7. Bố cục của luận văn
2.3.1. Tình yêu mang đến những cảm xúc say sưa, ngất ngây và niềm hạnh phúc
Tình yêu trong quan niệm của Trịnh Công Sơn chứa đựng hai thái cực, cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau. Song nếu ta đọc, nghe hết xuyên suốt các tác phẩm của ông từ đầu đến cuối thì phải thừa nhận một điều rằng: với ông, tình yêu dường như nghiêng về thứ bất hạnh, chia ly, tan vỡ nhiều hơn là những nỗi niềm hân hoan, hạnh phúc. Song nói như vậy không có nghĩa là với ông, tình yêu chỉ toàn mù mịt. Trong hàng trăm ca khúc để lại, ta cũng thấy thấp thoáng có vài bài mang màu sắc nhịp điệu tươi vui của con người trong
68 những dặm tình bát ngát hương hoa đầu đời.
Trong những dạng biểu hiện có ý nghĩa tích cực của nó, tình yêu đã mang đến cho con người những cảm xúc say sưa, ngất ngây, trào dâng niềm hạnh phúc tưởng chừng như vô bờ. Ông nói: “Con người không thể sống mà không yêu” [32; tr.166]. Điều đó có nghĩa là tình yêu cũng thiết thực, cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nó cũng là một dạng nhu yếu và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tình cảm con người. Đối với Trịnh Công Sơn, tình yêu là sự sống, là nắng hửng trong lòng, nó đem đến cho con người những “cảm giác sống”:
Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa Làm lời lá bay trên đường đi Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia Làm hồng chút môi cho em nhờ. (Cho đời chút ơn)
Nhìn bóng dáng em thướt tha đi về bên kia phố, bỗng lòng chàng trai dấy lên những nỗi vui “như đời rất lạ”. Nhưng tại sao tác giả lại viết “tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa”? Lời ca thơ tưởng chừng như có điều gì đó vô lí. Bởi tôi luôn là tôi. Tôi là tồn tại. Tôi là hiện hữu. Vậy tại sao “tôi tìm thấy tôi”? Thì ra là, biết bao lâu nay, tôi vẫn sống đấy, tôi vẫn tồn tại đấy, tôi vẫn hiện hữu đấy. Nhưng do không thấy được “gót xa”, không cảm nhận được những sắc màu của những sen xanh, sen hồng một đóa là em. Không cảm nhận được vẻ đẹp, bóng mát lụa là ấy, nên sự sống của tôi đã trôi đi như con tàu chở thời gian băng đi trong vô nghĩa. Bấy lâu nay tâm hồn tôi đã kết bạn với những hoang vu, cằn cỗi, vô vị và tẻ nhạt. Một đời sống quá ư đơn điệu như thế thì sự hiện hữu, có mặt trong cõi đời này, cũng coi như một sự tồn tại không hơn không kém. Ngày kia, em đến bên đời, với những líu lo xa gần, với những yến oanh thiên thần, đã đánh thức dậy trong tôi cái “bản năng yêu” vốn có bị khuất lấp, ngủ vùi trong miền hoang vu lâu nay. Kể từ giây phút màu nhiệm ấy, tôi được em “khai tình”, mở lối và đời sống đã thay đổi. Đổi thay sao mà nhiều quá: “lòng bỗng vui như đời rất lạ”. Đời sống lạ bởi tâm hồn người đã được mở phơi để đón nhận, cảm nhận mọi thứ xung quanh. Những gì thân quen, thân thuộc nhất mà hàng ngày vì tính khép kín mà con người chưa cảm nhận được: những âm thanh, những màu sắc, hay một bông hoa nở trong vườn khuya dịu đêm trăng, hay những lá me xanh trong một buổi chiều ríu rít tiếng chim.
69
Mọi thứ trong mắt của tôi sao trở nên lạ lẫm và đẹp quá, sao đáng yêu và trong trẻo, tươi tắn lạ thường. Như thế, tôi đã như dòng sông hoang vu tìm lại được chính mình trong dòng chảy của nó, tìm được con người mình với một đời sống mới, tích cực hơn, có ý nghĩa hơn.
