THPT
Giáo dục đạo đức cho học sinh có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác giáo dục trong nhà trường. Đó là quá trình giáo dục bộ phận trong tổng thể cả quá trình giáo dục và có quan hệ biện chứng với các bộ phận giáo dục khác như: giáo dục trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục lao động và hướng nghiệp, giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách toàn diện. Hồ Chủ Tịch đã nêu: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định: “ Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác- Lênin, đưa việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhà trường phù hợp với từng lứa tuổi và bậc học…”. Giáo dục đạo đức còn có ý nghĩa lâu dài, được thực hiện thường xuyên và trong mọi tình huống chứ không phải chỉ được thực hiện khi có tình hình phức tạp hoặc có những đòi hỏi cấp bách. Bởi vậy, tu dưỡng và rèn luyện bản thân để trở thành người có nhân cách, vừa có đức vừa có tài là hết sức quan trọng đối với mỗi con người, là nhiệm vụ hàng đầu của từng học sinh.
Trong nhà trường THPT, giáo dục đạo đức là mặt giáo dục phải được đặc biệt coi trọng. Nếu công tác này được coi trọng thì chất lượng giáo dục toàn diện sẽ được nâng lên; vì đạo đức có mối quan hệ mật thiết với các mặt giáo dục khác. Để thực hiện những yêu cầu về nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh thì vai trò của tập thể sư phạm giữ một vị trí quan trọng có tính quyết định; trong đó, vai trò của hiệu trưởng là quan trọng nhất. Đồng thời, vai trò của cấu trúc và nội dung chương trình môn giáo dục công dân cũng góp phần không nhỏ với công tác này.