7. Bố cục của luận văn
2.2.1. Chủ thể trong tình yêu hình tượng nhân vật tôi
Trong đại đa số những ca khúc về tình yêu nam nữ của Trịnh Công Sơn, rất dễ dàng để người đọc, người nghe nhận ra hình tượng nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình được hiểu là hình tượng con người trực tiếp biểu hiện, thổ lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của mình trong lời ca, lời thơ, lời văn của tác phẩm. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, hình tượng nhân vật trữ tình cũng đồng thời là tác giả. Nói cách khác, tác giả đã hóa thân vào nhân vật trữ tình để bộc lộ cảm xúc, giãi bày tình cảm với người tình của mình. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt nhưng lại ít ai để ý, đó là hình tượng tác giả - kiêm chủ thể trữ tình ấy, hầu như trong đa số các ca khúc, chỉ dùng một lối xưng hô duy nhất, đó là ngôi thứ nhất số ít: tôi. Đây là một điểm lạ và cũng lí thú, có lẽ cũng gây không ít thắc mắc cho những người muốn tìm hiểu về
63
ông. Bởi lẽ, ai cũng biết, trong tình yêu, khát khao lớn nhất là được hòa hợp, hạnh phúc, viên mãn. Do đó, người ta thường dùng lối xưng hô biểu hiện vẻ thân thiết, gợi sự gần gũi, tình tứ, ngọt ngào của tình yêu, đó là kiểu xưng hô “anh - em.” Nhưng ca từ Trịnh Công Sơn lại khác, chỉ có vài ba tác phẩm giai đoạn đầu, nhân vật trữ tình xưng “anh - em”, còn tuyệt đại đa số những tác phẩm khác, thì lại xưng hô: tôi – em.
Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có vài ba ca khúc thời kì đầu là xuất hiện kiểu xưng hô anh trong sự đối sánh với em. Đó là những ca khúc Ru em từng ngón xuân nồng với câu “bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm”, ca khúc Nhìn những mùa thu đi với câu “trong nắng vàng chiều nay/anh nghe buồn mình trên ấy”, và tình khúc nổi tiếng Hạ trắng với câu “bước chân em về/nào anh có hay”. Nhưng ngay trong Hạ trắng, đoạn đầu nhận vật xưng
anh - em, đến đoạn sau, cặp anh - em đã chuyển hoán sang tôi - em với câu “tôi đưa em
về/chân em bước nhẹ/trời buồn gió cao”. Còn hầu như trong các ca khúc còn lại, tác giả đã hóa thân vào nhân vật trữ tình để xưng hô với người tình bằng lối xưng hô tôi - em, hay ta - em.
Vậy tại sao nhân vật trữ tình trong ca từ Trịnh Công Sơn lại chỉ dùng lối xưng hô tôi, ta với em mà không phải anh - emhay đại loại là một cách xưng hô nào đó biểu hiện sự gần gũi, thân thiết hơn? Lục lại các bài viết của ông, không thấy tác giả giải thích gì về điều này. Theo cảm nhận riêng của chúng tôi, có lẽ tình yêu nam nữ trong ca từ Trịnh Công Sơn là thứ tình yêu chưng cất, pha lê, là thứ tình lãng đãng sương khói, một thứ tình yêu không hứa hẹn bến đỗ hạnh phúc, không có được cái kết viên mãn như những cuộc tình bình thường khác. Vì thế mà lối xưng hô anh - em tỏ ra thân thiết, gần gũi, hạnh phúc quá, không phù hợp với cái không khí dở dang, đứt gãy, lìa chia, đổ vỡ của những cuộc tình của nhân vật tôi
- tác giả. Nên ông đã chọn lối xưng hô tôi - em, ta – em. Cách xưng hô ấy, nghe có vẻ như nó ngầm chứa một thông điệp ẩn dấu, như có một khoảng cách, vực sâu ngăn cách giữa hai thế giới, hai tâm hồn, khó viên mãn, trùng phùng, đến được với nhau. Dường như từ trong ý thức sâu thẳm, Trịnh đã nhận ra, đời đã vẽ ông trong những cuộc tình để rồi lại mang những cuộc tình ấy ra đi. Nói như Xuân Diệu, đó là thứ tình “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”, thứ tình dang dở, không may. Và để phù hợp với sự diễn tả những cuộc tình không may này, ông đã chọn lối xưng hô tôi - em. Cao Huy Thuần nhận xét: “Trịnh Công Sơn là người thi sĩ duy nhất của tình yêu không cho chữ em đi sóng đôi một cặp ngọt ngào với chữ anh…Trịnh Công Sơn chỉ tôi với em, em với ta, như thể hai người yêu nhau là hai người ở trọ gần nhau” [16; tr.368].
64
Hình tượng nhân vật trữ tình xưng tôi trong ca khúc thường mang một dáng dấp, hình hài quen thuộc, đó là một con người có hình vóc hư hao, xanh xao. Con người ấy dường như đã gánh trên vai cả “đôi vầng nhật nguyệt”, đã trải qua và chứng kiến những cuộc thiên hải biến vi tang điền, những thăng trầm của nhân sinh, những rong rêu phù du của kiếp người. Nên cũng mang một tâm trạng thâm trầm, lặng lẽ và kín đáo. Vừa hiền hòa cởi mở, mà lại cũng dè dặt. Vừa hồn nhiên, thanh thản mà lại cũng toát lên vẻ u uẩn, thậm chí là những mâu thuẫn, giằng xé khôn nguôi. Con người ấy thiên về chiêm nghiệm nội tâm, lắng lòng để nghe ra âm vọng của cả cõi nhân sinh này. Nghe ra nỗi niềm của phận người, thân phận của tình yêu nhân thế. Nên dường như trở nên tịch lặng và cô đơn hơn. Cô đơn một cách độc đáo. Kiểu hình tượng nhân vật hao mòn, trầm tư và mang “tâm bệnh” này ta có thể bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm, như Mưa hồng(vòng tay đã xanh xao nhiều/ôi tháng năm/gót chân mòn trên phiếm du), Phôi pha (ôi phù du/từng tuổi xuân đã già/một ngày kia đến bờ/đời người như gió qua), Ru ta ngậm ngùi (em về hãy về đi/ta phiêu du một đời/hương trầm có còn đây/ta thắp nốt chiều nay)…
Một điểm nữa, hình tượng nhân vật xưng tôi, ta với người tình là em, hai hình tượng ấy (tôi và em, ta và em) hiếm khi xuất hiện trong cùng một không gian, thời gian, hoàn cảnh trong hiện thực tác phẩm. Tình yêu ít khi đồng hiện, mà chỉ có một người-tôi, đứng trong hiện tại để nhắc, nhớ về một người khác trong quá khứ-em. Cho nên tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn là những cuộc tình đã quá vãng, chìm khuất. Mỗi ca khúc là một chuyện tình dang dở, li biệt, mở ra những vết thương lòng. Nhân vật trữ tình đóng vai trò như là người kể chuyện, kể lể cho người đọc, người nghe nghe về chính cuộc tình đã chìm khuất, tan loãng, không may của mình.
Nhân vật trữ tình với những đặc điểm riêng nêu trên, chúng ta có thể tạm gọi, tạm đặt cho một cái tên được chăng? Theo thiển ý của chúng tôi, chúng tôi mạo muội, đặt tên là người tình lãng du hay người tình phiêu lãng trong cõi nhân sinh.