Cội nguồn của quan niệm về con người thân phận trong ca từ Trịnh Công Sơn

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 33 - 38)

7. Bố cục của luận văn

1.3. Cội nguồn của quan niệm về con người thân phận trong ca từ Trịnh Công Sơn

Sơn

Như trên đã thấy, quan niệm về con người thân phận trong ca khúc Trịnh Công Sơn mang tính hệ thống, chặt chẽ, xuyên suốt từ khi nhạc sĩ còn trẻ, cho đến những năm tháng sau này. Chính quan niệm ấy đã tạo nên chất Bi, làm nên một tên tuổi riêng biệt, độc đáo duy nhất mà sức sống tác phẩm đã chiến thắng được sự bào mòn của thời gian. Vậy nguyên nhân nào đã khai sinh ra một quan niệm độc đáo chi phối đến nội dung tác phẩm của người nghệ sĩ kì tài ấy? Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có ba nguyên nhân căn bản sau đây.

Thứ nhất, do ảnh hưởng của vùng văn hóa Huế. Huế - vùng đất một thời đã từng là kinh đô dưới thời Tây Sơn - mảnh đất “Thần Kinh”, mang trong mình một bề dày lịch sử truyền thống cùng với những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo riêng có của nó mà không nơi nào có được. Đó là thiên nhiên, sông núi, cảnh vật cổ kính, cộng với cái thời tiết cũng rất lãng đãng, lãng mạn, song lắm lúc cũng gợi lên không khí u tịch, một thứ không khí âm tính. Đặc biệt là quần thể kiến trúc của cố đô bên mạn bờ bắc sông Hương với hệ thống đền đài, lăng tẩm, chùa chiền… Đây được xem là mảnh đất thiêng. Do vậy, nó đã được các vua chúa chọn làm nơi an nghỉ ngàn năm. Những lăng miếu, đền đài cổ kính thấp thoáng ẩn hiện giữa những rừng thông u tịch. Khung cảnh ấy gợi lên một cảm giác hoang liêu vắng lặng, rợn ngợp và đầy âm khí, ma mị. Thậm chí, Huế còn có những con đường vòng quanh những nghĩa địa hoang vu mà người ta gọi là đường Âm Hồn. Người đi qua, bị ám ảnh, rợn mình với những ngọn đèn leo lét trong am, miếu. Tất cả những cảnh vật ấy chắc chắn ít nhiều đã ảnh hưởng đến một tâm hồn nhạy cảm như Trịnh Công Sơn, để lại dấu ấn trong tư tưởng và sáng tác của ông:“Có thể là đúng ở chỗ địa lí theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo… tất cả những bài hát của tôi đều viếtvề Huế” [32; tr.206]. Như vậy, cảnh vật âm u, tịch liêu của Huế đã gợi lên trong tâm thức Trịnh những ám ảnh về cái chết, cõi an nghỉ, và kiếp sống bên kia.

Ảnh hưởng của văn hóa Huế còn biểu hiện ở khía cạnh tôn giáo. Huế là mảnh đất Phật giáo cắm rễ và phát triển rất sớm. Ngay từ trong gia đình, mẹ Trịnh Công Sơn - bà Lê Thị Quỳnh - là một Phật tử giàu lòng nhân ái. Khi còn nhỏ, cậu bé Sơn đã hấp thụ lối giáo dục

32

của người mẹ. Đặc biệt, một sự kiện rất quan trọng không thể không nhắc tới: cái chết đột ngột của người cha, ông Trịnh Xuân Thanh vào 6.1955, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lí cậu bé Sơn. Mất đi trụ cột trong nhà, cả gia đình Trịnh Công Sơn lao đao và mất phương hướng. Trịnh rất đau buồn. Để tĩnh tâm, lấy lại thăng bằng, cậu bé thường đi chùa tụng kinh niệm Phật. Nhà sư Thích Nhất Hạnh đã dẫn lời của thượng tọa Phước Toàn và Hải Ấn cho biết: từ khoảng 1955 đến 1958 (trước khi vào Sài Gòn học) cậu bé Sơn đi chùa rất nhiều. Có những ngày Sơn ở lại và ngủ qua đêm trong chùa, lật từng trang sách kinh cho sư thầy đọc, nghe thầy giảng giải Phật pháp để niềm đau lắng xuống. Chính Trịnh Công Sơn đã quy Y tại chùa Phổ Quang, với pháp danh Nguyên Thọ. Âm nhạc Phật giáo, tiếng kinh kệ đã đi vào trong máu huyết của Trịnh Công Sơn từ đó. Quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác, tư tưởng chủ đạo trong ca khúc của ông. Đó là quan niệm cuộc sống là vô thường, con người là sinh thể hữu hạn, chóng tàn, chóng mất… Quan niệm ấy, tự thân nó, chính là biểu hiện của con người thân phận.

