Sự cô đơn trong tình yêu

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 72 - 76)

7. Bố cục của luận văn

2.3.2. Sự cô đơn trong tình yêu

Cô đơn là một khía cạnh biểu hiện của nỗi buồn khổ trong tình yêu. Trịnh Công Sơn trong đời sống cá nhân và cả trong tác phẩm đều bộc lộ nỗi cô đơn cùng cực của mình. Điều đáng nói là cảm thức cô đơn, lạc loài trong ca từ của ông là nỗi cô đơn thật, là bản chất như nhiên của người nghệ sĩ chứ không phải là thứ cô đơn vay mượn, giả tạo. Nỗi cô đơn có hai nguyên nhân: cô đơn như là bản chất, là bản thể con người, gọi là thứ cô đơn nội sinh; và cô đơn do ngoại cảnh mang đến.

Trong ca từ Trịnh Công Sơn, người đọc thường bắt gặp hình tượng nhân vật trữ tình mang tâm trạng cô đơn như một con người lãng du, độc hành, đi qua những cuộc tình, đi qua những cuộc đời, “những miền đất lạ”, gánh trên vai cả “đôi vầng nhật nguyệt”, cả “trời cao đất rộng”. Trong Lặng lẽ nơi này, nhân vật trữ tình xuất hiện với tính cách như là con người đã từng trải, nếm trải. Nói cách khác là đã có cơ hội đứng trên hai mặt sấp - ngửa, ngọt - đắng, rộng - hẹp của tình yêu:

71

Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời Tình yêu như biển, biển rộng hai vai Tình yêu như biển, biển hẹp tay người Biển hẹp tay người, lạc lối.

(Lặng lẽ nơi này)

Bằng thủ pháp đối xứng, tác giả đã dựng hình một cảm nhận đối nghịch của hình tượng: sau cuộc tình, nhân vật chiêm nghiệm, ngộ ra được những đối lập, những ngọt - đắng, rộng - hẹp của nó. Tình có rồi lại mất, không thể níu giữ được, “làm sao ru được tình vơi”. Mất tình, con người cũng “lạc lối”. Cuối cùng tình yêu cũng không níu giữ được người mình yêu, nhân vật như lọt thỏm vào cõi cô đơn cùng khắp, mất phương hướng, chỉ còn biết độc hành trong tịch lặng u trầm:

Trời cao đất rộng, một mình tôi đi Một mình tôi đi, đời như vô tận

Một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi.

Không gian trước mắt nhân vật là một cõi mênh mang vô tận. Không phố thị, không cửa nhà. Không còn người. Không còn ai. Chỉ còn một mình bước hoài. Đi cũng một mình, “một mình tôi đi”. Về cũng một mình, “một mình tôi về”. Đến câu cuối “một mình tôi về với tôi” thì chữ với tôi đã làm hiện hình được cái cô đơn, độc chiếc đến tận cùng của con người. Cảm giác như chới với. Hồn như đã kết bạn với hư không. Nỗi cô đơn này là cô đơn ngoại sinh, do bên ngoài mang đến: mất tình.

Cũng là nỗi cô đơn từ bên ngoài mang đến, nhưng ở Em đi bỏ lại con đường thì nguyên nhân bên ngoài đã rõ ràng hơn, như cái tựa đề ca khúc:

Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi Bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người Bỏ trăm năm sau, ngàn năm nữa Bỏ mặc tôi là, tôi là ai.

(Em đi bỏ lại con đường)

Thống kê, ca khúc có 130 âm tiết thì đã có 26 chữ “bỏ” (chiếm 20%) và 2 chữ “em đi” tương đương “bỏ”. Những chữ “bỏ mặc” đứng đầu câu đã nhấn mạnh, lột tả được nỗi cô đơn, “hoang vu và nhỏ bé” của hình tượng tôi, đồng thời chỉ rõ nguồn cơn của sự hoang vu ấy: đó là hệ quả sự phụ rẫy của emđối với tôi. “Em đi bỏ lại con đường”, tôi về với nỗi tiếc thương bạc lòng. Tôi như tịch lặng trong cõi riêng, cố thu mình nhỏ lại. Dè dặt hơn, khép

72 lòng hơn, nhỏ lại trong thân phận riêng tư.

Con người cô đơn cất bước trên hành trình lữ thứ trần gian ấy cũng có lúc mệt mỏi, chồn chân, muốn dừng nghỉ hay về lại ngồi yên dưới mái nhà, để mong tìm một chốn trú ngụ bình yên, một phút giây thanh thản trong tâm hồn. Nhưng khi quay về chốn cũ vườn xưa rồi, có bình yên đấy, nhưng cảnh vật sao quạnh quẽ quá. Nó quạnh quẽ bởi vườn xưa in dấu chân người xưa mà nay đã không còn:

Người lên tiếng, hỏi người có không Người đi vắng, về nơi bế bồng.

(Vườn xưa)

Về chốn cũ, vườn xưa. Đẹp mà buồn. Bình yên mà hoang vu. Chồi hoang vu không hiện lên trên cành lá, mà mọc trong tim người. Tất cả những kỉ niệm, những êm ấm, hạnh phúc, thiết thân, gần gũi ngày xưa cùng người giờ đây chỉ còn lại không gian im lìm, vắng không, tối tăm của góc vườn mưa lặng lẽ kia:

Nhà im đứng, cửa đóng cài then Vườn mưa xuống, hành lang tối tăm Về thôi nhé, cổng chào cuối sân Hờ hững thế, loài hoa trắng hồng.

