Cội nguồn quan niệm về tình yêu nam nữ của Trịnh Công Sơn

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 62 - 64)

7. Bố cục của luận văn

2.1.2.Cội nguồn quan niệm về tình yêu nam nữ của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn đã được gọi bằng những danh xưng khác nhau: Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỉ (Thanh Tùng), ông hoàng của tình ca (Nguyễn Trọng Tạo), thiền sư du ca(Đỗ Minh Tuấn)... Những danh xưng ấy được họ phát ngôn dưới những góc nhìn khác nhau về tài năng và đạo đức của người ca thơ họ Trịnh. Người đọc và cả những nhà nghiên cứu đều xem ông như là một người lập thuyết, đưa ra những tuyên ngôn về tình yêu. Còn ông, ông chỉ thừa nhận mối lương duyên với những khúc bi ca tình yêu của thế kỉ như sau: “Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống hình thành. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình những giọt nước mắt kia” [18; tr.69-70].

Vậy, đâu là cội nguồn của những quan niệm về tình yêu của Trịnh Công Sơn? Theo chúng tôi, để hình thành những quan niệm ấy, có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, ông đã đúc rút ra được từ chính sự từng trải, chiêm nghiệm của bản thân qua những cuộc tình. Chúng ta đều biết, Trịnh Công Sơn là người nghệ sĩ đa tài, đa cảm. Hơn nữa, ông cũng là người yêu rất nhiều, được yêu cũng nhiều, và bị phụ tình cũng không ít. Theo tư liệu, có hai lần ông định lập gia đình nhưng không thành. Nguyên nhân thế nào, người đời có vô vàn lí giải. Theo chúng tôi, đó chỉ có thể là định mệnh truyền kiếp của những thiên tài. Cô đơn và dang dở là thứ ân sủng mà Thượng đế ban tặng cho những phiến tài tình, tài tử một đời rong chơi như ông. Bởi lẽ một trái nhân ái quá bao la, quá vô biên với con người như thế thì làm sao có thể đóng khung, nhốt nó vào một mái ấm gia đình như những người bình thường khác được? Do đó, Trịnh Công Sơn từ khi là hạt bụi sinh ra, cho đến khi về nằm bên mẹ, ông vẫn là chàng lãng tử cô độc trên hành trình tìm kiếm bản thể.

Có những người tình rõ mặt rõ dáng và có những người tình không tên đi qua cuộc đời nghệ sĩ. Những đóa xuân xanh một thuở như Bích Diễm, Dao Ánh, Bích Khê, Thanh Thúy là nguồn cảm hứng để Trịnh cho ra đời những tình ca - thi phẩm bất hủ. Nhưng cũng có những người tình chỉ thoáng qua đời ông, thậm chí là người mà Trịnh chỉ gặp trong phút chốc nào đó, bản thân họ cũng không biết được mình có mặt trong những tình ca của ca nhân họ Trịnh kia. Bao người đến, ông luôn mở rộng tấm lòng đón nhận tất cả. Trân trọng, nâng niu tất cả, dù là những gì nhỏ nhặt nhất. Bao người đã bỏ ông mà đi, ông không hề

61

trách móc, thắc mắc nguyên do hay nghi ngờ về sự đến, đi của họ. Người tình ra đi, Trịnh chỉ biết tiếc nuối hay ngậm ngùi cùng với vườn khuya, với tường trắng lặng câm, với rong rêu hao mòn, hay thu mình góc tối. Hành trình hơn 60 năm của một hạt bụi tuyệt vời, một hạt cát ngu ngơ dưới chân thế kỉ XX, Trịnh Công Sơn đã có được những trải nghiệm, cả hoa hồng lẫn gai góc. Qua đó, ông đã khai mở được tình yêu con người với những ngọt ngào hạnh phúc cũng như những đắng cay bất hạnh. Từ đó, ông chưng cất chúng thành những triết lí, phả vào nó những “lời ca đau trên cao” lẫn “bình minh lên sớm”.

