Quan niệm của Trịnh Công Sơn về tình yêu nam nữ

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 57 - 62)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Quan niệm của Trịnh Công Sơn về tình yêu nam nữ

Trịnh Công Sơn từng tâm niệm: “Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông, chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình” [16; tr.248]. Chính vì muốn người đời hiểu và cảm thông mà trong các tập hồi kí, bài viết, phỏng vấn, ông đã trình bày suy nghĩ về nhiều vấn đề của đời sống. Đáng chú ý hơn cả, ông đã “diễn đạt” quan niệm về tình yêu nam nữ, một đề tài bất tận của thi ca nhạc họa.

56

hiện ở hai điểm. Thứ nhất, ông nhìn tình yêu ở một góc độ, điểm nhìn khác so với các nghệ sĩ. Thứ hai, từ góc nhìn khác ấy, ông đã tìm ra cách diễn đạt tình yêu bằng một lối nói mới lạ, độc đáo, có sức ám gợi mạnh mẽ. Qua đó, hầu như ai cũng thấy mình trong thơ nhạc của ông, thấy mình được an ủi, đồng cảm và có thêm niềm tin vào đời sống. Vấn đề quan niệm về tình yêu nam nữ, tìm hiểu các bài viết của Trịnh Công Sơn, chúng tôi rút ra được một vài luận điểm căn bản như sau.

Thứ nhất, Trịnh Công Sơn luôn có cái nhìn, quan niệm về tình yêu nam nữ mang tính nhị nguyên, không giống quan niệm của người khác. Thông thường khi nói đến tình yêu, các nghệ sĩ thường ngợi ca, lãng mạn hóa nó. Có người gặp trắc trở trong tình yêu, thì lại có những quan niệm cực đoan, phiến diện về nó. Trịnh Công Sơn thì khác: ông luôn nhìn ngắm tình yêu con người dưới góc nhìn có tính nhị nguyên. Tình yêu bao hàm hai thái cực, cả hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau: “Tình yêu thường mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đóa quỳnh héo úa, ngủ trong khổ đau” [16; tr.25]. Trong đoạn văn trên, ông nhắc đến nỗi khổ đau và niềm

hạnh phúc như là hai trạng thái đối nghịch cùng tồn tại song song trong tình yêu. Tính nhị nguyên còn biểu hiện ở chỗ: “Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức” [32; tr.166]. Con người nếu biết yêu một cách cao thượng, tình yêu sẽ biến thành sức mạnh “nâng bổng” ta lên, làm ta trưởng thành hơn. Song nếu ta vì quá cuồng si mà sinh nông nổi, suy nghĩ và hành động nông cạn thì tình yêu sẽ “nhấn chìm” ta trong dục vọng, thậm chí là thất bại: “Có cuộc tình mang đến cái chết, nhưng cũng có những cuộc tình mang đến sự hồi sinh” [18; tr.96]. Viết như thế, ta có cảm tưởng Trịnh Công Sơn như một người thầy dạy về tình yêu. Cái chất sư phạm của ông có lẽ là ở lối nói mang tính giáo dục một cách ý nhị, nhẹ nhàng ấy.

Thứ hai, tình yêu là một dạng tình cảm có xu hướng biến đổi, vô thường. Trong cái vô thường ấy thì nó thiên về cái bất hạnh, mong manh, dễ tàn, dễ mất: “Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình yêu thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất nhau rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng” [18; tr.149]. Có tình thì khó, mà mất tình thì quá dễ. Sự tan vỡ trong tình yêu đôi khi bắt nguồn từ những lí do không đâu, những nguyên do nhỏ nhặt, ngộ nhận, hiểu lầm. Nhưng nó lại có sức bào mòn tình cảm dần dần và khoảng trống ngăn cách tâm hồn ngày càng lớn. Đến một độ nào đó thì nó trở thành cơn địa chấn có sức tàn phá ghê gớm, hủy phá đi tình cảm bấy lâu nay vun đắp: “Tôi cũng đã biết tình yêu thường mở ra những cơn địa chấn kinh hoàng và đã đôi lần quay về xác xơ

57

làm con quạ già kể hoài một chuyện tình đã chết như loài quạ vẫn thường về kêu ngậm ngùi trên nóc nhà một người hấp hối” [18; tr.18].

