Mô hình quản lý thuế

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại cục thuế tỉnh bắc ninh (Trang 44 - 45)

5. Kết cấu của luận văn

1.4.2.Mô hình quản lý thuế

Quản lý thuế là hoạt động quản lý của Nhà nước mà CQT là đại diện, thông qua việc tổ chức, điều hành bộ máy ngành thuế, thực hiện hệ thống chính sách pháp luật thuế và hệ thống các qui trình quản lý thu, để động viên một phần thu nhập từ lao động, của cải, vốn, từ việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ và từ việc lưu giữ, chuyển dịch tài sản của các thể nhân và pháp nhân vào NSNN, nhằm trang trải cho các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.

Quản lý thuế được thực hiện theo những mô hình quản lý nhất định. Lịch sử quản lý thuế cho thấy có 3 mô hình quản lý thuế cơ bản: mô hình quản lý theo sắc thuế, mô hình quản lý thu theo chức năng và mô hình quản lý thu theo NNT. Mỗi một mô hình đều có những ảnh hưởng khác nhau đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

* Mô hình quản lý theo sắc thuế

Đây là mô hình được “tổ chức sớm nhất” trong hoạt động quản lý thuế, được ngành thuế áp dụng dựa trên nguyên tắc “sắc thuế”. Theo mô hình này, CQT được tổ chức thành các bộ phận (phòng, ban) riêng biệt để chuyên trách quản lý một số sắc thuế cụ thể. Mỗi phòng, ban thực hiện tất cả các chức năng, các nghiệp vụ để quản lý

thu đối với một hoặc một vài sắc thuế. Mô hình quản lý theo sắc thuế áp dụng có hiệu quả ở CQT Trung ương, do nhiệm vụ của cơ quan này là nghiên cứu, ban hành chính sách chế độ thu. Mô hình này thích hợp đối với những nước sử dụng các vấn đề nghiệp vụ cụ thể và quy trình quản lý khác nhau đối với mỗi sắc thuế.

* Mô hình quản lý thu theo chức năng

Theo mô hình này, bộ máy quản lý thuế được tổ chức theo các nhóm chức năng, mỗi bộ phận thực hiện một công việc nghiệp vụ cụ thể có liên quan đến tất cả các sắc thuế như: đăng ký thuế, xử lý tờ khai thuế và kế toán thuế, thanh tra thuế, thu nợ...). Quản lý thuế theo mô hình này cho phép CQT chuẩn hóa mạnh hơn về quy trình thủ tục làm việc đối với các loại thuế, đơn giản hóa hệ thống tin học và giao tiếp với đối tượng nộp thuế, đồng thời nâng cao hiệu quả chung của ngành.

* Mô hình quản lý thu theo NNT

Đây là mô hình đang được áp dụng tại một số nước phát triển, theo mô hình này, NNT được phân loại để quản lý theo nhóm trên cơ sở đặc điểm và mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT. Do đặc điểm và mức độ tuân thủ pháp luật thuế của mỗi nhóm NNT là khác nhau nên mỗi nhóm cũng có những rủi ro khác nhau về số thu. Để quản lý hiệu quả những rủi ro này, CQT cần phải phát triển và thực hiện các chiến lược sao cho phù hợp với đặc tính và sự tuân thủ của từng nhóm đối tượng nộp thuế, do đó mỗi phòng, ban trong CQT sẽ chịu trách nhiệm quản lý một hoặc vài nhóm đối tượng cụ thể. Các nhóm NNT được phân chia dựa trên cơ sở qui mô hoạt động, hình thức sở hữu, ngành kinh tế ...Ví dụ: nhóm DN lớn, DN vừa và nhỏ, nhóm người làm công ăn lương….

Trên cơ sở các mô hình quản lý thuế cơ bản này, mỗi quốc gia sẽ lựa chọn mô hình quản lý thuế phù hợp theo đặc điểm chính trị - kinh tế - xã hội và trình độ quản lý của mình, có thể là một trong số các mô hình cơ bản hoặc mô hình quản lý thuế kết hợp 2 hoặc cả 3 mô hình cơ bản trên.

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại cục thuế tỉnh bắc ninh (Trang 44 - 45)