7. Bố cục của luận văn
1.4.1. Hình tượng người mẹ
Hình tượng người mẹ trong các ca khúc Trịnh Công Sơn không giống như người mẹ được tái hiện trong các ca khúc cách mạng. Nếu trong ca khúc cách mạng, người mẹ được miêu tả như là những người phụ nữ thủy chung, chịu đựng, chờ chồng con đi kháng chiến với niềm hi vọng tương lai đất nước độc lập, gia đình đoàn tụ. Thì ngược lại, người mẹ trong ca từ Trịnh Công Sơn được khắc họa là những con người buồn tủi, xót xa về thân phận quê hương, bởi chiến tranh đã mang đi những đứa con yêu - mầm sống và là niềm hi vọng, mục đích của đời mẹ.
Người mẹ hiện lên trong các ca khúc dưới nhiều hoàn cảnh, góc độ khác nhau, cũng có thể với những dáng vẻ khác nhau, song đều có một điểm chung: tâm trạng trĩu buồn, mang
37
nặng những tâm sự của thời đại đau thương, chinh chiến liên miên.
Ca dao mẹ khắc họa hai hình ảnh mang tính đối lập. Đầu tiên là hình ảnh mẹ trầm buồn khi đong đưa cánh võng ru con từ tuổi con còn trong nôi:
Mẹ ngồi ru con
Đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn Mẹ ngồi ru con, mây qua đầu ghềnh
Lạy trời mưa tuôn, lạy trời mưa tuôn Cho đất sợi mềm, hạt mầm vun lên
Mẹ ngồi ru con, nước mắt nhọc nhằn, xót xa đời mình. (Ca dao mẹ)
Dáng mẹ trầm tư. Thẳm sâu trong thâm tâm, mẹ mong cho “đất sợi mềm, hạt mầm vun lên”, mong trời đất an lành, cây cối tốt tươi, đời sống sinh sôi, để con mình được lớn lên trong điều kiện, môi trường bình an ấy. Nhưng trong dáng trầm tư của người mẹ ấy, ta bắt gặp một thoáng lo âu bất chợt. Mẹ nhận ra dường như mình đã không đúng lắm, khi sinh con vào cái thời buổi chiến tranh loạn lạc này:
Mẹ nhìn quê hương, nghe con mình buồn Giọt lệ ăn ăn, giọt lệ ăn năn
Đưa con về trần, tủi nhục chung thân
Một dòng sông sâu, cuốn mãi về trời, bấp bênh phận người.
Mắt mẹ đã nhỏ những “giọt lệ ăn năn”. Dường như mẹ cảm thấy có điều gì đó ân hận vì sự sinh nở của mình. Mẹ ngờ ngợ như mình đã sai lầm, bởi vì “đưa con về trần”, sinh ra con, yêu thương con mà mình lại bất lực, không có khả năng bảo vệ được đứa con yêu, để con vướng phải “tủi nhục chung thân”. Lòng mẹ thấp thoáng lo âu, bởi “nhìn quê hương”, mẹ thấy con còn nhỏ, mà thế giới xung quanh đầy rẫy những bom đạn, binh đao của quân xâm lược: “tuổi còn bơ vơ, thế giới hận thù /chiến tranh ngục tù”.Hóa ra chiến tranh, ngục tù, thù hận của con người trong thế giới này là thứ làm cho mẹ hoang mang lo sợ. Nó là thứ “tủi nhục chung thân” đày đọa con mình. Quả thật là “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Ca từ đã vẽ lên một tâm trạng bất an, phấp phỏng, lo âu của người mẹ trước thực tại.
