7. Bố cục của luận văn
2.3.4. Nỗi day dứt, ăn năn, nuối tiếc của hình tượng tôi
Trong một số ca khúc, người đọc, người nghe thỉnh thoảng cũng bắt gặp hình tượng nhân vật tôi - chủ thể trữ tình - với những cảm xúc ăn năn, nuối tiếc, dứt day, trăn trở trong tình yêu cũng như trong đời sống. Thứ cảm xúc này có khi hiển hiện rõ lên câu chữ, ca từ, cũng có khi bàng bạc qua nhịp điệu, giai điệu ca từ. Cảm xúc nuối tiếc, ăn năn, day dứt cũng đã ít nhiều xuất hiện ở những thi sĩ thơ Mới, rõ nhất là trong tác phẩm của “ông hoàng thơ tình” - Xuân Diệu: còn trời còn đất nhưng chẳng còn tôi mãi/nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời. Nếu tinh ý, ta sẽ nhận ra có một nét tương đồng giữa Trịnh Công Sơn và Xuân Diệu. Cả hai người thơ này đều bị ám ảnh bởi thời gian, mang cảm thức thời gian, nuối tiếc thời gian đời người và dường như mang một nỗi sợ vô hình: sợ thời gian sẽ lấy đi, mang đi tuổi trẻ, tình yêu và mọi thứ. Ý thức được thời gian là cỗ máy siêu hình tạo tác và phá hủy mọi hiện hữu, Trịnh Công Sơn luôn nuối tiếc những gì đẹp đẽ đã qua đi. Song giữa “ông hoàng thơ tình” và “ông hoàng tình ca” vẫn có sự khác nhau: Xuân Diệu vì sợ thời gian tàn phai năm tháng, tàn phai tình yêu, tuổi trẻ mà hóa ra khát khao một cách cuống quýt, vồ vập, muốn ôm, muốn riết, muốn thâu, muốn cắn, có phần bạo liệt và mạnh mẽ, dục giã và hối thúc. Trịnh Công Sơn thì ngược lại: nuối tiếc tình yêu, tuổi trẻ với một tâm thế trầm tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Xen lẫn chút sắc màu buồn bã và chịu đựng hơn, theo cái điệu lối của một con người minh triết.
Trong cõi thâm u của hồn mình, thi sĩ thời gian biết được rằng con người chỉ là một thân phận hữu hạn. Kiếp rong chơi chỉ là trăm năm. Cuối cùng rồi cát bụi, thiên thu cũng sẽ phủ bóng lên hiện hữu. Mà tình yêu ông dành cho người tình, cho đời là quá lớn. Trái tim quá lớn, ông ôm hết, nhận hết vào lòng mình những tình cảm, những thiết tha của những người nữ đến với ông. Nhưng dường như không thỏa. Không thỏa bởi mùa xuân của tình yêu, đời người vẫn trôi đi quá nhanh, “dòng sông trước kia tôi về/giờ đây đã khô không ngờ”. Những người nữ đến bên ông một cách lặng lẽ. Và ngồi, không nói. Em không nói điều gì. Bởi sự hiện diện của em trong cuộc đời tôi đã là một ý nghĩa, đã đem đến cho tôi một nguồn vui sống với đời. “Tay em kết nụ” hay chính em là một nụ hoa, nụ đời? Chỉ cần được thấy em líu lo xa gần, là tâm hồn tôi đã được nuôi dưỡng, được “nuôi trọn một đời”
78
rồi. Nhưng ông biết rằng, người tình - em cũng chỉ là cơn gió. Cơn gió sẽ bay đi. Em là một nụ hoa. Nụ hoa sẽ tàn trong một chiều hôm nắng vãn. Em là gót hài. Gót hài sẽ tan biến, in dấu trên dòng sông lặng lẽ đôi bờ thiên thu. Như thế, em đến bên đời, chở một mùa xuân hấp tấp. Mùa xuân vừa đến, nhưng đó là “mùa xanh lá vội”, nên lòng ông bỗng như hồn hoa cỏ dại, khơi lên một nỗi niềm ăn năn, nuối tiếc khôn cùng với thời gian, đất trời, năm tháng:
Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời
Nuôi một đời người. Mùa xuân vừa đến Xin mãi ăn năn mà thôi.
(Ru em từng ngón xuân nồng)
Thi sĩ đã “ăn năn” khi “mùa xuân vừa đến”, bởi ông đã nhìn thấy thấp thoáng “trong xuân thì có bóng trăm năm”. Mùa xuân quá vội, làm sao kịp yêu hết cõi đời này. Làm sao chung tình, trọn tình hết với những môi xưa hồng, với những màu áo lụa, những đường xa áo bay. Con người nhìn thời gian trôi đi, phá hủy mọi thứ mà đành bất lực. Quả là “thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng” vậy.
Đắm trong khí hậu cô đơn, bàng bạc cố hữu của phận mình, Trịnh Công Sơn đã cảm nhận được tuổi trẻ, đời người trôi đi một cách vô nghĩa. Ý thức được điều đó, con người cô đơn lại càng cô đơn hơn. Trong hành trình lữ thứ, có đôi khi chàng hoàng tử bé đã mượn những gác trọ làm “cõi tạm” trú chân. Một ngày kia, tất cả bạn bè, người yêu rời xa, chỉ còn lại gác trọ đìu hiu. Đối mặt với xa vắng, mênh mông, con người yêu đời ấy bị nỗi cô đơn vây khốn. Bỗng dưng trong lòng chợt bật dậy những cảm giác nuối tiếc, ăn năn thật lạ, mà ông gọi là “vùng ăn năn”:
Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu Tôi xin năm ngón tay em thiên thần
Trên vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.
(Lời buồn Thánh)
Có lúc ông đã tự trách mình sống sao còn đi bên lề cuộc đời quá, sống sao vẫn còn ơ hờ, hững hờ trước cuộc đời ngắn ngủi này quá:
Người ngồi xuống xin mưa đầy Trên hai tay cơn đau dài
79
Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ. (Mưa hồng)
Người nằm xuống nghe tiếng ru. Tiếng ru của tiền kiếp. Tiếng ru ấy là lời nhắc nhở của thiên thu: cần phải yêu đời sống hơn nữa, yêu người hơn nữa, không thể sống hoài, sống phí để tuổi trẻ, đời người trôi đi vô nghĩa. Cần phải quý trọng từng giây từng phút và sống sao cho đáng sống. Phải tận hưởng những giây phút đẹp đẽ của trần gian. Ngắm một đóa quỳnh nở giữa sương khuya, nghe một tiếng chim hót trong vườn hoa nắng sớm. Hay đơn giản, chỉ là ngồi một mình ngắm những tà áo dài em mười lăm tuổi, em hai mươi tuổi, với guốc mộc khẽ khàng gõ từng bước trên hè phố với một ánh mắt chứa chan xuân thì. Đó cũng là một lối sống không hững hờ mà người ca thơ muốn gửi gắm đến người đọc từ những tiếc nuối, ăn năn mà chính mình trải nghiệm qua kiếp rong chơi dưới ánh mặt trời này.
Sự day dứt, nuối tiếc tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn còn biểu hiện qua cách dùng từ ngữ, động từ “xin”: người ngồi xuống xin mưa đầy. Mùa xuân vừa đến, xin mãi ăn năn mà thôi. “Xin” không phải là cầu xin, van xin một cách nhu nhược, yếu hèn. Mà “xin” là một hành động nhận thức tự nguyện, một thái độ biểu hiện tình cảm chân thành, tha thiết, một thái độ ân cần của con người trước tình yêu.