cẩm Phô và các làng phía đông nằmtrên bờ bắc sông Thu Bồn cho đến biển kể cả Cù lao Chàm bao gồm: Thanh Châu, Phước Trạch, An Bàng, Trà Quế, Đế Võng, Sơn Phô, Cù Lao Chàm.

Huỳnh Hòa cầm đầu thừa cơ ngóc đầu dậy, hoạt động mạnh, phát triển tổ chức ở hầu hết các huyện. Tháng 7-1946, thành lập Đảng bộ Quốc Dân đảng do Hoàng Tăng làm bí thư, lập trụ sở công khai tại đường Trưng Nhị và tổ chức lễ ra mắt tại chùa Bà Mụ. Chúng lôi kéo một số trí thức bất mãn và quan chức cũ trước đây hoạt động tuyên truyền nói xấu Việt Minh, đả kích cán bộ ta, kích động chống lại những chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng. Chúng tìm mọi cách chui vào các cơ quan của ta để gây chia rẽ, thao túng quyền lực và lén lút in ấn, phát tán những tài liệu phản động, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Thâm độc hơn, giữa năm 1946, bọn Quốc Dân Đảng gây ra vụ phá đường sắt trên cầu Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, mưu toan đánh lật đoàn tàu chở quân ta trên đường Nam tiến. Chúng còn tổ chức một cuộc họp kín trên chùa Quảng Triệu để bàn kế hoạch lật đổ chính quyền cách mạng ở Quảng Nam [5, tr.110]. Bên cạnh sự chống phá của bọn Quốc Dân Đảng, việc một số phần tử phản động trong giới lãnh đạo Cao Đài lợi dụng niềm tin tôn giáo để kích động nhân dân đã làm cho tình hình lúc bấy giờ càng thêm bất ổn và rối ren.

Tuy nhiên, không chỉ có quân Tưởng, núp dưới bóng quân đội Anh vào giải giáp quân phát xít từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, với mưu đồ xâm lược nước ta một lần nữa, nên trước khi nổ súng tấn công ở Nam bộ (23-9-1945), ngày 22-8-1945 quân Pháp đã thả biệt kích xuống vùng tháp Mỹ Sơn thực hiện việc thăm dò, liên lạc với tàn quân và bọn phản động âm mưu phá hoại cách mạng.

Cùng với tình trạng“thù trong, giặc ngoài” hết sức rối ren lúc bấy giờ, chính quyền và nhân dân Hội An còn phải đối mặt với những khó khăn khác nữa. Trong khi hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 vẫn còn làm cho nhân dân chưa hết kinh hoàng, sau cách mạng tháng Tám “ở vùng ngoại ô (Hội An), ruộng đất đã ít lại bị bỏ hoang do thiên tai tàn phá, do sự cưỡng bức lấy đất trồng đay của quân Nhật… lương thực hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt” [5, tr.112], đã làm cho nguy cơ về một nạn đói tiếp theo đang cận kề. Bên cạnh đó, “giặc dốt” hoành hành, hơn 90% nhân dân không biết chữ cũng là một trong những cản trở lớn cho việc xây dựng chính quyền cách mạng, lại thêm ngân sách của Hội An sau cách mạng hầu như không có gì. Trong khởi nghĩa, ta thu được ở kho bạc Hội An 800.000 đồng Đông Dương, nhưng phần lớn bị rách nát, không sử dụng được, số còn lại phải chuyển về tỉnh. Sau cách mạng, quân Tưởng kéo vào mang theo “quan kim”, “quốc tệ” đã làm cho nền tài chính của ta bị lũng đoạn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chồng chất đó, sau cách mạng tháng Tám, ta cũng có được một số thuận lợi nhất định:

Thứ nhất, cũng như trong cả nước, chính quyền ở Hội An lúc này đã nằm trong tay lực lượng cách mạng và nhân dân. Sau bao nhiêu năm làm nô lệ, nhân dân Hội An cùng với nhân dân Quảng Nam và cả nước đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Thứ hai, sau khi cách mạng thắng lợi, mặc dù các cơ sở đảng trên toàn địa bàn Hội An còn rất mỏng, tuy nhiên, với sự quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng, việc kiện toàn tổ chức đảng ở Hội An được tiến hành một cách nhanh chóng. Ngay từ ngày 23-8-1945, sau khi giành được chính quyền, thành uỷ Hội An chính thức được lập lại do 2 đồng chí Nguyễn Ưng làm bí thư và đồng chí Võ

Văn Thắng làm phó bí thư. Đến tháng 11-1945, tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (tổ chức ở kho bạc Hội An), đồng chí Nguyễn Ưng được rút về bộ phận thường trực công tác Đảng của Tỉnh ủy. Thị ủy bầu đồng chí Võ Văn Thắng làm bí thư và đồng chí Hoàng Kim Ảnh làm phó bí thư. Cũng trong thời gian này (11-11-1945), thực hiện chỉ thị của cấp trên về vấn đề Đảng rút vào hoạt động bí mật, tổ chức đảng của Hội An lấy tên là

“Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” tiến hành hoạt động công khai. Các chi bộ gọi là

“Tổ nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, các tổ cảm tình gọi là “Nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Từ đây, công tác tuyên truyền học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, điều lệ và các tài liệu của Đảng được tiến hành thường xuyên. Đến cuối năm 1945, số đảng viên trên toàn địa bàn Hội An từ 12 đồng chí tăng lên 50 đồng chí thuộc 3 chi bộ: chi bộ nội ô (gồm Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong), chi bộ Nhà Đèn và chi bộ Thanh Hà.

Thứ ba, trên địa bàn Hội An, lực lượng vũ trang cách mạng đã được xây dựng sẵn sàng bảo vệ chính quyền cách mạng. Sau khi giành được chính quyền ở Hội An, tỉnh để lại ở đây 12 khẩu súng trường và một ít đạn dược, còn số vũ khí thu được của địch phải chuyển về Duy Xuyên giao cho Tỉnh ủy. Lúc bấy giờ, đội tự vệ của Hội An được điều động để thành lập đội tự vệ chiến đấu của tỉnh. Tuy nhiên, đến tháng 9- 1945, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Tỉnh quyết định chuyển phần lớn đội tự vệ trên thành Chi đội I Giải phóng quân. Số còn lại chuyển sang dân vệ tỉnh làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan công sở, kho tàng, nhà lao của tỉnh đóng trên địa bàn Hội An. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh việc phát triển lực lượng chiến đấu và hoạt động tuyên truyền, tổ chức mua sắm vũ khí, giết gian trừ phản… Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, hệ thống công an sớm được hình thành ngay sau ngày giành chính quyền. Phong trào gia nhập dân quân tự vệ của xã, của thị và gia nhập tiểu đoàn dân vệ tỉnh, chi đội giải phóng quân diễn ra sôi nổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội tự vệ của thị đã có đến 300 đội viên. Đến tháng 10-1945, chuyển thành đại đội tự vệ tập trung do thị đội trực tiếp chỉ huy, điều động, bố trí lực lượng và đài thọ sinh hoạt phí. Ở các xã, tự vệ cũng được phiên chế theo các phân đội, tiểu đội, trung đội. Trang bị cho dân quân tự vệ lúc này hết sức thô sơ, thiếu thốn, chủ yếu là gậy gộc và dao găm, mã tấu, giáo mác tự rèn nhưng đã thực hiện bước đầu chủ trương võ trang toàn dân của Đảng [5, tr.117].

Như vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như tình hình chung của hầu hết các địa phương trên cả nước, chính quyền cách mạng và nhân dân Hội An cùng một lúc đã phải đương đầu với vô vàn những cam go, thử thách. Đó là “giặc đói”, “giặc dốt”, khó khăn về tài chính và nhất là “thù trong, giặc ngoài”. Tuy nhiên, ta cũng có được những thuận lợi nhất định. Chính điều này đã là cơ sở, tiền đề để chính quyền và nhân dân Hội An có thể đưa ra những đối sách hợp lý, giải quyết tình hình cụ thể ở địa phương mình, đồng thời cùng với nhân dân Quảng Nam và cả nước bảo vệ thành công thành quả của Cách mạng tháng Tám.

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w