Như vậy Huế và Phật giáo ảnh hưởng đến tư tưởng Trịnh Công Sơn là điều rõ ràng. Chính Trịnh Công đã khẳng định:“Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và tình cảm của tôi”[16; tr.273].

Thứ hai, do hoàn cảnh chiến tranh. Trịnh Công Sơn tham gia hoạt động âm nhạc vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam đang bước vào giao đoạn ác liệt. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn, ông được điều lên Bảo Lộc, làm chức “trưởng giáo” ở một ngôi trường vùng cao. Việc dạy học tại Blao quả là một công việc không xứng đáng và không phù hợp với ông. Thật sự ông cũng không thiết tha với công việc và cuộc sống trong không gian buồn tẻ nơi đây. Tại đây, Trịnh đã âm thầm sáng tác. Rồi mỗi cuối tuần, ông lại bắt xe về Sài Gòn để hát, phổ biến tác phẩm của mình. Quá trình đi về giữa Sài Gòn - Bảo Lộc - Đơn Dương - Đà Lạt - Huế, ông đã tận mắt chứng kiến những cái chết của đồng bào mình. Những cái chết thảm khốc và kinh hoàng do chiến tranh phi nghĩa gây nên: từ người mẹ, người chị, người vợ, người yêu cho đến những người già, em bé… Đó là một một hiện thực quá tàn khốc, vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người.

Ngược lại, Trịnh Công Sơn là người Huế, vốn mang trong mình cái khí chất, tính cách tài hoa, lãng mạn, yêu đời yêu người thiết tha. Trịnh có một tâm hồn tinh tế, rất nhạy cảm trước đời sống, nhất là trước những thay đổi lớn của xã hội. Một con người yêu đời, ham sống và lãng mạn đến như thế, nay bị lọt thỏm vào một vùng xương máu tan hoang, đầy rẫy

33

những chết chóc, tang thương, thử hỏi làm sao tâm hồn ông có thể chịu đựng nổi mà không bị tổn thương? Nói rõ là: một tâm hồn, cái tôi quá yêu đời, quá nhạy cảm đã “va đập” với hiện thực chiến tranh quá tàn khốc. Đó là lí do tại sao Trịnh Công Sơn, trong sâu thẳm tư tưởng của mình, mầm mống, ý thức về thân phận, về cái chết, cái hữu hạn, cái mong manh của kiếp người đã như mầm cây bén rễ và lớn dần trong ông. Cũng vì thế mà trên những nẻo đường đây đó, ông đã ghi lại bằng ca từ những cái chết rất sinh động, chân thật trong tác phẩm của mình: Gia tài của mẹ, Hát trên những xác người, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng, Tình ca người mất trí…

Thứ ba, quan niệm về con người thân phận, ám ảnh về cái chết trong ca khúc Trịnh Công Sơn còn có một lí do khác nữa, đó là hoàn cảnh sống riêng của tác giả - cụ thể là biến cố trong gia đình: cái chết của người cha, ông Trịnh Xuân Thanh. Trong hồi kí, Trịnh Công Sơn cho biết, ngay từ nhỏ ông đã bị ám ảnh nặng nề bởi cái chết của người cha. Ông Trịnh Xuân Thanh vốn là một nhà buôn, song lại có thiện cảm và tham gia giúp đỡ cách mạng. Bị địch phát hiện, ông bị bắt giam nhiều lần tại nhà lao Thừa Phủ - Huế và phải chịu những cơn đòn roi tra tấn của kẻ thù. Lúc này, cậu bé Sơn đã khăn gói vào thăm và ở lại trong tù cùng cha (cho cha con đỡ nhớ). Cậu bé đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị tra tấn. Điều đó ít nhiều đã ám ảnh tâm trí ông về cái ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đến 6.1955, ông Trịnh Xuân Thanh qua đời trong một vụ tai nạn giao thông khó hiểu. Cái chết quá đột ngột của người cha đã để lại những di chứng về tinh thần, những ám ảnh dai dẳng trong tâm hồn cậu bé Sơn mới 15, 16 tuổi. Trong hồi kí, ông viết:

Thời thơ ấu, tôi luôn bị ám ảnh về cái chết. Trong giấc ngủ hằng đêm, tôi thường thấy cái chết của ba tôi. Nỗi ám ảnh ấy chắc hẳn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà có lẽ từ những năm tù tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp..…Rõ ràng là cái chết ấy được báo động qua một tâm hồn quá nhạy cảm của tuổi thơ. Ba tôi mất đi khi tôi vừa mười lăm tuổi. Rất nhiều bài hát đầu đời của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa bức xúc của cuộc sống, giữa những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn của một nỗi lo âu thường trực về sự vắng bóng con người [18; tr.133-134].

