Nguyên tắc giáo dục đạo đức cho học sinh THPT

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 36 - 39)

Giáo dục học sinh trong thực tiễn sinh động của xã hội

Nguyên tắc này đòi hỏi việc giáo dục đạo đức của nhà trường phải gắn liền với đời sống thực tiễn của xã hội, của cả nước và địa phương; đưa thực tiễn đó vào những giờ lên lớp, vào những hoạt động của nhà trường, vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ để giáo dục học sinh.

Giáo dục theo nguyên tắc tập thể

Nguyên tắc này thể hiện ở ba nội dung: Dìu dắt học sinh trong tập thể để giáo dục; giáo dục bằng sức mạnh tập thể; giáo dục học sinh tinh thần vì tập thể.

Trong một lớp, tập thể có tổ chức tốt, có sự đoàn kết nhất trí cao thì sức mạnh của dư luận tích cực sẽ góp phần rất lớn vào việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Bên cạnh đó, những phẩm chất tốt đẹp như tinh thần tập thể, tính tổ chức kỷ luật, tình bạn, tinh thần hợp tác và giúp đỡ nhau, tính khiêm tốn học hỏi mọi người bao giờ cũng do giáo dục tập thể hình thành nên.

Để thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi nhà trường THPT phải tổ chức tốt các tập thể lớp, tập thể chi đoàn... Nhà trường phải cùng với Đoàn làm tốt phong trào xây dựng các chi đoàn vững mạnh trong các trường học

Giáo dục thông qua thuyết phục và phát huy mạnh mẽ tính tự giác của học sinh

Phải giáo dục đạo đức thông qua thuyết phục và phát huy tính tự giác của học sinh, không cưỡng ép hoặc mệnh lệnh hay dọa nạt, biến học sinh thành những đứa trẻ thụ động, sợ sệt, rụt rè.

Nguyên tắc này đòi hỏi người thầy phải kiên trì, nhẫn nại, nhiệt tình và tâm huyết, có tình thương đối với các em học sinh một cách sâu sắc. Mọi yêu cầu, đòi hỏi đối với học sinh phải được giải thích một cách cặn kẽ, phân tích tỉ mỉ đúng sai cho các em hiểu, để từ đó các em tự giác thực hiện.

Giáo dục đạo đức cho học sinh phải lấy việc phát huy ưu điểm là chính, trên cơ sở đó mà khắc phục khuyết điểm

Đặc điểm tâm lý của học sinh THPT là thích được khen; thích được thầy cô, bạn bè, cha mẹ biết đến những mặt tốt, ưu điểm và thành tích của mình. Nếu giáo dục đạo đức quá nhấn mạnh về khuyết điểm của học sinh, luôn nêu cái xấu, những cái chưa tốt trong đạo đức của các em thì dễ đẩy các em vào tình trạng tiêu cực, chán nản, thiếu tự tin, thiếu sức vươn lên. Do đó, chúng ta cần tuyên dương, nêu gương, khen thưởng kịp thời khi học sinh có tiến bộ và đạt thành tích tốt, thông qua những tấm gương người tốt - việc tốt để giáo dục các em.

Phải tôn trọng nhân cách học sinh, đồng thời đề ra yêu cầu ngày càng cao đối với học sinh

Muốn xây dựng nhân cách cho học sinh, người thầy cần phải tôn trọng nhân cách các em. Tôn trọng học sinh, thể hiện lòng tin đối với học sinh là một yếu tố tinh thần có sức mạnh động viên học sinh không ngừng vươn lên rèn luyện hành vi đạo đức. Khi học sinh tiến bộ về đạo đức, giáo viên cần kịp thời có yêu cầu cao hơn để thúc đẩy các em vươn lên cao hơn nữa.

Công tác giáo dục đòi hỏi người thầy yêu thương học sinh nhưng phải nghiêm; nếu chỉ thương mà không nghiêm học sinh sẽ nhờn và ngược lại thì các em sẽ sinh ra sợ sệt, rụt rè, không dám bộc lộ tâm tư tình cảm; do đó, người thầy không thể uốn nắn tư tưởng, xây dựng tình cảm đúng đắn cho học sinh.

Giáo dục đạo đức phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình học sinh

Với đặc điểm lứa tuổi ở bậc THPT, đây là giai đoạn phát triển có những thay đổi rất mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tâm lý của các em. Các em luôn hiếu động, hay bắt chước, muốn tự khẳng định mình... Chính vì vậy, các em không muốn bị gia đình ràng buộc, dễ có những nhận thức không đúng, lệch lạc, dẫn đến vi phạm các nội quy, quy định chung. Mặt khác, ở lứa tuổi này, nhu cầu giao tiếp của các em rất lớn; đặc biệt là sự giao tiếp với bạn bè để từ đó hình thành nên những nhóm bạn cùng sở thích. Khi không có sự định hướng của người lớn, học sinh thường có những nhận thức lệch lạc về ý thức, hành vi, lời nói dẫn đến các vi phạm. Trong khi đó, phần đông các gia đình hiện nay có ít con, có điều kiện về kinh tế nên cũng nuông chiều con cái cho nên các em có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin văn hoá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các em có thể có những hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà cha mẹ, thầy cô không để ý đến, điều đó làm cho các em tưởng rằng chúng đã trưởng thành và có thể quyết định đúng đắn những vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội... Vì thế, chúng xem thường lời khuyên của thầy cô, cha mẹ. Đó cũng là mầm mống nảy sinh các vấn đề tiêu cực về đạo đức.

Do đó, công tác giáo dục đạo đức cần phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lí và hoàn cảnh gia đình học sinh, từ đó có những biện pháp giáo dục thích hợp.

Trong công tác giáo dục đạo đức, người thầy cần phải có nhân cách mẫu mực và phải đảm bảo sự thống nhất giữa các ảnh hưởng giáo dục đối với học sinh

Kết quả công tác giáo dục đạo đức học sinh trong trường THPT phụ thuộc rất lớn vào nhân cách của thầy cô giáo. Lời dạy của thầy cô dù hay đến đâu, phương pháp sư phạm dù khéo léo đến đâu cũng không thay thế được

những ảnh hưởng trực tiếp của nhân cách người thầy với học sinh. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn về rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công dân: “…Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức…Vì vậy, thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Phải đảm bảo sự nhất trí cao về yêu cầu giáo dục đạo đức giữa các thành viên trong nội bộ nhà trường và sự thống nhất phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)