Khi tình tan vỡ, ta thường nghĩ rằng nó đã chết và có thể quên hẳn được để vui duyên mới. Thế nhưng Trịnh lại quan niệm khác. Lấy cuộc tình này để lấp chỗ trống, xóa đi cuộc tình kia chẳng qua cũng chỉ là tự lừa dối mình mà thôi. Bởi nó đã tạo thành vết tích cháy xém, in dấu trong hồn ta, không dễ gì phai được: “Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh đời vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng một bên ngoài mà thôi[18; tr.149]. Rõ ràng, kí ức tình yêu thì mãi đọng lại trong lòng, dù ta muốn hay không. Trịnh nói, tình do tâm mà sinh ra. Có khi tình mất mà tâm còn động vọng là vì thế.

Thứ ba, Trịnh Công Sơn quan niệm, tình yêu là một dạng tình cảm có khởi nguồn tự nhiên, có tính tự nhiên và tự do. Nó là tình cảm tự nhiên của con người, hai người tự nguyện gắn kết hai tâm hồn. Nó được sinh ra từ tâm. Không ai có thể hối thúc, cưỡng ép, áp đặt để tạo ra nó hay khống chế hủy diệt nó được: “Tình yêu tự đến và tự đi. Không cần ai dìu dắt. Nó hoàn toàn tự do. Muốn giam cầm nó thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi, có khi nó ở lại” [16; tr 25]. Bởi có tính tự do, cho nên khi nó ra đi, con người cũng không thể nào cứu vãn được một cuộc tình hấp hối. Ông viết: “Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi muốn ra đi thì không có một tiếng kèn nào đủ màu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã có sẵn mầm sống lẫn sự hủy diệt” [16; tr.25].

Tình yêu được ví như pha lê, trong suốt, lung linh nhưng dễ vỡ. Khi tan vỡ, người ta thường dùng mọi biện pháp để níu giữ nó lại. Nhưng thật hiếm có trường hợp nào níu giữ lại được, mà không hằn những vết thương lòng. Ta càng cố níu giữ quyết liệt, nó càng vùng lên để ra đi dứt khoát và mạnh mẽ hơn, tựa như ngọn đèn lúc hết dầu, “phực” lên ánh sáng cuối cùng rồi mới chịu tắt hẳn. Trịnh Công Sơn đã lắng nghe âm vọng tình yêu cõi người và rút ra kinh nghiệm bi thiết ấy gửi lại cho đời. Do đó khi đọc Trịnh, ta phải thức tỉnh từ những điều ông nói. Cố gắng đối xử với tình yêu một cách nhẹ nhàng, tế nhị, để nuôi dưỡng nó ngày càng tốt hơn lên.

Thứ tư là sự giả trá, lừa dối của con người trong tình yêu. Bên cạnh tình yêu chân thật, cao cả đầy thiêng liêng và đáng ngưỡng mộ, thì con người cũng dễ tạo ra sự giả trá, kịch tuồng trong tình yêu. Làm nó mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tình yêu nguyên thủy ban sơ. Sự giả trá ấy khi bị phát hiện và bóc trần, nó sẽ khiến người trong cuộc đau đớn, hoang

58

mang điêu đứng, mất đi niềm tin vào đời sống. Ông viết:

Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu. Yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói cười huyên thuyên [32; tr.166].

Vì con người đến với nhau bằng sự giả trá nên tình yêu đã hóa thành màn kịch mà người dựng lên đồng thời là kẻ sắm vai, còn người kia là nạn nhân. Trịnh cho rằng thứ tình ngụy trang ấy là rất tầm thường. Nó chỉ là “những vết tích chết” trong lòng người hoang mang tan rã: “Từ đó tình yêu chỉ còn là những vết tích chết được con người manh nha ngụy trang để lừa dối nhau. Môi đã khô từ ngày hạn hán. Nước miếng được ve tròn như những hạt kim cương đục ngầu. Trái tim là quả ổi đen trên cành cằn cỗi trụi lá. Lời yêu thương như lên men từ cõi chết ù lì” [18; tr.18].

Thứ năm, Trịnh quan niệm trong tình yêu còn có sự phản bội, phụrẫy: “Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi” [18; tr.149]. Kẻ phụ tình ra đi, nhưng bỗng một ngày nào đó lại quay về, “Vì một chọn lựa tưởng rằng đã đúng, cuối cùng sai. Và trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương” [18; tr.187]. Kẻ thì ra đi, người thì ở lại với nỗi đau. Thời gian đã xoa dịu và vết thương lòng đã lên da non. Nhưng khi người cũ quay về thì “vết thương tỉnh thức”, khiến con người đau đớn hơn, rơi vào tiến thoái lưỡng nan: “Một vết thương đã lành lặn lâu rồi, bất chợt vỡ òa như một sự tỉnh thức. Tỉnh thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng rằng đã thuộc về quá khứ. Nhưng không. Không có gì thuộc về quá khứ cả. Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó. Nó nằm chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương” [18; tr.187].