Gặp em trong tình cờ hay định mệnh run rủi, người nghệ sĩ không cần biết. Chỉ cần biết rằng tình yêu trong ông đã được ươm mầm, đánh thức cùng với những cảm giác say sưa, ngất ngây hạnh phúc. Và một niềm tin yêu, niềm vui sống:
Môi thiên đường hót chim khuyên Ôi tóc trầm ướp vai thơm
Ta nghe đời rất mênh mông
Trong chân người bước chầm chậm.
“Cho đời chút ơn” - đúng như nhan đề ca khúc, em đến bên đời, bước chầm chậm, khẽ khàng. Em bước đi thong dong, lãng đãng quanh đời. Em lặng lẽ, không nói gì cả. Chỉ như thế thôi, em cũng đã đem đến cho ta, cho người, cho đời một “chút ơn” rồi. Em là một chút ơn. Em là nụ đời, là thứ ân huệ mà người làm ơn không cần hi sinh vất vả, còn người chịu ơn thì lại nhận được rất nhiều: “ta nghe đời rất mênh mông/trong chân người bước chầm chậm”. Em là “phấn thơm cho rừng chút hương”, là lời hát ca của trần gian, để: “dưới phường phố kia có người nhớ em/nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”. Từ nay, thiên đường đã mở lối cho tâm hồn yêu đương của chàng thi sĩ. Chàng như vừa đón nhận được mạch nước khiết từ suối nguồn hạnh phúc. Một cảm giác thật mát dịu, nhẹ nhàng, đang lan tỏa… Đời sống đã hóa cõi mộng thiên đường, trở nên đáng yêu và đáng sống hơn.
Có khi ta còn thấy được cái tâm thế phơi phới của chàng lãng tử. Với cây đàn lya, hoàng tử bé đã làm một cuộc thong dong đi tìm kiếm tình yêu, “tìm đêm chưa từng/tìm ngày tinh khôi” với những kiên trì, nỗ lực miệt mài, không hề chán nản:
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em. (Đóa hoa vô thường)
Tạo hóa đã không phụ công chàng. Một ngày kia “thấy em dưới chân cội nguồn”, chàng đã “mời em về”. Cảnh đón rước tình thật chu đáo và lãng mạn. Có tiếng nhạc hân hoan, trăng vàng lóng lánh, có quỳnh hoa thơm ngát vườn khuya:
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan Trăng vàng khai hội, một đóa hoa quỳnh.
70
Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa Từ em tôi đã đắp bồi, có tôi trong dáng em ngồi trước sân.
“Từ nay tôi đã có tình”, chàng reo lên như một đứa trẻ. Không. Chàng là một đứa trẻ mới đúng. Trịnh đích thực là một đứa trẻ trong tình yêu. Bởi từ khi có tình, tâm hồn chàng mới được phục sinh, trở về trạng thái ban sơ: đó là sự hồn nhiên, là tính vô ưu, sự thiết tha, ân cần, dặt dìu. Chàng nói như một sự xác tín: “có tôi trong dáng em ngồi trước sân”. Trong dáng lụa em ngồi, tôi như tìm lại được chính mình với những lớp hồn nguyên sơ: tôi là thật thà, là khờ dại. Tôi là thảnh thơi. Là tự do với sớm nắng mưa chiều. Với hoa trên đồng nội một sớm kia rất hồng, với cơn mưa trăng gội ánh sáng lên vườn khuya với một đóa quỳnh đang ngấp nghé…
Như thế, đến với tình yêu, Trịnh Công Sơn mới trở về với bản chất hồn nhiên như là cội nguồn, như nguyên quán, quê nhà của chàng. Có triết gia đã nói rằng, khi yêu con người ta như đứa trẻ. Nghĩa là khi yêu tâm hồn người được trẻ hóa trở lại. Đó cũng là quy luật muôn thuở của cõi tình trong chốn nhân gian. Trịnh Công Sơn đã thay đời, thay người nói lên được điều đó. Đắm hồn trong tình yêu, Trịnh Công Sơn chính là tín đồ trung thành của cõi tình, dặm tình trong đời sống này.