Người cha qua đời, chỗ dựa tinh thần và vật chất cũng mất đi. Mẹ ông phải cáng đáng mọi việc, có lúc cả gia đình tưởng như chới với. Chính cái bi kịch gia đình đã khiến cậu bé

34

Sơn mất đi chỗ dựa tinh thần. Một tâm hồn quá nhạy cảm, non nớt đã sớm bị tổn thương, chấn động. Từ đó, ám ảnh về cái chết, về sự mong manh của kiếp người đã theo riết Trịnh Công Sơn cho đến lúc trưởng thành và cả sau này.

Như vậy, chúng tôi có thể kết luận: hoàn cảnh cá nhân, bi kịch gia đình Trịnh Công Sơn thời thơ ấu là căn nguyên, khởi nguồn cho những ám ảnh có tính Hiện Sinh này. Qua đây, chúng tôi cũng muốn đính chính lại một điều xưa nay đã ngộ nhận: liệu Trịnh Công Sơn có bị “ảnh hưởng” bởi chủ nghĩa Hiện Sinh như một số nhà nghiên cứu, các công trình trước đây đã đề cập?

Trong các công trình nghiên cứu của một số tác giả trước đây, đa số đều dễ dãi mà cho rằng Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Hiện Sinh. Có lẽ họ cho rằng ông đã đọc triết và văn học của các tác giả như Sartre, Camus… Để làm rõ vấn đề này, ta cần nhắc lại những quan niệm chính của Hiện Sinh thuyết. Chủ nghĩa Hiện Sinh mang trong mình một số chủ đề như cô đơn, tha hóa, phi lí, ám ảnh về thân phận, ám ảnh về cái chết… Những chủ đề này ta bắt gặp trong ca từ và tư tưởng Trịnh Công Sơn, đặc biệt là sự ám ảnh về cái chết và sự cô đơn.

Trong Hiện Sinh, cái chết đã trở thành một phạm trù được coi là kinh điển của học thuyết này. Nhiều triết gia, văn gia đã đề cập đến cái chết của con người như Malraux, Heiderger, Jasper. Ví dụ, Heiderger quan niệm con người như một “hữu thể” đang chết, là hữu thể cho cái chết. Mặt khác, ông lại coi con người như một “dự phóng” và cái chết là dự phóng cuối cùng kết thúc mọi dự phóng. Trịnh Công Sơn cũng thích đọc Hiện Sinh. Song ta cần nhớ một mốc thời gian: từ năm 15 tuổi, khi ba mất, ông đã bị cái chết ám ảnh nặng nề. Mà mới 15 tuổi thì cậu bé Sơn làm sao có thể tiếp cận được với Hiện Sinh thuyết - một thứ triết lí vô cùng phức tạp và nhiều khuynh hướng? Có lẽ ông chỉ tiếp cận được Hiện Sinh khi vào học ban triết ở Sài Gòn, tức là từ cuối 1958, lúc ông được 20 tuổi, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết: “Cuối 1958 anh rời Huế vào Sài Gòn học trọ trong nhà một người bạn của thân sinh anh để đi học ban triết trường Jeas Jacques Rousseau” [37; tr.22].

Như vậy, chúng ta không thể quy chụp hay gán cho Trịnh Công Sơn cụm từ “ảnh hưởng” hay “học tập” Hiện Sinh được. Làm như thế là không có căn cứ, cơ sở xác đáng. Theo chúng tôi, cội nguồn đầu tiên của tiềm thức thân phận mong manh, cái chết, sự cô đơn, nỗi lo âu trong Trịnh Công Sơn chính là biến cố trong gia đình: cái chết của người cha đã dẫn đến những ám ảnh và sự mất phương hướng. Bi kịch ấy đã khiến cho một tâm hồn nhạy cảm như cậu bé Sơn bị tổn thương, sang chấn nặng nề, như Nguyễn Đắc Xuân viết: “Đây là

35

cái biến cố lớn nhất đầu đờiTrịnh Công Sơn và có ảnh hưởng sâu sắc trong sáng tác của anh sau này”[37; tr.22].

