1.4.1.Nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của Hiệu trưởng trường THPT
Điều 19 trong Điều lệ trường trung học ký ngày 02/04/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng như sau :
Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;
Thực hiện các Nghị quyết, Quyết nghị của Hội đồng trường ; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học;
Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước; quản
lý hồ sơ tuyển dụng giáo viên, nhân viên;
Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học vào học bạ học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;
Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;
Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật;
Chịu trách nhiệm trước cấp trên về toàn bộ các nhiệm vụ được quy định.
Với những nhiệm vụ và quyền hạn to lớn như trên, người hiệu trưởng phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để thể hiện tốt các vai trò sau đây:
Hiệu trưởng là nhà quản lý, là người đại diện nhà nước về mặt hành chính, thực thi các hoạt động quản lý trường học dựa trên sơ sở của pháp luật;
Hiệu trưởng là người tổ chức thực tiễn, luôn tìm tòi đổi mới hoạt động quản lý, đổi mới các hoạt động sư phạm của nhà trường;
Hiệu trưởng là nhà sư phạm mẫu mực, nhà giáo dục có tâm hồn cao thượng và là người nghiên cứu khoa học. Trong công việc, hiệu trưởng biết vận động quần chúng tự giác thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, đồng thời có chuyên môn vững vàng biết phát huy tinh thần dân chủ sáng tạo, đoàn kết đưa nhà trường đạt được mục tiêu dạy học và giáo dục.
Hiệu trưởng là nhà hoạt động chính trị-xã hội và là nhà văn hóa, là người duy trì, phát triển và sáng tạo các giá trị của nhà trường;
Hiệu trưởng còn là nhà ngoại giao. Để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục, người Hiệu trưởng cần tận dụng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. Trong điều kiện nguồn kinh phí do Nhà nước cung cấp có hạn, Hiệu trưởng cần biết tận dụng các cơ hội để khai thác nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa giáo dục.
Để làm tốt các chức năng của mình, do vậy, người Hiệu trưởng cần thể hiện tốt các vai trò chủ yếu: vừa là nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà sư phạm, vừa là nhà hoạt động chính trị-văn hóa-xã hội, nhà ngoại giao và quan trọng hơn là nhà tổ chức trong thực tiễn.
*Chức năng quản lý của Hiệu trưởng
Chức năng quản lý là toàn thể những hoạt động cần thiết như tổ chức, phân công, phối hợp, hướng dẫn, động viên, kiểm tra… mà người Hiệu trưởng phải thực hiện vì nhiệm vụ của mình với vai trò là người đứng đầu nhà trường.
Theo các tài liệu của UNESCO, công tác quản lý nói chung có bốn chức năng cơ bản, đó là kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.
Theo đó, quản lý của Hiệu trưởng có các chức năng công cụ sau đây: - Kế hoạch hóa: là việc đưa toàn bộ hoạt động của nhà trường vào kế hoạch, trong đó chỉ rõ các bước đi, các biện pháp thực hiện, các bước phối hợp, lực lượng tham gia và đảm bảo các nguồn lực để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nó có vai trò quan trọng là xác định phương hướng hoạt động và bước phát triển của nhà trường, xác định các kết quả cần đạt được trong tương lai. Khi xây dựng kế hoạch, người Hiệu trưởng cần dựa vào các chỉ thị nhiệm vụ năm học, văn bản hướng dẫn… và tình hình thực tế của nhà trường. Đây là quá trình gồm các bước: nhận thức, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu.
- Tổ chức: là quá trình phân phối và sắp xếp các nguồn lực theo những cách thức nhất định để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Chức năng này giúp hiện thực hóa các mục tiêu của tổ chức, đồng thời có khả năng tạo ra sức mạnh mới của tổ chức, thậm chí của cả hệ thống nếu việc phân phối, sắp xếp nguồn lực khoa học, hợp lý.
- Chỉ đạo: là quá trình tác động cụ thể của Hiệu trưởng tới mọi thành viên của nhà trường nhằm biến những mục tiêu chung của nhà trường thành hoạt động thực tiễn của từng người. Hiệu trưởng hướng dẫn triển khai các hoạt động giáo dục, thường xuyên điều chỉnh, sắp xếp, phối hợp và giám sát mọi người và các bộ phận thực hiện tốt kế hoạch theo sự bố trí đã xác định trong bước tổ chức. Do vậy, chức năng chỉ đạo là cơ sở phát huy các động lực cho việc thực hiện các mục tiêu quản lý.
- Kiểm tra: là quá trình xem xét thực tiễn, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục của nhà trường, khuyến khích các nhân tố tích cực, phê bình những lệch lạc và đưa ra quyết định điều chỉnh hợp lý nhằm giúp các các bộ phận và cá nhân đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm ra, Hiệu trưởng cần đưa ra các chuẩn kiểm tra, các tiêu chí đánh giá cụ thể việc thực thi nhiệm vụ, đối chiếu với những mục tiêu đã đề ra.