Thứ hai, sự từng trải không thôi thì chưa đủ, cần phải có một tâm hồn tinh tế,nhạy bén

nữa. Bởi trong gầm trời này, có biết bao nghệ sĩ cũng yêu nhiều, từng trải nhiều nhưng họ đâu có được thứ triết lí tình yêu thấu triệt và độc đáo như ông. Sở dĩ làm được điều đó còn là vì một lẽ nữa: ông có một trực giác linh diệu và một tâm hồn vô cùng tinh tế, nhạy bén, để từ đó phát hiện ra những ý nghĩa mới, những ẩn dấu, những đổi thay, trong những cuộc tình gần, những cuộc tình xa của mình. Đôi khi là cả cuộc tình của người khác mà ông có dịp chứng kiến. Trái tim đa sầu đa cảm ấy dễ rung động trước một vẻ đẹp, một dung hình, một cử chỉ, một thái độ, cách ứng xử đẹp. Cũng như dễ đau đớn, tan rã trước những cuộc tình không may, những cuộc tình khói mây hấp hối, những dối lừa. Trịnh đã thu nhận nó, rồi lùi vào một khoảng lặng cô đơn cần thiết, dường như cố hữu, để suy tư về nó, ngẫm nghĩ về nó. Rồi bất chợt, bừng lên những ánh thép, những tuyên ngôn tình yêu ra đời.

Thứ ba, tính vô thường trong quan niệm về tình yêu là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt hệ thống tác phẩm của ông. Nguyên nhân khiến Trịnh có được cái nhìn thấu thị ấy là bởi ông sớm hấp thụ được giáo lí vô thường của nhà Phật. Từ nguyên lí căn bản này, Trịnh soi rọi nó vào phận mình, phận người, thân phận tình yêu của cả thời đại và phát hiện ra những dạng thức, biểu hiện muôn màu muôn vẻ của nó. Vô thường: không chắc chắn, không trường tồn. Giáo lí vô thường mang đến một xác nhận như một sự phát hiện chân chính, đó là tất cả những sự vật, hiện tượng, dù thuộc tự nhiên, xã hội hay tâm lí, đều là vô thường. Trịnh Công Sơn ngay từ nhỏ đã học và thấm nhuần kinh Phật. Lời kinh, tiếng kệ đã thấm vào tư tưởng tự lúc nào không hay. Thậm chí, nó còn thấm cả vào cách sống, lối ứng xử với đời, với người của ông nữa. Từ đó khiến cho ca từ của ông đậm đặc triết lí vô thường, biến đổi, có nằm trong không, buồn nằm trong vui, đỉnh cao cạnh kề vực sâu...

Nguyên nhân cuối cùng, Trịnh Công Sơn cũng là người hay bị phụ tình. Đã có biết bao mối tình gần, tình xa đi qua cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa ấy. Có những mối tình sâu đậm, có những mối tình thoáng qua, nhưng tất cả thì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng

62

sông nhỏ”. Tất cả những bóng hồng đều như những vạt nắng cuối trời, đến là để ra đi.Và ra đi là đi mãi. Trịnh có không ít những cuộc tình phụ. Từ những cuộc tình ấy, ông nghiệm ra được những nẻo tình, những khuôn mặt sấp ngửa, những chân - giả của tình yêu. Từ đó, với nội cảm và tài năng sai sử ngôn ngữ, ông đã chưng cất thành những triết lí, diễn đạt nó dưới dạng những ca từ mơ hồ trong tư duy mà lại rất thật trong tâm hồn. Trịnh thừa nhận, bội tình đôi khi cũng là thứ “men” kích thích, làm bùng nổ sự sáng tạo: “Sự phản bội đôi khi cũng cần thiết để cho tình yêu đẹp hơn, đậm đà hơn, buồn bã một thứ nhan sắc lạ lùng hơn. Từ đó câu thơ ra đời. Tiếng hát ra đời” [18; tr.217]. Như thế đủ thấy, câu thơ, tiếng hát ra đời không chỉ từ những môi hôn nồng nàn mà còn cả từ những lìa chia, phụ rẫy. Thậm chí Trịnh còn cho rằng, sự phụ bạc đôi khi là cái may chứ chưa hẳn là sự buồn bã: “Cái may ở đời là bị phụ tình” [18; tr.220]. Ông nói vậy vì tình phụ, kẻ bị phụ tình sẽ ngộ ra được những điều mới mẻ trong vô biên lòng người. Tình phụ sẽ làm con người ta tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn. Trưởng thành hơn. Và cũng dè dặt hơn. Tất nhiên là cũng sẽ biết nâng niu quý trọng những cuộc tình sau này hơn.

Tóm lại, cội nguồn quan niệm tình yêu của Trịnh Công Sơn thì có nhiều. Song, chúng chỉ là ở cái thế “khả năng”, còn từ nguyên nhân ấy mà khái quát lên thành những luận điểm như là những tuyên ngôn, những triết luận, những ca từ mênh mang về tình yêu thì không thể thiếu được một cảm quan tình yêu vô cùng

nhạy bén và một tâm hồn sâu sắc, cộng với một tài năng diễn đạt thiên bẩm của nhà sư phạm vĩ đại về tình yêu - người ca thơ Trịnh Công Sơn.

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 62 - 64)