7. Bố cục của luận văn
1.4.3. Hình tượng người già và trẻ em trong chiến tranh
Trong chiến tranh, dưới sự hủy diệt của đạn bom, có những đối tượng vô tội nhất bởi họ không có khả năng phản kháng, hay trốn chạy khỏi những hiểm nguy ập xuống trên đầu, đó là người già và trẻ em. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, hình tượng người già và trẻ em được nhắc đến khá nhiều, như là những thân phận chịu đựng, thậm chí bị hủy diệt sinh mạng. Trong đó, có ba tác phẩm tập trung phản ánh rõ nét hơn cả: Người già (và) em bé, Đại bác ru đêm, và Một buổi sáng mùa xuân.
Người già em bé đưa người đọc người nghe đến với những thân phận mà có lẽ trong kí ức về chiến tranh, chúng ta đã bắt gặp họ ở đâu đó:
Ghế đá công viên dời ra đường phố Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi.
(Người già em bé)
Cảnh đường phố thật xộc xệch, lộn xộn: những ghế đá trong công viên được đưa dàn bày ra đường phố để ngăn cản quân giặc vào đô thị. Người già với tâm trạng mệt mỏi, bơ phờ vì thức trắng đêm để lo di tản đang “co ro” thiu thiu ngủ. Những tiếng nổ từ xa dội về, dội cả vào giấc mơ chập chờn, đứt đoạn. Đó chỉ là hình ảnh đáng buồn, còn hình ảnh đáng thương nhất là: “em bé lõa lồ, khóc tuổi thơ đi”. Em bé được tái hiện trong trạng thái “lõa lồ”, không một manh áo, đang khóc tức tưởi bước đi trên đường phố hoang tàn. Tại sao em lại “lõa lồ khóc tuổi thơ đi”? Có thể do chiến tranh đốt cháy nhà cửa, đốt cháy ngay cả manh áo em đang mặc, thành ra em “lõa lồ”. Cũng có thể bom đạn đã cướp đi cha mẹ, người thân. Em sớm mồ côi, nghèo khổ, phải lang thang, một manh áo che thân cũng không có nên “lõa lồ”. Tuổi thơ em lớn lên bằng tiếng khóc. Đó là thứ tuổi thơ dữ dội. Em đã bị chiến tranh tước đoạt, cướp đi cái tuổi thơ trong sáng, vô tư mà đáng lẽ em có được.
46
“Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi”, một hình ảnh gợi nhớ. Bức tranh thơ của Trịnh gợi ta nhớ đến hình ảnh em Kim Phúc trong trạng thái “lõa lồ” chạy loạn, kêu khóc thảm thiết vì trúng bom napal. Bức ảnh đã đi vào lịch sử dân tộc và thế giới, là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh, làm kinh hoàng và đánh động đến lương tri nhân loại. Nó cho thấy sự tàn bạo, phi nhân của chiến tranh xâm lược đối với sinh mệnh con người. Bức tranh ấy là một thân phận, một bi kịch của tinh thần nhân văn và lương tri thời đại. Nó có giá trị tố cáo, lên án mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ghế đá công viên, người già co ro, em bé lõa lồ là những cảnh thực, rất chân thật, thật đến mức trần trụi. Trịnh Công Sơn bằng bút pháp hiện thực - tả chân, đã kịp ghi lại những cảnh, những người mà ông đã chứng kiến trong cuộc chiến tranh. Không tô hồng. Không bôi đen. Hiện thực hiện lên xù xì, thô ráp như nó vốn có.
Khác Người già em bé, Một buổi sáng mùa xuân lại chỉ tập trung tái hiện một hình tượng duy nhất: em bé trong chiến tranh. Một buổi sáng mùa xuân là ca khúc thiên về lối tả chân hơn là kì ảo. Không cần gọt rũa ngôn ngữ cầu kì. Ca từ rất thực, như giọng kể lể về một sự kiện xác thực mà ông chứng kiến:
Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé ra đồng Đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân
“Xác không còn đôi chân”. Kể về cái chết thương tâm của một con người mà sao lời kể trần trụi, bình thản, dửng dưng đến lạ lùng. Rồi như một nhà quay phim, ông đưa gần ống kính, chụp cận cảnh, để cái chết ấy thực hơn, sống động hơn:
Một buổi sáng mùa xuân, ngực đứa bé tan tành Ngàn hoa đồng cỏ nội, cúi xuống nhìn con tim.
Hóa ra, câu chuyện là, một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, ánh nắng chói chang phả xuống đồng, một em bé hồn nhiên, chân sáo tung tăng ra đồng. Bỗng em “đạp trái mìn nổ chậm” và hậu quả thực thảm khốc: ngực tan tành, máu đầm đìa cỏ đất.
Cái hay trong lối miêu tả và biểu cảm là câu “ngàn hoa đồng cỏ nội/cúi xuống nhìn con tim”. Tại sao hoa cỏ đồng nội lại cúi xuống nhìn contim? Thủ pháp nhân hóa được vận dụng, phát huy hiệu quả tối đa: hoa cỏ đồng nội đã cúi nhìn, biểu lộ một nỗi thương xót, thương tiếc cho thân phận em bé bất hạnh. Hoa cỏ đã cúi nhìn, khua lá, gục cành bên xác nạn nhân. Lặng im trong im lặng. Để trầm tư, thấu suốt một nỗi đau xanh ngời. Để ru hồn người đã mất. Loài hoa cỏ vô tri kia còn biết đau xót, cúi nhìn hiện hữu, cúi nhìn phận người, bày tỏ sự thương xót một cách trân trọng. Còn con người - những người thả mìn, gây
47
ra cái chết tức tưởi kia thì lương tâm họ để đâu? Tòa án nào sẽ phán xử họ? Cái chất “phản chiến”, tố cáo tội ác chiến tranh trong ca từ Trịnh Công Sơn bật lên từ cái lối miêu tả ấy.
