Nông dân HộiAn trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ (1969 – 1972)

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 82 - 86)

hóa chiến tranh” của Mỹ (1969 – 1972), đòi thi hành Hiệp định Paris, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương (1973 – 1975)

- Nông dân Hội An trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “Việt Nam hóachiến tranh” của Mỹ (1969 – 1972) chiến tranh” của Mỹ (1969 – 1972)

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân mặc dù chưa đạt được những mục tiêu đề ra, nhưng đã trở thành đòn quyết định xoay chuyển chiều hướng chiến tranh Việt Nam, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” và đặt Mỹ – ngụy vào một tình thế lúng túng, bị động. Chính vì vậy, trong những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã tiếp tục theo đuổi mục tiêu xâm lược và biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thực hiện chiến lược này, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã hết sức thâm độc khi “dùng người Việt đánh người Việt”, thực chất là

“thay màu da trên xác chết”, nhằm giảm xương máu của lính Mỹ trên chiến trường và tận dụng một cách triệt để xương máu của người Việt phục vụ cho các mục tiêu xâm lược ở Việt Nam với “bom đạn, đôla của Mỹ, do Mỹ chỉ huy và vì lợi ích của nước Mỹ”.

Trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” một trong những trọng điểm được Mỹ – ngụy hết sức chú ý và tập trung lực lượng hòng thực hiện cho bằng được đó là kế hoạch “bình định nông thôn” với mục tiêu tiêu diệt các cơ sở cách mạng của ta, kiểm soát đại bộ phận nông thôn miền Nam.

Nằm trên địa bàn được Mỹ – ngụy xác định là trọng điểm trong kế hoạch “bình định nông thôn” của chúng, Đảng bộ và nhân dân Hội An đã phải gánh chịu vô vàn những khó khăn thử thách trong giai đoạn này. Để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trên địa bàn Hội An, một mặt Mỹ - ngụy ra sức bắt lính và cưỡng ép thanh niên đi lính cho chúng, mặt khác, chúng tăng cường quân số và trang bị vũ khí cho các đại đội biệt kích, bảo an, dân vệ, tiểu đoàn công binh, tiểu đoàn chủ lực. Để kiểm soát dễ dàng tình hình ở các thôn xã, địch đã cưỡng bức nhân dân vào phòng vệ dân sự, mỗi xã chúng thành lập một đại đội, cưỡng ép lực lượng này phải nhận vũ khí, thường xuyên đi tuần tra canh gác nhằm tăng cường lực lượng kèm dân.

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng quân sự địch còn tập trung củng cố bộ máy cai trị. Những tên sĩ quan nổi tiếng tàn ác được đưa vào bộ máy chính quyền để răn đe và làm thui chột ý chí đấu tranh của quần chúng. Tại quận lỵ Hiếu Nhơn, tên

thiếu tá Thái Đình Lư lên làm quận trưởng đã không ngừng tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát tình hình ở đây. Một không khí căng thẳng bao trùm khắp thị xã Hội An.

Để “bình định nông thôn” Hội An, Mỹ – ngụy đã liên tục tổ chức những cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn vào vùng nông thôn thị xã và gây ra nhiều đau thương, chết chóc cho nhân dân cũng như tổn thất lớn cho cách mạng. Đi đến đâu chúng cũng san bằng, cày ủi, bắn giết, đốt phá tàn bạo nhằm biến toàn bộ nông thôn Hội An thành vùng trắng dân để cô lập, tiêu diệt cách mạng. Ở Cẩm Dương, chúng treo một cụ già lên cây khế để tập bắn, đốt cháy một cụ già rồi cho chạy làm mục tiêu di động ngắm bắn. Toàn thị xã có tới 21 thôn bị triệt hạ, hầu hết dân ở vùng giải phóng bị xúc vào 8 khu tập trung và 9 khu dồn ở các vùng ven. Ở vùng địch kiểm soát, nhân dân Hội An phải chịu sự kìm kẹp gắt gao của địch. Bên cạnh đó, các hoạt động tình báo, gián điệp, chỉ điểm, do thám, chiêu hồi, chiêu hàng cũng được chính quyền ngụy tăng cường. Phong trào cách mạng ở Hội An đang đứng trước một thời điểm khó khăn. Đứng trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, nhân dân thị xã đã thể hiện quyết tâm đánh bại âm mưu của Mỹ - ngụy và một niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Để đối phó với kế hoạch “bình định nông thôn” của Mỹ – ngụy, được sự vận động của Hội Nông dân Giải phóng Thị xã Hội An, nông dân Hội An đã tham gia tích cực vào lực lượng bộ đội địa phương nhất là ở binh chủng vận tải. Mặc dù phải tự trang bị, vũ khí còn thô sơ nhưng với tinh thần chiến đấu quả cảm bảo vệ thôn xã của mình, lực lượng này cũng đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và châm ngòi cho sự bùng lên của phong trào phá ách kìm kẹp của địch và bung về làng cũ của nhân dân Hội An.

Ngày 22 tháng 2 năm 1969, chiến dịch Xuân 1969 của nhân dân miền Nam bắt đầu. Hòa vào khí thế đấu tranh đó, phối hợp với hoạt động chiến đấu của lực lượng vũ trang, nông dân Hội An bị cưỡng ép vào các khu dồn Ngọc Thành, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Trường Lệ, Sơn Phong đã đồng loạt nổi dậy giúp đỡ bộ đội tảo trừ, lùng bắt bọn ác ôn. Riêng ở khu tập trung Chợ Cá và cả vạn ghe gần 500 chiếc, ngư dân đã đốt đuốc sáng rực mít tinh mừng thắng lợi. Được sự vận động, tuyên truyền của ta, nhiều gia đình đồng bào trong nội ô đã tự nguyện chuyển đồ đạc trong nhà ra đường phố làm chướng ngại vật, làm chiến lũy để bộ đội triển khai đánh địch phản kích. Tất cả những điều đó nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, một lòng một dạ với cách mạng của đồng bào Hội An.

Đến sáng ngày 23 tháng 2 năm 1969, địch phản công dữ dội. Tuy nhiên, trong làn “mưa bom bão đạn” của kẻ thù, quân và dân Hội An vẫn kiên trì chiến đấu nhằm ngăn chặn bước tiến của địch. Và trong cuộc chiến đấu đầy cam go và ác liệt đó, có nhiều người con nông dân Hội An đã ngã xuống vì quê hương mà Võ Nhỏ, Huỳnh Thị Lựu… là những tấm gương tiêu biểu.

Đến tháng 4 năm 1969, để kịp thời lãnh đạo phong trào trong lúc tình hình thực tế đang có nhiều chuyển biến mau lẹ, Thị ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại Cẩm Thanh. Hội nghị khẳng định: “vấn đề giành và giữ dân là cái gốc của mọi phong trào,

làm cho thế ta vững, lực lượng ta mạnh. Nếu để mất dân, vùng giải phóng bị thu hẹp thì thế của ta sẽ yếu, tiềm lực của cuộc kháng chiến vơi cạn, khó khăn ngày càng lớn. Vì vậy, …quyết tâm bám đất, bám dân, bám trụ chiến trường, nâng cao tư tưởng tiến công địch để giành dân, giành quyền làm chủ và ngược lại giành dân, giành quyền làm chủ để tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch” [5, tr.310]. Thực hiện chủ trương trên, phối hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang, nông dân ở nhiều xã trên địa bàn Hội An đã nổi dậy hỗ trợ, tổ chức nhiều trận đánh mìn, đột kích diệt tề trừ gian và khởi động phong trào đấu tranh của đồng bào trong các khu dồn.

Bên cạnh các hoạt động tấn công địch trên mặt trận quân sự, đấu tranh chính trị của quần chúng trong thời gian này cũng được đặc biệt quan tâm. Nhiều gia đình nông dân đấu tranh đòi trả chồng con bị địch bắt lính, đòi Mỹ rút quân về nước. Trong các khu dồn, nông dân đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi về làng cũ làm ăn. Trong thanh niên, học sinh bùng lên phong trào chống quân dịch, chống quân sự hóa trường học….

Ngoài ra, phong trào tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến cũng được nông dân thị xã hưởng ứng mạnh mẽ. Số nông dân bung ra khỏi các khu dồn cùng với số kiên trì bám trụ đã đấu tranh quyết liệt chống địch phá hoại để sản xuất. Kết quả, trên toàn địa bàn thị xã trong thời gian này đã làm được “836 mẫu ruộng, 50 mẫu bắp, 122 mẫu khoai lang, 108 mẫu đậu phụng, 26 mẫu sắn…” [29]. Song song với hoạt động sản xuất, nông dân thị xã còn đóng góp gần 500000 đồng để nuôi quân. Có thể nói rằng, đó thực sự là những cố gắng không nhỏ của nông dân Hội An trong điều kiện bom đạn kẻ thù hết sức ác liệt.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt, ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch –lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc đã qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam vì chưa được một lần đón Bác vào thăm. Theo kế hoạch thống nhất, từ ngày 11 tháng 9 năm 1969, ở tất cả các vùng giải phóng, vùng ven và nội ô, nhân dân Hội An đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay cả trong các khu dồn hoạt động này vẫn diễn ra. Nhiều gia đình nông dân còn lập bàn thờ trong nhà, thắp hương đèn tưởng nhớ Bác.

Bước sang năm 1970, sau một năm tiến hành kế hoạch “bình định nông thôn” chẳng thu được một kết quả gì, địch điên cuồng tiến hành “bình định đặc biệt” rồi “bình định nước rút” nhằm giành đất, giành dân với ta. Chúng liên tục đánh phá vào các vùng giải phóng Thượng Phước (Cẩm Kim), Nam Ngạn (Cẩm Nam), Trà Quế (Cẩm Hà), An Bàng, Tân Thành (Cẩm An), An Mỹ (Cẩm Châu) của ta. Xác định Cẩm Thanh là căn cứ địa của thị xã, là vùng đất đứng chân của ta nên địch đã cày xới tan hoang vùng đất này bằng bom đạn nhằm tiêu diệt cách mạng. Đồng thời, chúng tăng cường các phương tiện chiến tranh trên chiến trường Hội An, đặc biệt là việc đưa vào sử dụng các loại máy bay lên thẳng như “tàu rọ”, “tàu gáo” nhằm tăng cường tính cơ động trong việc do thám và phát hiện các vị trí ẩn náu của ta trong các lùm cây hay rừng dừa nước. Bên cạnh đó, địch còn tiến hành phong tỏa những con đường ta sử dụng để vận chuyển lượng thực, hậu cần và bí mật tăng cường hoạt động phục kích hết

sức biến hóa để chống lại chiến tranh du kích của ta. Tất cả những điều này đã gây ra khó khăn không nhỏ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Hội An.