Phụ tình. Ra đi, quay về. Sự trở về ấy cũng chẳng làm cho hai tâm hồn hạnh phúc được. Như thế, sự phụ rẫy làm nên bất hạnh của người, bất hạnh của đời: “Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn dông bão” [18; tr.188]. Viết nên sự thật đau đớn ấy, Trịnh Công Sơn không phải tỏ thái độ bi quan về tình yêu. Trái lại, ông muốn cất lên tiếng chuông mai, chuông chiều thức tỉnh con người. Mong muốn con người phải biết yêu bằng thái độ chân thành và sự tử tế.

59

Thứ sáu, Trịnh đã có một so sánh độc đáo, khác suy nghĩ thông thường của người đời. Ông cho rằng tình bạn thật hơn tình yêu. Đó là một quan niệm mới, đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Ông viết: “May thay trong cuộc đời này có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có một khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có nhưng không nhiều” [18; tr.188]. Sự so sánh này không phải trường hợp nào cũng đúng, nhưng không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi trong tình bạn, con người kết thân với nhau ít khi phân biệt sang hèn, cũng ít có sự toan tính. Ngược lại, trong tình yêu, con người thường toan tính. Những thiệt hơn, những lựa chọn, vật chất, danh vọng, đắn đo cân sắc, cân tài. Do đó, tình yêu dễ mang dáng dấp của đổi chác, mất đi tính tự nhiên và màu nguyên sơ vốn có của nó.

Cuối cùng, tình yêu có những mặt trái, song không thể phủ nhận được là nó vẫn rất cần thiết và làm nên ý nghĩa của đời sống: “Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu” [32; tr.167]. Ông còn đi đến một quan niệm như là biện pháp: tình yêu cứu vãn hư không. Nếu không có tình yêu, đời sống sẽ mất đi ý nghĩa, vô vị, chẳng khác gì cõi hư không. Trịnh nói: Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào đó nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời. Cuộc sống toàn những thân phận: buồn nhiều hơn vui, đắng cay nhiều hơn ngọt bùi, giọt lệ nhiều hơn tiếng cười vô tư, mong manh nhiều hơn sự trường cửu, vực sâu nhiều hơn đỉnh cao. Do đó, để cuộc sống bớt đi bất hạnh, con người phải biết yêu thương nhau, cảm thông, chia xẻ và thấu hiểu, kể cả trong đời sống và tình yêu đôi lứa. Nếu ta làm được điều đó, tình yêu sẽ được nhân lên, và nó sẽ “cứu chuộc” được thân phận. Tình yêu cứu chuộc thân phận được xem như là “tuyên ngôn” về tình yêu mà ông muốn gửi lại cho đời. Đó là thứ triết lí mang đậm Phật tính, chứa đựng những tư tưởng nhân văn sâu sắc, bi thiết mà con người và nhân loại sẽ phải suy ngẫm.

Tóm lại, quan niệm về tình yêu nam nữ của Trịnh Công Sơn vừa có những điểm tương đồng với mọi người, song cũng có những điểm rất mới mẻ. Có được điều đó là nhờ ở sự trải nghiệm cộng với sự tinh tế của người nghệ sĩ - một nhà sư phạm mẫu mực về tình yêu, khi ông đã đứng trên hai mặt sấp ngửa của nó. Tiếp cận với những quan niệm lạ và mới (sự giả trá, tình yêu thật hơn tình bạn), nó không làm cho ta có cái nhìn bi quan về tình yêu. Mà chúng ta phải lấy đó làm gương để tự soi mình, lấy đó làm lời răn, sự cảnh tỉnh cho mình. Trịnh Công Sơn không phải là nhà giáo dục, nhưng quam niệm về tình yêu đôi lứa của ông

60

chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có tác dụng giáo dục cho mọi thế hệ. Đó là những góp quý giá vào kho tàng tư tưởng, tinh thần nhân văn của thời đại, và còn mãi cho hậu thế.

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)