Em bé đã chết, cái chết của em trớ trêu như một nghịch cảnh: “Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé yên nằm/bàn tay cầm cỏ dại, có hoa vàng mong manh”.Ta chú ý đến thời gian, một buổi sáng mùa xuân. Đáng lẽ mùa xuân là mùa hạnh phúc. Đáng lẽ mùa xuân cùng hoa cỏ, mặt trời nở rạng trong ánh mắt em màu hồn nhiên và hi vọng. Nhưng trớ trêu thay, buổi sáng ấy lại là một buổi sáng định mệnh. Mùa xuân ấy lại là mùa xuân hấp hối. Mùa xuân không nở hoa trên tuổi xanh. Mà mùa xuân đạn bom đã nhuộm máu và phủ bóng hư vô lên phận người. Trong lúc lìa trần, em vẫn “bàn tay cầm cỏ dại/có hoa vàng mong manh”. Em vẫn hồn nhiên mơ ước một mùa xuân đích thực. Em đâu ngờ phận mình cũng như đóa hoa vàng “mong manh” trên tay đang nắm chặt kia! Tiếp theo, vẫn là cái chết của em:
Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé im lìm
Bờ môi dường thầm hỏi, có thiên đường hay không.
Nhưng hơi lạ. Lạ ở câu “bờ môi dường thầm hỏi”. Em bé hỏi? Không. Bởi em đang hồn nhiên vui chơi kia mà. Em đâu ngờ cái chết đến với mình quá thình lình như thế đâu. Em cứ nghĩ trần gian, nơi em sống là thiên đường kia. Vậy thì cần gì phải đi tìm chốn thiên đường nào nữa. Em không hỏi, mà chính chúng ta, những người có lương tri mới bàng hoàng, tự hỏi lại mình: có thiên đường hay không? Và nếu có thiên đường ở chốn xa xôi nào đó thì hẳn trần gian này chính là địa ngục. Nó vốn dĩ không phải địa ngục, nhưng chính “đường kiếm mưu đồ” của những kẻ gây chiến tranh phi nhân chống lại con người, chống lại dân tộc này đã biến mặt đất mùa xuân thành địa ngục. Một thứ địa ngục trần gian. Khiến bài học về tình yêu thương em vừa mới học được từ thầy cô cũng trở nên vô nghĩa, trống rỗng:
Em thơ ơi, chiều nay trường học lại Trong sân chơi, bạn và thầy im lời
Bài học về yêu thương trên trang giấy mới Sao hôm nay nét mực đã phai.
Toàn bộ ca từ là một bài thơ lệ huyết. Một bi kịch về thân phận trẻ em - những thân phận mong manh, yếu ớt, bất khả đối kháng, chống chọi với những âm mưu, toan tính cuồng điên quỷ loạn của những kẻ thực dân, đế quốc xâm lược .
48
thường ngày, quá đỗi quen thuộc với con người trong thời chiến. Tiếng đại bác như một sự định kì, lặp đi lặp lại đều đặn vào mỗi đêm khuya:
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng! Từng đêm chong sáng, là mắt quê hương.
(Đại bác ru đêm)
Cùng một tiếng đại bác, nhưng lại được các chủ thể cảm nhận khác nhau. Người phu quét đường có lẽ đã quá quen thuộc với thứ âm thanh gầm rít tử thần ấy rồi, nên chỉ dừng chổi đứng nghe, thản nhiên. Không một cảm giác giật mình hay hoảng hốt. Còn người già và em thơ, khả năng thích nghi, chịu đựng kém hơn. Nên âm thanh ấy đã kinh động, “đánh thức mẹ dậy”, và khiến “con thơ giật mình”.
Sự ám ảnh của chiến tranh lên đời sống trẻ em được biểu hiện qua câu:
Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng Đại bác như kinh không mang lời nguyện Trẻ thơ quên sống, từng đêm nghe ngóng.
Một so sánh lạ và độc đáo: “đại bác như kinh không mang lời nguyện”. Kinh có lời nguyện thì mới nhiệm màu, đem đến bình an cho người cầu. Còn tiếng đại bác xé toang màn đêm kia chỉ là thứ kinh “không mang lời nguyện”. Đó là thứ kinh-âm thanh kinh hãi và chết chóc, khiến “tương lai rụng vàng”, khiến “trẻ thơ quên sống”. Cụm chữ trẻ thơ quên sống
diễn đạt thật chân xác trạng thái tâm lí em thơ: sống mà lúc nào tâm trạng cũng nơm nớp lo âu, phấp phỏng, lúc nào thần kinh cũng căng thẳng quá mức vì kinh sợ, hãi hùng thì cái
sống ấy chưa được coi là sống mà chỉ là sự quên sống - một sự tồn tại, chịu đựng không hơn không kém.
Như vậy, hình tượng người già và trẻ em được tái hiện như là những thân phận chịu đựng sự tàn khốc của chiến tranh, trong đó trẻ em, đối tượng yếu ớt và cần được che chở nhất không chỉ phải chịu đựng, ám ảnh, mà còn là nạn nhân bị hủy diệt. Với lớp ca từ tả chân, Trịnh Công Sơn đã vẽ lên bức tranh sinh động, ấn tượng về người già và trẻ em - những đối tượng vô tội trong chiến tranh xâm lược.
49