Cuộc chiến nổ ra, leo thang lên đến đỉnh điểm. Hỏa châu đã đốt lửa quê hương. Con của mẹ nay không còn trong nôi với lời ru ầu ơ, không còn chập chững bước đi từng bước, in nét cười lên mắt mẹ nữa. Đàn con nay đã lớn. Mẹ những tưởng sẽ được an nhàn vui bên
38
con cháu. Nhưng chiến tranh ập đến, cướp đi của mẹ cái hạnh phúc đơn sơ ấy. Rồi cái ngày mẹ lo âu, dự cảm ấy, nay đã ứng nghiệm. Mẹ như chết lặng, sững sờ khi hay được hung tin: con tử nạn. Người ta đưa xác con về:
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người Tôi đã thấy, tôi đã thấy, bên khu vườn
Một người mẹ ôm xác đứa con
Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, chị vỗ tay hoan hô hòa bình. (Hát trên những xác người)
Một cảnh tượng chết chóc trong chiến tranh hiện lên chân thực, sao mà trần trụi đến thế. Tác giả đã chụp được một bức ảnh bằng ca từ. Không cần thêm thắt. Không cần cắt xén. Cũng không cần nói thêm điều gì nữa. Tự cảnh tượng ấy đã nói lên tất cả: bên khu vườn, một người mẹ già đang ôm xác đứa con chết bom đạn.
Có một hình ảnh lạ: “mẹ vỗ tay reo mừng xác con”. Tại sao mẹ lại reo mừng? Câu hỏi ấy, hình ảnh ấy cứ ám ảnh, theo riết người đọc mãi. Thì ra, cái “reo mừng” ấy không phải là sự reo mừng theo thể lối đoàn viên thông thường. Mà đó là biểu hiện của sự đau đớn. Đau đớn đến tột cùng, tột độ. Đến mức vượt quá ngưỡng chịu đựng thần kinh của con người mà hóa ra tâm thần, điên loạn. Cái vỗ tay ấy là biểu hiện của trạng thái bấn loạn thần kinh, không còn ý thức được nữa. Mẹ vỗ tay mà không biết mình vỗ tay. Mẹ reo mừng mà lòng mẹ đã hóa đá. Mắt hoen mờ vì đã khóc quá nhiều, nên giờ đây mẹ than khóc mà không thành tiếng. Chỉ còn là những tiếng ú ớ, với dáng vẻ vật vờ sao mà nghe quặn thắt. Cảnh tượng đau xót ấy, nguyên mẫu là bức tranh kinh hoàng trong chiến dịch Mậu Thân, khi giặc Mỹ ném bom rải thảm lên quê hương đau nặng xứ Huế, khiến hàng nghìn người chết. Song, trên đất nước Việt Nam này, đã có rất nhiều những cảnh tượng thương tâm như thế nữa. Rồi cuối cùng, mẹ - người phụ nữ cam chịu, hi sinh muôn đời ấy, đành nín lặng mà đón nhận tất cả những mất mát, hoang vu về phận mình.
Đến giai đoạn cuối cuộc chiến, hiệp định được kí kết, mở ra một cơ hội hòa bình, một tương lai cho đất nước nhỏ bé đã quá nhiều đau thương này. Tiếng súng đã ngớt dần, đã lắng xuống trên những chiến trường. Ánh hỏa châu cũng thôi đốt lửa những ngôi làng. Đại bác cũng không còn “đêm đêm dội về thành phố” nữa. Một mặt trời đã khai sinh, tỏa những tia sáng đầu tiên lên mảnh đất quê hương sau hai mươi năm chìm trong khói lửa. Rồi chiến tranh chấm dứt. Nhân dân ca khúc khải hoàn mừng ngày chiến thắng. Cả rừng người cùng với cờ hoa chào đón những người con, người chồng trở về. Trong cái ngày hòa bình ấy, mẹ
39
bước ra cửa, ra phố xá ngập người ngoài kia để vui chung với niềm vui mọi nhà. Và quan trọng hơn, mẹ đang mong ngóng chồng con trở về. Thế nhưng đợi hoài đợi mãi cũng không thấy người thân của mẹ đâu. Trong khi ngoài phố xá hay bên xóm giềng, tiếng cười nói, đoàn tụ đã xôn xao. Một thoáng âu lo hiện trên nét mặt mẹ:
Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui Mẹ hãy ra xem đường phố ngập người Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ buồn như kinh Lời kinh đêm ru căn nhà lạnh, ru me một mình Ru mẹ một mình ôm bóng đêm.
