Hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch

Một phần của tài liệu một số giải pháp thu hút khách đến với trung tâm giải trí sinh thái thuận thảo (thành phố tuy hòa, tỉnh phú yên) (Trang 55 - 58)

2.2.2.1. Hệ thống giao thông

Muốn phát triển du lịch trước hết cần phải có mạng lưới giao thông. Những năm qua, Phú Yên tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua Phú Yên, xây dựng tuyến tránh qua Tp. Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu, nâng cấp các tuyến đường trong tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ vốn của Trung ương, Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường Tp. Tuy Hòa đi Vũng Rô, tuyến đường Độc Lập, Long Thủy – Gành Đá Đĩa; nâng cấp đường lên Hải Đăng – Mũi Điện, điểm cực Đông – nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền Việt Nam,…

Mạng lưới đường giao thông có sự kết hợp chặt chẽ giữa các hệ thống đường với nhau. Hệ thống đường ô tô trong tỉnh có tầm quan trọng hàng đầu. Tỉnh có các tuyến đường chính theo hướng Bắc – Nam như Quốc lộ 1A, 1D; theo hướng Đông – Tây nối với các tỉnh Tây Nguyên là Quốc lộ 25. Ngoài ra, tuyến đường sắt chạy qua Phú Yên cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên, đây là một phần của tuyến du lịch xuyên Việt và trong tương lai lại là một phần huyết mạch của tuyến du lịch Đông – Tây nối liền Phú Yên – Đăk Lăk – Stung Cheng (Campuchia) – Bắc Xế (Lào) – U Bon (Thái Lan). Hệ thống đường biển đang được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng như: cảng Bãi Gốc (Vũng Rô), cảng Xuân Thịnh, An Hòa,… phục vụ cho phát triển công nghiệp và du lịch.

Về đường hàng không, tỉnh có sân bay Tuy Hòa, đang được đầu tư nâng cấp đưa vào sử dụng. Hiện nay, đang khai thác tuyến bay nội địa từ Tuy Hòa đi Tp. Hồ Chí Minh tần suất 1 chuyến/ngày và tuyến bay Tuy Hòa – Hà Nội với tần suất 5 chuyến/tuần. Việc phát triển các chuyến bay với hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là một yếu tố tiền đề cho phát triển du lịch tỉnh Phú Yên.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải khách đã thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, số lượng, chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ hành khách ngày càng nâng cao. Đã đưa tuyến xe buýt và một số doanh nghiệp vận tải chất lượng cao, taxi đi vào hoạt động: Công ty cổ phần Thuận Thảo, hợp tác xã vận tải cơ giới đường bộ Tuy Hòa, Cúc Tư,… Đến nay, có khoảng 200 xe từ 04 đến 45 chỗ ngồi, hoạt động dịch vụ trên 58 tuyến, trong đó có 28 tuyến liên tỉnh;… phục vụ cho khách du lịch.

2.2.2.2. Thông tin liên lạc

Hệ thống thông tin liên lạc từng bước phát triển, ngành đã tích cực đầu tư mạng lưới với trang thiết bị kĩ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và phục vụ kinh tế. Tỉ lệ sử dụng điện thoại tăng từ 0,8 máy/100 dân năm 1995 lên 10,7 máy năm 2005. 100% xã có điện thoại đến trung tâm xã, tại

các thị trấn, thị tứ, dọc Quốc lộ 1A cơ bản đã phủ sóng di động. Số hộ sử dụng thư điện tử, kết nối Internet còn thấp.

Trong thời gian qua, có nhiều dịch vụ mới được triển khai và có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh: dịch vụ điện thoại IP, dịch vụ điện thoại di động, dịch vụ MegaVNN, dịch vụ chuyển phát nhanh,… Với sự phát triển ngày càng nhanh của hệ thống thông tin liên lạc đã giúp cho việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của Phú Yên ra bên ngoài, góp phần thu hút khách du lịch.

2.2.2.3. Hệ thống cấp điện

Để phục vụ cho du lịch, không thể không nhắc đến việc sản xuất và cung cấp điện. Trong tỉnh hệ thống lưới điện quốc gia ngày càng được mở rộng. Sử dụng lưới điện 110KV quốc gia. Năm 2005: 100% xã có điện, trên 95% thôn có điện, tỉ lệ số hộ dùng điện: 95%. Sản lượng điện thương phẩm năm 2005: 235 triệu Kwh, bình quân 273 Kwh/người.

Trong tỉnh có nhà máy thủy điện Sông Hinh công suất 70MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, ngoài ra còn có nhà máy thủy điện có quy mô tương đối nhỏ: Sông Ba Hạ, Krông Năng.

2.2.2.4. Hệ thống cấp thoát nước

Phú Yên là địa phương được đánh giá là giàu tài nguyên nước, tuy nhiên, hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và suy giảm chất lượng nguồn nước. Người dân chủ yếu sử dụng nước mặt và nước ngầm; tại các đô thị, tỉ lệ hộ dân sử dụng nước máy còn thấp. Về chất lượng nước từ các công trình cấp nước tập trung chưa được kiểm soát và đánh giá đầy đủ; các công trình cấp nước nhỏ lẻ đang có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho dân cư, nhưng ở một số nơi, chất lượng nước các công trình đang xấu dần do nguồn nước bị tác động xấu bởi các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người.

Phần lớn tại các đô thị, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh chưa trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải. Nước thải chỉ được xử lý bằng bể tự hoại hoặc bán tự hoại, có nơi còn xả thẳng xuống sông, suối, hồ,…

Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt ngày càng tăng trong khi đó các bãi rác thải hợp vệ sinh chưa được quy hoạch và xây dựng kịp thời, biện pháp chủ yếu là chôn lấp, chất thải rắn công nghiệp và nguy hại chưa có cụm xử lý tập trung.

Vì vậy, đây còn là vấn đề cấp bách trong công tác quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị. Ngoài ra, đây là một thách thức lớn đối với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và hoạt động du lịch.

Một phần của tài liệu một số giải pháp thu hút khách đến với trung tâm giải trí sinh thái thuận thảo (thành phố tuy hòa, tỉnh phú yên) (Trang 55 - 58)