Vậy phải lí giải như thế nào về mối quan hệ giữa tư tưởng Trịnh Công Sơn với chủ nghĩa Hiện Sinh? Theo chúng tôi, giữa Trịnh và Hiện Sinh có một sự “gặp gỡ”, tương đồng một cách ngẫu nhiên. Sở dĩ có sự giống nhau ấy là vì có sự tương đồng về bối cảnh lịch sử. Hiện Sinh phát triển mạnh mẽ trong Đại chiến lần thứ hai. Nó là tiếng gào thét, phẫn nộ của các triết gia, những trí thức về số phận bi đát, cùng thảm của con người bị chiến tranh chiết tỏa và hủy diệt. Thông qua triết học và văn học, các nhà Hiện Sinh cất lên tiếng nói lương tri nhằm thức tỉnh và đánh động lương tâm con người. Trịnh Công Sơn cũng sống trong thời đại chiến tranh đế quốc nô dịch, âm mưu hủy diệt cả một dân tộc đã có bốn nghìn năm lịch sử. Đó là điều vô cùng phi lí và phi nhân tính. Hiện thực ấy đã làm thương tổn một trái tim nhân ái, yêu quê hương, yêu dân tộc như ông. Do đó, những tác phẩm âm nhạc đã thoát thai như những tiếng kêu thống thiết, hòng thức tỉnh lương tri con người dân tộc. Giúp họ nhận ra những âm mưu thâm độc của đế quốc, ý thức được sứ mệnh, vị thế của mình mà đứng về phía lẽ phải, chọn cho mình một hành động dấn thân tích cực: thực hiện hòa hợp dân tộc, cùng nhau ngăn chặn chiến tranh, thống nhất đất nước.

Mặt khác, tư tưởng Hiện Sinh có hai nội dung chính. Một là sự phản kháng, sự nổi loạn, “tự do” của con người với lối sống ồn ào, gấp gáp. Hai là sự lo âu, trăn trở, của con người với những “dự phóng”, kiếm tìm ý nghĩa, mục đích cao cả cho cuộc “dấn thân”. Như thế, Hiện Sinh cũng có nhược điểm và ưu điểm. Trịnh Công Sơn không phải chịu ảnh hưởng hay học tập, mà nói đúng ra, ông đã tiếp thu Hiện Sinh chân chính và phê phán cái Hiện Sinh ồn ào thái quá. Ông nói:

Hiện Sinh chân chính đâu phải xấu. Mình cho rằng, bậc thượng thừa của Hiện Sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát-na của cuộc sống… khi con người mà thức tỉnh trong từng sát-na một thì chủ nghĩa Hiện Sinh không là gì cả. Người này sống bình tĩnh trong từng sát-na chứ không phải sống theo đời thường, theo kiểu Hiện Sinh sống vội sống vàng [32; tr.211].

Thêm một điểm khác giữa Trịnh và các triết gia Hiện Sinh: Trịnh và các nhà Hiện Sinh cùng mang ý thức phản kháng, nhưng có sự khác nhau ở cách thức của sự phản kháng ấy. Trịnh phản kháng một cách trầm tĩnh theo điệu lối của một con người uyên nguyên, minh triết chứ không “ngang tàng” như Sartre hay Nietzsche…

36

nghĩa Hiện Sinh, tất nhiên chỉ ở một khía cạnh nào đó. Ông đã tiếp thu những mặt tích cực và phát triển nó lên, làm thăng hoa nó trong ca khúc của mình. Còn cội nguồn của quan niệm về con người thân phận như cái chết, nỗi cô đơn, ám ảnh hư vô, vô thường… xuất phát từ căn cơ, bản thể, bản chất, nó là cái “tạng” riêng của Trịnh Công Sơn mà những nguyên nhân thì như chúng tôi đã phân tích trên đây, trong đó trực tiếp và đầu tiên là cái bi kịch gia đình làm thương tổn một tâm hồn mong manh và nhạy cảm của ông thời niên thiếu.

1.4. Thế giới con người thân phận trong ca từ Trịnh Công Sơn

Nghệ thuật tái hiện hiện thực bằng những hình tượng, trong đó con người là hình tượng trung tâm. Ca khúc Trịnh Công Sơn cũng không ngoại lệ. Con người vừa là trung tâm

Một phần của tài liệu con người thân phận và tình yêu trong ca từ trịnh công sơn (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)