Đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân (197 7 1985)

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 99 - 103)

Năm 1977 – năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và phát huy hiệu quả trong hoạt động của mình, Nông hội thị xã Hội An được tăng cường về tổ chức và lực lượng. Lúc bấy giờ trên toàn địa bàn thị xã có“29 phân hội, 133 tổ với 1025 hội viên nông dân giải phóng”. Trước tình hình thời tiết có những chuyển biến phức tạp gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 1977, với phương châm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, Nông hội thị xã Hội An một mặt vận động hội viên, nông dân tập trung khắc phục khó khăn, ra sức đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, đào ao, vét giếng lấy nước tưới cho ruộng đồng (9 tháng đầu năm 1977 huy động 652.760 ngày công đào đắp 5.197.230 m3 đất), mặt khác phát động phong trào làm và tận dụng các nguồn phân xanh, phân bắc, phân chuồng để bón cho cây trồng, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, thay dần các giống lúa truyền thống như Ba trăng, Mắc cu, Nước mặn… năng suất thấp, đồng thời tiến hành phòng trừ sâu bệnh, tích cực mở rộng diện tích, trồng nhiều rau màu hơn…. Chính những việc làm tích cực trên nên tình hình sản xuất trên địa bàn thị xã tuy chưa đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng không có biến động lớn. Tính trong năm này, “tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn Hội An là 1.069 ha, tổng sản lượng thu hoạch được là 4.153 tấn”28.

Bên cạnh việc chăm lo cho lĩnh vực trồng trọt, sức kéo phục vụ sản xuất cũng được chính quyền hết sức quan tâm. Chín tháng đầu năm 1977, số lượng trâu cày trên toàn thị xã là 209/264 con, bò cày là 121/1.177 con. Ngoài ra phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm của nông dân thị xã cũng phát triển mạnh, với số lượng đàn heo và đàn gà khá lớn (heo: 7.866 con, gà: 23.364 con).

Trong khi phong trào sản xuất của nông dân Hội An đang có những bước tiến rõ rệt dưới sự lãnh đạo của Nông hội Thị xã, tháng 4 năm 1977, thực hiện nghị quyết 03 – NQ/TV (10/4/1977) và Nghị quyết 07/ NQ-TV (31/8/1977) của Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch tiến hành hợp tác hóa cũng như phát triển và cải tạo nông nghiệp:“Phấn đấu đến năm 1980, cải tạo về căn bản quan hệ sản xuất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo hướng chuyên canh, sản xuất phát triển nhanh, vững chắc, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm…”, ban Nông hội thị xã tổ chức quán triệt cho hội viên, nông dân thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi vào hợp tác xã, ý nghĩa của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc chuyển đổi các tổ hợp tác đoàn kết sản xuất sang mô hình hợp tác xã. Kết quả Ban Nông nghiệp Thị đã mở được 2 lớp đào tạo với 338 người tham gia. Mọi công việc chuẩn bị cho công cuộc hợp tác hóa đã sẵn sàng.

Bước sang năm 1978, Trung ương có chủ trương mở rộng xây dựng tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng đã có ý kiến và được Trung ương nhất trí cho phép chuyển đổi từ tổ vòng đổi công từng vụ lên hình thức tổ chức sản xuất có định mức khoán việc trong một số khâu sản xuất chủ yếu như: làm đất, cấy, chăm sóc, thu hoạch … Việc khoán này nhằm mục đích tập dượt cho nông dân làm quen dần với con đường làm ăn tập thể, tạo tiền đề tinh thần, vật chất cho việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, theo sự chỉ đạo của Thị ủy, Ban Nông hội từ thị xã đến các xã, phường đã phối hợp cùng chính quyền, các ngành, đoàn thể liên quan tiếp tục vận động nông dân thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh ruộng đất, hình thành các tổ định mức, khoán việc. Đến cuối năm 1978, các hình thức hợp tác lao động như các tổ vòng công, đổi công trên địa bàn thị xã đã được chuyển đổi xong. Việc xây dựng hợp tác xã thí điểm được tiến hành ở Cẩm Hà và Cẩm Châu, sau đó mở rộng ra các nơi khác. Chính vì mọi việc được xúc tiến mau chóng như vậy, nên đến cuối năm 1979, toàn thị xã hoàn thành cơ bản công cuộc hợp tác hóa, đưa trên 80% số hộ nông dân với trên 70% diện tích ruộng đất vào làm ăn trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Trong thời gian này, các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân duy trì và đẩy mạnh sản xuất, làm hết diện tích, thâm canh tăng vụ, khai hoang, di chuyển mồ mả, tiếp thu giống mới, làm thủy lợi… Kết quả trong năm 1978, “tổng diện tích gieo trồng của toàn thị xã là 2.675 ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt 4.790 tấn, bình quân đầu người đạt 319 kg”29. Chăn nuôi phục vụ nông nghiệp và nhu cầu thực phẩm của nhân dân trên địa bàn thị xã tiếp tục phát triển về số lượng với số trâu cày là 250/294 con, bò cày là 75/1.220 con, heo 6.850 con, gà 25.600 con… Bên cạnh đó, công tác thủy lợi cũng không ngừng được đẩy mạnh. Trong năm 1978, thị xã đã huy động được

27.458 ngày công lao động nghĩa vụ và lao động xã hội chủ nghĩa phục vụ cho việc đào đắp kênh mương tại địa phương và đi xây dựng tại công trường Phú Ninh.

Sang năm 1979, với sự vận động mạnh mẽ của Ban Nông hội thị xã, nhiều phong trào “hành động cách mạng” như khai hoang phục hóa, phá gỡ bom mìn, làm thuỷ lợi, hợp tác hóa nông nghiệp… tiếp tục được nông dân tham gia tích cực và đạt kết quả cao. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng cũng như sản lượng lúa trên toàn thị xã so với năm 1978 tăng. Hội còn đứng ra phát động các phong trào “tấc đất tấc vàng”, thâm canh tăng vụ, làm phân, tiếp thu 100% giống lúa mới, làm thủy lợi, phòng chống sâu bệnh….. Nét mới của thời kỳ này là đã xuất hiện một số vùng trồng rau chuyên canh (diện tích đạt khoảng 12,5ha).

Thực tế, trong những năm đầu xây dựng hợp tác xã, thành tựu đạt được là rất quan trọng, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn mắc nhiều sai lầm, thiếu sót như việc chỉ đạo chưa sâu sát, còn chung chung, gieo cấy chưa đúng thời vụ, chưa phát hiện sâu bệnh kịp thời, nước thủy lợi không đủ tưới, nhất là ở Cẩm Thanh và một phần diện tích ở Cẩm Châu, thuốc trừ sâu qua nhiều khâu trung gian về đến tay nông dân không kịp thời, phân hóa học nhà nước cung cấp có định mức, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất và gieo trồng giống mới… Những thành tựu của công cuộc hợp tác hóa thời kỳ này lại thiếu tính bền vững, do tổ chức vội vàng, áp dụng rập khuôn máy móc kinh nghiệm ở miền Bắc, bỏ qua những đặc thù kinh tế, xã hội của mỗi vùng, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, nên phần lớn các hợp tác xã được thành lập không phát huy vai trò tích cực, chủ động của nông dân, không tạo được động lực để thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc tập thể hóa tư liệu sản xuất trong thời gian này diễn ra quá nhanh và triệt để, lao động được quản lý tập trung và điều hành theo lối mệnh lệnh, áp đặt, nên kinh tế tập thể thì sa sút, trong khi đó kinh tế gia đình lại bị hạn chế, kém phát triển. Vì vậy, khi phong trào hợp tác hóa phát triển mạnh nhất thì cũng là thời kỳ vấn đề căng thẳng về lương thực được đẩy lên mức cao nhất, nhiều nông dân xin rút khỏi hợp tác xã. Thực tiễn đó đã đặt ra cho Đảng ta một yêu cầu bức thiết là cần phải nhận thức và thay đổi tư duy kinh tế.

Từ kết quả khoán sản phẩm ở một số địa phương, ngày 13 tháng 01 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) ra Chỉ thị số 100/CT-TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị 100 là khâu đột phá đầu tiên vào cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp trong sản xuất tập thể. Đây được coi là cái mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đã tác động to lớn đến đời sống xã hội nông thôn và nông dân. Chỉ thị 100 ra đời được đông đảo nông dân trong cả nước nói chung, nông dân Hội An nói riêng phấn khởi đón nhận.

Để kịp thời thực hiện chỉ thị của Trung ương, ngày 6 tháng 3 năm 1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ra Nghị quyết số 15/NQ-TV về việc thi hành chủ trương của Trung ương cải tiến công tác khoán, mở rộng hình thức “Khoán

sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Sau khi đánh giá tình hình khoán trong các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhất là định mức lao động, khoán việc cho các đội sản xuất, Nghị quyết xác định: “Để thúc đẩy sản xuất, trước mắt cần giải quyết tốt và hợp lý 3 lợi ích (người lao động, hợp tác xã và Nhà nước), vấn đề đầu tiên là phải chỉ đạo cải tiến và hoàn chỉnh hơn nữa chế độ ba khoán của hợp tác xã đối với đội sản xuất: khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản phẩm. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ các hình thức khoán của đội sản xuất đối với nhóm lao động và người lao động; làm thí điểm để có kinh nghiệm mở rộng, đảm bảo đúng chủ trương, mục đích, nguyên tắc”.