Trước tình hình đó, để đối phó với âm mưu của địch, quán triệt nghị quyết của Đặc khu ủy Quảng – Đà về công tác chống bình định, giành và giữ dân, Thị ủy Hội An đã giương cao khẩu hiệu “biến khu tập trung thành quả bom nổ chậm”, “đưa chiến tranh vào giường ngủ của địch” và được đồng bào thị xã hưởng ứng mạnh mẽ. Nông dân các xã nhiều lần bị địch xúc tát bắt vào khu dồn, khu tập trung, nhưng đã tìm mọi cách đấu tranh để trở về vùng giải phóng, hoặc về sản xuất ở làng cũ để có điều kiện liên lạc, tiếp tế cho cán bộ, du kích. Tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh quả cảm đó là trường hợp ông Phạm Trợ - người anh hùng bám trụ ở xã Cẩm Thanh. Ở vùng địch kiểm soát, mặc dù bị địch kìm kẹp nhưng đồng bào vẫn một lòng hướng về cách mạng, luôn sẳn sàng che chở, giúp đỡ, nuôi giấu những cán bộ hoạt động trong các khu dồn. Chỉ riêng trong năm 1973, dưới sự vận động của Nông hội Giải phóng, toàn thị xã đã có 11.250 lượt quần chúng tham gia đấu tranh với địch. Một điểm thuận lợi nữa đó là trong thời gian này Nông hội Giải phóng thị xã rất chú trọng xây dựng tổ chức, đã hình thành ban phân hội Nông hội gồm 5 đồng chí, toàn thị xã có 43 tổ với 213 hội viên nông dân…. Chính nhờ được tổ chức quy củ và bài bản như vậy đồng thời luôn bám sát thực tiễn đấu tranh của quần chúng mà phong trào nông dân ở Hội An đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Cuộc kháng chiến ngày càng phát triển thì yêu cầu về quy mô lực lượng vũ trang ngày càng lớn. Vì vậy, để nhanh chóng bổ sung cho sự thiếu hụt đó, với sự vận động nhiệt tình của ta, nhiều thanh niên là con em nông dân trong các khu dồn đã thoát ly ra vùng giải phóng tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên là con em ngư dân đang hành nghề trên biển qua sự vận động, tuyên truyền của ta cũng đã tự nguyện thoát ly và tham gia vào bộ đội, du kích địa phương. Là những người con của Hội An, rất thông thạo địa hình cũng như con người ở đây, chính vì vậy, lực lượng này đã không những hoàn thành nhiệm vụ quân sự, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch mà còn kết hợp đấu tranh chính trị và binh vận hết sức có hiệu quả.

Đến cuối năm 1971, nhân lúc tình hình cách mạng miền Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, cục diện chiến trường chuyển biến có lợi cho ta, nhất là sau chiến thắng đường 9 Nam Lào, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị “giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua”, Thị ủy Hội An đã tập trung mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề lương thực, vũ khí và quân số nhằm chuẩn bị cho chiến dịch. Theo đó, từ tháng 11 năm 1971 đến đầu năm 1972, “nông dân Hội An đã tham gia tích cực vào phong trào đóng góp nuôi quân tổng cộng được 720000 đồng và 250 ang lúa. Cũng trong thời gian này, được sự vận động, tuyên truyền của ta, 267 thanh niên là con em nông dân, trong đó có 167 nữ đã thoát ly khỏi vùng địch và gia nhập vào lực lượng du kích và bộ đội địa phương” [5, tr.316]. Đến khi chiến dịch tiến công năm 1972 mở màn trên đất Hội An, cùng với những thắng lợi vang dội trên mặt trận quân sự như trận tấn công tiêu diệt cứ điểm thôn 5 Cẩm Thanh (20/2/1972), trận tiêu diệt khu dồn Phước Trạch (24/5/1972), một phong trào đấu tranh phá banh các khu dồn, bung về làng cũ làm ăn của nông dân

trên khắp địa bàn thị xã cũng lên cao mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Hội An cũng sôi nổi không kém. Chỉ tính trong năm 1972, dưới sự dẫn đầu của 293 quần chúng nòng cốt và 180 xung kích, quần chúng Hội An đã 115 lần nổi dậy đấu tranh trực diện với địch thu hút 8675 lượt người tham gia và 14 lần biểu tình vào tỉnh đường có 10565 lượt người tham gia, đưa hàng nghìn lá đơn kiến nghị cho ngụy quyền các cấp đòi các quyền dân sinh dân chủ, đòi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam…Tất cả những thắng lợi trên đây của quân và dân Hội An nói riêng và toàn miền Nam nói chung trong năm 1972 đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngày càng có nguy cơ bị phá sản. Đặc biệt, việc đánh bại cố gắng cuối cùng của Mỹ, nhằm tạo ưu thế trên bàn hội nghị ở Paris bằng trận “Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972 của quân và dân miền Bắc đã buộc Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom phá hoại và tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris để ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân thành phố HộiAn 1930 – 2010 (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w