Cơ sở đề xuất biện pháp

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 96 - 99)

3.1.1. Cơ sở lý luận

Trong tất cả các mặt giáo dục, giáo dục đạo đức giữ một vị trí hết sức quan trọng. Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết một cách sâu sắc kinh nghiệm về giáo dục “Tiên học lễ, Hậu học văn”, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng”.

Giáo dục toàn diện, đặc biệt là với bậc giáo dục trung học phổ thông, cần được chú trọng để có thể đáp ứng nguồn nhân lực so với nhu cầu thực tế, để có thể tạo ra sản phẩm là những công dân vừa hồng vừa chuyên, năng động, sáng tạo, có trình độ tri thức và năng lực thực tiễn cao, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Giáo dục đạo đức là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm hình thành và phát triển ý thức, tình cảm, niềm tin và thói quen đạo đức của học sinh giúp cho nhân cách mỗi học sinh được phát triển toàn diện.

Để quản lý tốt công tác GDĐĐ HS, Hiệu trưởng cần có những kinh nghiệm của cá nhân và phải được trang bị những kiến thức về khoa học quản lý, biết phối kết hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để có được những biện pháp thiết thực và hiệu quả, phát huy những ưu điểm, tận dụng được thời cơ và khắc phục những hạn chế, tồn tại của đơn vị mình quản lý

3.1.2. Cơ sở pháp lý

* Nghị quyết TW2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển Giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đã đề ra 06 mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam; có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân; làm chủ tri thức, khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khỏe, là những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”.

* Ngày 13 tháng 6 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 711/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” của Bộ GD&ĐT. Trong đó, xác định mục tiêu chung của “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” đối với giáo dục phổ thông là “Chất lượng toàn diện của học sinh phổ thông có sự chuyển biến rõ rệt để phát triển năng lực làm người. Học sinh có ý thức và trách nhiệm cao trong học tập, có lối sống lành mạnh, có bản lĩnh, trung thực, có năng lực làm việc độc lập và hợp tác, có kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ham thích học tập và học tập có kết quả cao; có năng lực tự học”.

* Luật giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục 2001), điều 27 đã xác định mục tiêu của giáo dục Việt Nam: “ Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp cho học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh

học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

* Bộ Chính trị đã đề ra cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày 07 tháng 11 năm 2007 trong chỉ thị số 06- CT/TW.

* Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 và kế hoạch số 307/KH-BGDĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013.

* Hàng năm, trong chỉ thị về nhiệm vụ năm học, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh vai trò của GDĐĐ trong công tác giáo dục. Chỉ thị số 3398/CT- BGDĐT ngày 12/8/2011 của Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2011-2012 đã nêu rõ nhiệm vụ chung của các cấp học là “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “chú trọng và tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội”.

Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn số 888/SGDĐT- GDTrH ngày 28 tháng 9 năm 2010 về việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức HS, phòng chống đánh nhau trong trường học.

Ngày 10 tháng 10 năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học tỉnh đã cùng ký kế hoạch liên tịch số 952/KHLN/SGDĐT-SVHTTDL-ĐTN-HLHPN- HKH về việc phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm học 2011-2012.

3.1.3. Cơ sở thực tiễn

Phân tích thực trạng công tác quản lý GDĐĐ cho HS ở các trường THPT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua bộ phiếu cho các đối tượng khảo sát, qua thực tiễn công tác chỉ đạo các hoạt động GDĐĐ HS, chúng tôi rút ra ra một số kết luận về thực trạng công tác quản lý GDĐĐ HS ở các trường THPT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 96 - 99)