Từ khi có Chỉ thị 100, phong trào thi đua lao động sản xuất trong nông nghiệp được dấy lên sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn thị xã Hội An. Công tác khoán sản phẩm trong nông nghiệp được mở rộng đã góp phần khuyến khích mạnh mẽ người lao động hăng hái sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng giống mới, chủ động tạo thêm nguồn phân bón, tích cực thâm canh. Nhờ vậy, nông nghiệp Hội An trong những năm 1981, 1982 tăng cả về năng suất và sản lượng. Tháng 3 năm 1983, Nhà nước công bố Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, đánh dấu một bước tiến mới trong chính sách huy động lương thực theo nghĩa vụ, khuyến khích mở rộng sản xuất, nâng cao ý thức trách nhiệm của giai cấp nông dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước. Hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình, Nông dân Hội An luôn chấp hành tốt việc giao nộp lương thực theo nghĩa vụ cho nhà nước và trả đúng trả đủ các loại thuế theo quy định. Với phương châm tiết kiệm là quốc sách, nhằm giải quyết những khó khăn cho nền kinh tế xã hội, nông dân thị xã còn tham gia vào phong trào mua công trái, gửi tiền tiết kiệm …. để xây dựng quê hương. Điều đó nói lên ý thức trách nhiệm của người nông dân Hội An đối với sự nghiệp chung của đất nước.

Trong 5 năm (1981 - 1985), các phong trào thi đua lao động sản xuất của nông dân Hội An tiếp tục được đẩy mạnh và mang tính quần chúng sâu rộng. Sản lượng lương thực hàng năm tăng bình quân 8%. Có được kết quả đáng phấn khởi đó là do những cố gắng không mệt mỏi của các tầng lớp nhân dân. Công cuộc khai hoang phục hóa đã làm cho diện tích canh tác không ngừng được mở rộng. Phong trào làm thủy lợi, đào đắp kênh mương cấp 2, cấp 3 ở Cẩm Châu, Cẩm Hà đặc biệt phát triển, thu hút được sự tham gia của 15.700 lượt người. Nông dân từ chỗ còn chưa biết thì đến giai đoạn này đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất trên diện rộng, kết quả là “năng suất lúa từ 4 đến 5 tấn năm 1976 tăng lên 9 tấn năm 1985” [10]. Gắn vai trò của mình với thực tiễn sản xuất, tổ chức Hội Nông dân tập thể ở xã, phường cũng đã tích cực vận động hội viên tham gia thực hiện các phong trào làm phân xanh, bẫy đèn, bắt bướm, diệt sâu, diệt chuột….mà tiêu biểu là các xã Cẩm Châu, Cẩm Hà, Sơn Phong, nhằm bảo vệ thành quả lao động của bản thân mình. Trong khi đó, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã cũng được các cấp hội hết sức quan tâm. Hàng năm, hội đã đứng ra huy động hàng ngàn ngày công của nông dân để làm các công trình công cộng và phúc lợi xã hội như

xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trạm y tế, đường giao thông nông thôn… Nhiều hội viên nông dân thực hiện nghiêm chỉnh phong trào xây dựng cụm gia đình văn hóa mới, nếp sống mới.

Trong thời gian này, nông dân Hội An còn tích cực mở rộng diện tích trồng cói dệt chiếu và một số lại cây ăn quả có giá trị kinh tế. “Chỉ riêng trong năm 1985, nông dân thị xã đã trồng được 2.650 cây dừa, 20.000 cây đào lộn hột và hàng nghìn cây cam, chanh, bưởi. Không những thế, các cấp hội còn động viên hội viên tận dụng đất đồi gò trồng thêm 11.500 cây bạch đàn và dương liễu”[11]. Ngoài ra, trong thời gian này, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cũng thu hút sự chú ý của nhiều nông dân và đã được áp dụng thành công ở phường Cẩm Phô, thôn 1 và thôn 2 xã Cẩm Hà. Chính điều đó đã nói lên sự linh động sáng tạo, khả năng học tập, áp dụng và vươn lên làm kinh tế của những người nông dân Hội An.

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w