Nhà vẫn đấy, mà “im đứng cửa đóng cài then”. Vườn xưa xanh đấy, mà nay “mưa xuống hành lang tối tăm”. Thêm nữa, cuối vườn, loài hoa nở trắng hồng. Đẹp đấy. Mà sao hờ hững thế… Trước mặt chỉ còn là một không gian lặng lẽ, khép kín và u sầm. Nó khiến cho nỗi cô đơn của người về chốn cũ trở nên bàng bạc. Con người trong không gian ấy cũng trầm ngâm, lặng lẽ hơn trong góc hồn mình.

Nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình trong ca từ Trịnh Công Sơn không chỉ có nguyên nhân từ ngoại cảnh (mất tình, bị phụ tình) mà còn là nỗi cô đơn bên trong: mầm cô đơn mọc chồi ngay trong bản thể. Nó là bản chất tự nhiên. Trong Đêm thấy ta là thác đổ, người đọc cảm nhận được một thế giới lơ mơ, vừa thực, vừa ảo. Thế giới ấy hiện lên với bước chân lữ thứ một đêm đi về gác nhỏ, với đóa tường vi, với cỏ lá mong manh, với cái cựa mình của đóa hoa mới nở trong vườn khuya... Đặc biệt là âm thanh mơ hồ của thác đổ. Nhân vật trữ tình như một con người lãng du, có lúc trở về gác trọ, có lúc lại đi về giữa chợ, có lúc lãng đãng cất bước lữ thứ qua một thành phố đang ngủ trưa bất chợt. Bước chân người rất nhẹ. Rồi chợt một hôm, con người lãng du ấy gặp lại hồn mình như đốm lửa trong vườn khuya:

73

Vườn khuya đóa hoa nào mới nở, đời tôi có ai vừa qua. (Đêm thấy ta là thác đổ)

Hiện lên trước mắt ta, hình ảnh đốm lửa chập chờn. Vườn khuya, không gian tĩnh lặng. Hình ảnh trung tâm của bức tranh vườn khuya: đốm lửa. Lửa xưa nay là biểu tượng cho sự sống, cho niềm khao khát, cho hạnh phúc và khơi dậy cảm giác ấm áp nơi con người. Thế nhưng hình ảnh đốm lửa chập chờn trong vườn khuya của Trịnh Công Sơn thật kì lạ: nó là đốm lửa cô đơn. Bởi lẽ, thứ nhất, nó được nhóm lên trong vườn khuya tịch lặng, vắng bóng con người nên dễ ám gợi cảm giác cô đơn. Thứ hai, hình ảnh ấy là “đốm lửa” chứ không phải “ánh lửa”. Ánh lửa là sự bùng cháy mạnh mẽ, gợi lên cảm giác ấm áp. Còn “đốm lửa” thì mong manh, chờn vờn, sáng lên đấy rồi vụt tắt đấy. Đốm lửa ấy còn được so sánh với đời người, “đời ta có khi là đốm lửa”. Sự so sánh làm bật lên, vỡ ra biết bao nhiêu là ý nghĩa: đời người, tình yêu cũng tựa như đốm lửa kia. Nó nhỏ bé, chập chờn, mong manh lắm. Đốm lửa là hình ảnh của vô thường. Đời người, tình yêu cũng vô thường như đốm lửa. Nhận thức được sự hữu hạn ấy, nhân vật cảm thấy mình bất lực và cô đơn. Bởi tình yêu dành cho đời, cho người, cho em, cho những mắt môi xưa hồng, cho những đóa tường vi nở muộn, những đóa lan trong vườn, những sen xanh, sen hồng một thuở… là quá lớn, là vô biên, vô tận. Vô biên như thác đổ trăm năm. Vô tận như thác đổ nghìn năm. Đổ từ ban sơ, khởi thủy, cho đến hiện tại, tỉnh ra vẫn còn nghe: “nhiều đêm thấy ta là thác đổ/tỉnh ra có khi còn nghe”.

Vườn của Trịnh Công Sơn không phải là vườn sớm, vườn trưa mà là “vườn khuya”. Không gian vườn gắn với thời gian đêm khuya là không gian yên tĩnh. Nó là không gian của sự hồi tưởng, tiên nghiệm lẽ sống. Con người đối diện với đốm lửa vườn khuya ấy, lại liên tưởng tới sự mong manh của đời mình. Con người tồn tại trong sự đối nghịch: xác thân là đốm lửa chập chờn hữu hạn, mà tâm hồn lại là thác đổ tình yêu vô cùng. Thấy được sự hữu hạn ấy, con người sinh ra cô đơn, nuối tiếc. Nhìn một đóa hoa mới nở góc vườn khuya mà đã cảm giác như sắp mất một tình yêu, như một người tình vừa đi qua đời mình, “vườn khuya đóa hoa nào mới nở /đời tôi có ai vừa qua”. Như thế, cái cô đơn ở đây là thứ cô đơn, buồn bã mang tính bản thể, là bản chất, là cội nguồn, nó cắm rễ sâu trong tiềm thức con người. Nó là thứ cô đơn tuyệt đối của một tâm hồn nhạy cảm trong tình yêu, cõi hữu hạn này.

74

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)