(Sao mắt mẹ chưa vui)
Đợi hoài, đợi mãi. Mắt đã nhòa lệ, mẹ khóc không thành tiếng. Mẹ khóc mà tiếng lặn vào trong. Mẹ đã nhận ra: chiến tranh đã mang đi của mẹ tất cả. Những người con trai. Những người con gái. Người chồng nữa. Một không khí u ám, nặng nề, chùng chùng trùm lên ngôi nhà nhỏ. Bóng tối vây quanh. Phủ kín gian phòng. Phủ kín hõm mắt mẹ, phủ kín cả quãng đời còn lại của mẹ nữa. Không tiếng cười, tiếng nói. Chỉ còn “lời kinh đêm ru căn nhà lạnh/ru mẹ một mình ôm bóng đêm”. Mẹ “ôm bóng đêm” nghĩa là ôm lấy hư không và phiền muộn. Mẹ cô đơn với quãng đời còn lại, trong khi ngoài kia phố xá ngập người. Tác giả đã đối lập con người cá nhân với không gian tập thể để thấy được, mẹ là hiện thân của sự chịu đựng. Lãnh nhận hết những đớn đau, muộn phiền, thiệt thòi về phận mình mà không kêu than. Người mẹ như thế, ta có thể gặp bất cứ nơi đâu ở thời hậu chiến trên đất nước này.
Hình tượng người mẹ đôi khi được tác giả khái quát, nâng lên, không còn là người mẹ cụ thể bằng da bằng thịt nữa, mà trở thành biểu tượng, tượng trưng cho đất nước, cho cả một dân tộc bốn ngàn năm sử lịch bấy giờ đang chìm trong thân phận khói lửa điêu linh. Người mẹ thân phận ấy là tổ quốc, nòi giống Tiên Rồng:
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con, ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai mươi năm đàn con đi lính, đi rồi không về, …
Trên môi vang vọng một lời đau thương Hai mươi năm đàn con khôn lớn
Ra ngoài chiến trường, đứa con da vàng Lạc Hồng. (Ngủ đi con)
40
Chữ da vàng được sử dụng thật khéo. Nó có tính khái quát, mang ý nghĩa phản tỉnh, đánh động tâm hồn rất sâu sắc. Tác giả gọi “đứa con da vàng” là muốn chỉ rõ cho con người thấy: họ là người cùng thuộc một chủng tộc, màu da, cùng chung Tổ quốc, chung nguồn gốc Tiên Rồng, “đứa con da vàng Lạc Hồng”. Vậy hà cớ gì họ không yêu thương, đoàn kết cùng nhau chống ngoại bang, bảo vệ đất Mẹ. Mà có người lại nghe theo lời xiểm nịnh của đế quốc, làm nô lệ cho chúng, cầm vũ khí chống lại đồng bào mình. Khiến cho “đạn nhuộm hồng vết thương”, cho Mẹ hiền đau đớn, than khúc bi ai “trên môi vang vọng một lời đau thương”?
Người mẹ trong ca khúc là hình tượng của đất nước Việt Nam quặn đau, chìm trong khói lửa. Với ca khúc này, Trịnh Công Sơn đã gửi đến một thông điệp phản tỉnh, muốn anh em nhận mặt nhau, xóa bỏ thù hằn để cùng nhau gánh vác sứ mệnh cao cả: đánh đuổi đế quốc, thống nhất đất nước. Sinh thời, kể cả trong giai đoạn chiến cuộc cũng như trong đời sống thời bình sau này, điều mà Trịnh sợ nhất là thái độ cừu hận, thù hằn giữa con người với con người. Chính điều đó làm con người ta xa nhau, như ông đã từng nói: “Đừng mơ mộng trên xương máu. Chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng hát nói về sự sinh nở tốt đẹp của hận thù” [18; tr.41].
Tóm lại, hình tượng người mẹ trong ca khúc Trịnh Công Sơn được tái hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Khi là người mẹ ru con, khi là người mẹ ôm xác con mà hóa điên. Có lúc lại ôm bóng đêm vò võ, cô đơn trong thời hậu chiến. Lúc là người mẹ cụ thể, có lúc ẩn dụ cho quê hương, dân tộc. Song tất cả đều có một điểm chung, đó là mất mát, đau thương. Cái mất mát đau thương ấy là không thể bù đắp lại được. Như thế, người mẹ đã trở thành một thân phận - thân phận chịu đựng nỗi đau, mất mát mà nguyên nhân là cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra.